Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngHọc giả quốc tế chỉ trích cách hành xử của TQ ở...

Học giả quốc tế chỉ trích cách hành xử của TQ ở Biển Đông

Tại Diễn đàn tầm nhìn khu vực năm 2016 do Viện ISEAS-Yusof Ishak tổ chức ngày 12/1 tại Singapore, nhiều học giả và các chuyên gia phân tích quốc tế đã vạch trần “mưu đồ” của Trung Quốc khi nước này tiền hậu bất nhất giữa tuyên bố “trỗi dậy trong hòa bình” và hành động hung hăng ở Biển Đông.

Diễn đàn tầm nhìn khu vực năm 2016 do Viện ISEAS-Yusof Ishak ngày 12/1 tổ chức tại Singapore. Ảnh: www.channelnewsasia.com)

Phần lớn các chuyên gia và học giả quốc tế tham luận tại diễn đàn đều ủng hộ quan điểm đã đến lúc ASEAN cần phải đóng vai trò lớn hơn nữa trong việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Hơn 550 học giả và chuyên gia nghiên cứu, doanh nhân và quan chức chính phủ đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN về vấn đề Biển Đông đã tham gia diễn đàn lần này.

Giáo sư-Tiến sĩ Susan Shirk đến từ Trường Quan hệ quốc tế và Nghiên cứu khu vực Thái Bình Dương, Đại học California, đã vạch trần các ý đồ và các toan tính của Trung Quốc tại khu vực. Giáo sư Shirk chỉ ra khoảng cách một trời một vực giữa tuyên bố của Trung Quốc về “sự trỗi dậy trong hòa bình” và việc nước này đang bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, có thể sắp tới là quân sự hóa các đảo trên.

“Vấn đề là ở chỗ khu vực Đông Nam Á và tất cả các quốc gia châu Á cần hối thúc Trung Quốc cần tuân thủ và xây dựng một chính sách khu vực mang lại sự gắn kết tốt đẹp, đảm bảo tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế”, Giáo sư Shirk phân tích.

“Điều mà Mỹ mong muốn nhìn thấy và ASEAN, tôi nghĩ, cũng muốn chứng kiến là một cơ chế đa phương (dựa trên nền tảng ASEAN) cần được tăng cường theo cách giúp Trung Quốc hòa nhập và định hình các ý định và hành vi của nước này trong tương lai”, vị giáo sư người Mỹ nhấn mạnh.

Theo giáo sư Shirk, có nhiều giải pháp có thể được xem xét trong đó có việc đưa một cơ chế bỏ phiếu biểu quyết trước khi ASEAN đưa ra quyết định nào và do đó các nước có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc không thể ngăn cản việc đạt được sự đồng thuận trong nội khối ASEAN.

Trong khi đó, Giáo sư Carlyle Thayer phân tích, tại Biển Đông Bắc Kinh chưa bao giờ giải thích được cơ sở pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền của nước này. Giáo sư Thayer đặt câu hỏi: “Vậy làm sao để nhận diện đâu là vùng đặc quyền kinh tế, đâu là những vùng biển sâu?”.

Giáo sư Jia Qingguo, hiệu trưởng Trường Nghiên cứu quốc tế, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần sớm đạt được một bộ quy tắc ứng xử (COC) để giải quyết tranh chấp biển đảo và giảm nhiệt căng thẳng.

Hai bên cần đạt được những dàn xếp chung về thể chế để giải quyết tranh chấp trong đó có bộ quy tắc ứng xử (COC) cho Biển Đông, theo giáo sư Đại học Trung Quốc. “Trung Quốc và ASEAN cần tiến hành đàm phán về COC một cách nghiêm túc hơn nữa và sớm đạt đến quyết định cuối cùng về vấn đề này”, Giáo sư Jia nhấn mạnh.

Giáo sư Đại học Bắc Kinh còn giải thích thêm rằng: “Tôi cho rằng chỉ có COC mới đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên. Chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian và năng lượng cũng như tài chính trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ”.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích trên Biển Đông, nơi có nhiều tuyến vận tải huyết hạch với thương mại hàng năm lên đến 5.000 tỷ USD.

Bắc Kinh đã xây dựng trái phép tổng cộng 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá và rặng san hô ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó đáng chú ý một đường băng dài 3.000m trên bãi Chữ Thập, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Gần đây nhất, Trung Quốc còn bay thử nghiệm phi pháp các chuyến bay dân sự ra bãi Chữ Thập, làm thổi bùng quan ngại về việc quân sự hóa cũng như ảnh hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới