Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐiểm tinToan tính Biển Đông của TQ khi cải cách quân đội

Toan tính Biển Đông của TQ khi cải cách quân đội

Trung Quốc đang có đợt cải cách lớn trong quân đội trong bối cảnh nước này ngày càng hung hăng trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễu binh hôm 1/7/2015

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 13/1 đưa tin, cải cách quân đội Trung Quốc đã gây chú ý cho dư luận. Báo chí Hồng Kông đặc biệt quan tâm tới việc triển khai lực lượng đóng ở Hồng Kông và Ma Cao sau cải cách quân đội sẽ có những thay đổi gì.

Quân đội Trung Quốc đang tiến hành cải cách toàn diện, Đại quân khu Quảng Châu dự đoán sẽ được cải tổ thành Chiến khu miền Nam, “phòng thủ Biển Đông” (áp đặt yêu sách “đường chín đoạn” bất hợp pháp) sẽ là một trong những chức trách của nó.

Từ Quang Dụ, một viên Thiếu tướng nghỉ hưu từ Bắc Kinh, Trung Quốc cho rằng, xét tới tầm quan trọng về chính trị của lực lượng đóng ở Hồng Kông, lực lượng này có thể sẽ tiếp tục trực thuộc Quân ủy Trung ương, sẽ còn nhận được hỗ trợ hậu cần của Chiến khu miền Nam sắp thành lập.

Từ Quang Dụ nói: “Nó (lực lượng đóng ở Hồng Kông) là tiêu chí chính trị thực thi chủ quyền của Trung Quốc đối với Hồng Kông. Địa vị đặc biệt của nó có quy định (trong Luật cơ bản)”. Lực lượng Quân đội Trung Quốc đóng ở Ma Cao dự tính cũng sẽ được sắp đặt tương tự.

Trước đó, hôm 11/1, truyền thông Trung Quốc đưa tin Trung Quốc đã tái cơ cấu 4 cơ quan đầu não của quân đội đội nước này gồm Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Quân bị, thành 15 cơ quan mới dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương (CMC).

Cơ cấu tổ chức mới này bao gồm 3 ủy ban: kiểm tra kỷ luật, chính trị và luật pháp; khoa học và công nghệ, 1 văn phòng trung ương cùng 5 văn phòng: quản lý, kiểm toán, hợp tác quốc tế, cơ cấu tổ chức và cải cách, hoạch định chiến lược.

Ngoài ra, còn có 6 tổng cục mới gồm: Bộ Tổng tham mưu liên quân, Tổng cục Công tác chính trị, Tổng cục Hỗ trợ hậu cần, Tổng cục Phát triển thiết bị, Tổng cục Huấn luyện và Tổng cục Quốc phòng.

Trước đó, ngay đầu tháng 1/2016, Trung Quốc đã lập 3 đơn vị mới là đơn vị tổng chỉ huy lục quân, một đơn vị tên lửa và một lực lượng hỗ trợ chiến lược. Ông Tập nói rằng 3 đơn vị mới được thành lập trong khuôn khổ kế hoạch cải tổ và “hiện thực hóa giấc mơ một nền quân đội Trung Quốc hùng mạnh”.

Ông Tập đã nêu ra ý tưởng “giấc mơ Trung Hoa” với ý đồ vươn lên cường quốc hàng đầu thế giới và xem một quân đội hùng mạnh là mấu chốt của tham vọng này.

Cuộc cải cách quân đội diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông, gia tăng căng thẳng với các láng giềng.

Tháng 12 năm ngoái, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ Joseph A. Bosco nhấn mạnh có hai nguy cơ xung đột leo thang từ việc Trung Quốc thực hiện cải cách quân đội.

Thứ nhất, như ông Tập Cận Bình tin tưởng các cải cách đã thành công trong việc làm cho quân đội Trung Quốc mạnh thêm và “có thể chiến đấu thật sự”.

Rõ ràng đây là thông tin không tốt đối với khu vực Đông Nam Á, Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Thái độ gây hấn của Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền ngày càng hung hăng nên bất kỳ việc tăng sức mạnh quân sự nào trong khu vực cũng chỉ có thể kích thích tham vọng của Bắc Kinh.

Nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và các nước, thậm chí là với Mỹ, cũng có khả năng xảy ra một khi Bắc Kinh thấy lợi ích của mình bị đe dọa.

Trước đó, báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn nhận định của chuyên gia hải quân ở Thượng Hải Nghê Lạc Hùng: ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch cải cách quân đội trong thời điểm này là vì “không còn thời gian để chờ đợi” trong bối cảnh Mỹ đang thách thức việc đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bằng việc đưa tàu chiến đến gần các đảo do Bắc Kinh xây dựng, bồi đắp trái phép ở đây.

Thứ hai, định hướng cải cách quân đội theo cách trao quyền cho những bộ chỉ huy cấp thấp hơn cho thấy nguy cơ đụng độ sẽ tăng cao do cấp thấp có quyền quyết định nhanh chóng.

Theo chuyên gia Bosco, việc đẩy trách nhiệm cho chính quyền quân sự địa phương còn giúp Bắc Kinh “chối bỏ một cách hợp lý trách nhiệm của mình” nếu những chính sách “mang tính gây hấn” của họ gây ra những vụ va chạm có liên quan đến tổn thất về tài sản cũng như nhân mạng của nước khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới