Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngVụ kiện Philippines sẽ tạo ra thách thức thực sự cho TQ

Vụ kiện Philippines sẽ tạo ra thách thức thực sự cho TQ

Xung đột Biển Đông là rủi ro tiềm tàng lớn nhất của khu vực châu Á trong năm 2016; Trung Quốc có thể lập ra ADIZ ở Biển Đông vào năm 2017 hoặc 2018…

Hãng tin BBC Anh ngày 13/1 đưa tin, cố vấn lâu năm Bonnie Glaser của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) ngày 12/1 cho rằng, vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sẽ gây phiền phức thực sự cho Trung Quốc.

Philippines đưa vụ kiện Biển Đông ra Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague, Hà Lan, tìm cách thách thức yêu sách “đường chín đoạn” vô lý và bất hợp pháp của Trung Quốc.

Trung Quốc luôn từ chối tham gia vụ kiện, cũng sẽ không chấp nhận kết quả trọng tài. Nhưng, Tòa trọng tài quốc tế đã chính thức thụ lý vụ kiện này. Dư luận quốc tế phổ biến dự đoán, kết quả phán quyết sẽ được công bố vào khoảng tháng 6/2016.

“Tôi không cho rằng tòa trọng tài sẽ đều ủng hộ Philippines trong từng vấn đề, nhưng tôi thực sự cho rằng sẽ ủng hộ Philippines trong một số vấn đề” – Bonnie Glaser nhận định.

Theo bà Bonnie Glaser, đặc biệt, nếu tòa trọng tài phán quyết ngư dân Philippines có quyền đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough, “sẽ là thách thức thực sự đối với đường chín đoạn”.

Vụ kiện trọng tài

Trung Quốc cho rằng, họ vạch ra phạm vi “chủ quyền” trên bản đồ dựa vào đường chín đoạn – có nguồn gốc từ vùng biển lịch sử truyền thống. Nhưng, các nước Đông Nam Á cho rằng, đường chín đoạn không phù hợp với “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”.

Đường chín đoạn hoàn toàn không có nghĩa là đường cơ sở lãnh hải. Trung Quốc hiện vẫn chưa vạch ra đường cơ sở lãnh hải ở Biển Đông.

Trung Quốc vừa cho máy bay chở khách bay thử bất hợp pháp ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Bonnie Glaser cho rằng, một vấn đề khác của phán quyết là thuộc tính đặc trưng của đảo đá: “Lấy ví dụ, nếu phán quyết đá Vành Khăn chỉ là bãi cạn lúc nổi lúc chìm và thuộc một phần thềm lục địa của Philippines, điều này sẽ trở thành thách thức đối với Trung Quốc.

Bởi vì, Trung Quốc cho rằng có thể chiếm đá Vành Khăn theo yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp), đồng thời xây dựng các công trình tựa như căn cứ quân sự”.

Căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, đảo và đá ngầm đều được hưởng lãnh hải 12 hải lý, nhưng bãi cạn lúc nổi lúc chìm cho dù có được cải tạo thành đảo thì cũng không có lãnh hải 12 hải lý.

Theo bà Bonnie Glaser, Trung Quốc cần phải suy nghĩ họ sẽ làm thế nào để ứng phó với những phán quyết khả năng này.

Bà chỉ ra quan điểm khác nhau của Trung Quốc và các nước yêu sách khác ở Biển Đông, đồng thời cho biết một quan chức Trung Quốc từng nói với bà rằng, điều Trung Quốc tính toán không phải là 12 hải lý xung quanh các thực thể chiếm đóng thuộc lãnh hải Trung Quốc hay không, mà là vạch ra cái gọi là “đường cơ sở lãnh hải” xung quanh một quần đảo, do đó tuyên bố yêu sách (200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế) bất hợp pháp đối với tất cả vùng biển ở trong đó.

Trung Quốc vừa cho máy bay chở khách bay thử bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Năm 2016 là năm bầu cử của Mỹ, bà Bonnie Glaser nói: “Tôi cho rằng, (kết quả phán quyết) này rất dễ được các ứng cử viên (Tổng thống Mỹ) tận dụng, chỉ trích Trung Quốc đang phá hoại luật pháp quốc tế. Bởi vì, Trung Quốc đã nói, sẽ phản đối tất cả phán quyết của tòa trọng tài”.

Tại hội nghị “Triển vọng châu Á 2016” do CSIS tổ chức, các chuyên gia và công chúng phổ biến cho rằng, xung đột Biển Đông là rủi ro tiềm tàng lớn nhất của khu vực châu Á trong năm 2016.

Khi tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên gay cấn vài năm trước, mọi người cũng từng cho rằng Trung Quốc và Nhật Bản có nguy cơ xảy ra xung đột ở biển Hoa Đông. Nhưng, đến nay, điểm nóng đã chuyển tới Biển Đông.

Là phản ứng đối với tình hình đảo Senkaku, vào năm 2013, Trung Quốc đã thiết lập ra cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm lên cả đảo Senkaku, đòi có quyền theo dõi và xua đuổi máy bay nước ngoài đi vào khu vực này. Sau đó, Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông được dư luận quan tâm rộng rãi.

Biển Đông

Bà Glaser cho rằng Trung Quốc sẽ không thiết lập Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông trong năm nay, nhưng có thể sẽ lập ra nó vào năm 2017 hoặc năm 2018.

Trung Quốc vừa cho máy bay chở khách bay thử bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Theo Bonnie Glaser: “Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông đã tồn tại lâu dài trong kế hoạch của Quân đội Trung Quốc”. Nhưng, Trung Quốc hiện lập ra cái vùng nhận dạng phòng không này có thể sẽ gây ra “phản ứng chung” của các nước khu vực Biển Đông.

Bonnie Glaser nói: “Tôi cho rằng, trong 6 tháng tới, Trung Quốc sẽ tập trung sức hoàn thành (bất hợp pháp) công trình xây dựng đảo ở đá Vành Khăn và đá Subi. Công trình trên đá Chữ Thập cơ bản đã hoàn thành”. “Chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều hành động (bất hợp pháp) hơn trên những đảo đó, trước hết là dân dụng, sau đó là quân sự”.

Bà Glaser cho rằng: “Trước khi chúng ta nhìn thấy vùng nhận dạng phòng không, chúng ta sẽ nhìn thấy Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở lãnh hải ở Biển Đông. Tôi cho rằng, người Trung Quốc đang bàn bạc lúc nào là thời cơ thích hợp để làm những điều đó”.

Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, nhưng họ đã và đang chiếm đoạt nó bằng vũ lực, thực lực. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế hiện nay và trong tương lai – PV.

Năm 2016, Trung Quốc sẽ tập trung xây dựng bất hợp pháp ở đá Vành Khăn (trong hình) và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

 

RELATED ARTICLES

Tin mới