Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngHoàng Sa là máu thịt của Việt Nam

Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam

Từ bao đời nay, vùng biển, quần đảo Hoàng Sa là phần lãnh hải, lãnh thổ không thể tách rời của người Việt Nam. Dù Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974, nhưng tiếng gọi Hoàng Sa từ muôn đời vẫn mãi quen thuộc. 

Đối với nhiều ngư dân Quảng Ngãi, Lý Sơn vùng biển Hoàng Sa là nơi thân thuộc hằng ngày, hằng giờ. Đó là một phần máu thịt của Tổ quốc thiêng liêng không thể tách rời. 
Dù có bão giông, phải trả giá bằng mạng sống của mình nhưng những chiếc tàu cá tung bay lá cờ Tổ quốc vẫn ngày đêm hiên ngang rẽ sóng hướng về Hoàng Sa thân yêu.

Chỉ còn vài ngày nữa thì lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa sẽ diễn ra tại Lý Sơn, Quảng Ngãi. Lần đầu tiên một khu tưởng niệm những nghĩa sĩ vì Hoàng Sa sẽ chính thức được xây dựng để tưởng nhất tất cả những người Việt đã ngã xuống vì lãnh thổ và chủ quyền dân tộc. 

30 năm thức – ngủ với Hoàng Sa

Bây giờ tuổi đã cao, sức yếu không thể cùng bạn chài lênh đênh trên tàu gần cả tháng trời bám khơi xa nhưng quần đảo Hoàng Sa vẫn luôn thức ngủ trong tâm thức lão ngư Dương Chính (70 tuổi, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn).

Hơn 20 năm vẫy vùng, ngang dọc khắp ngư trường Hoàng Sa, ông Chính đã để lại nhiều kinh nghiệm quí báu cho những ngư dân trẻ đất đảo làm hành trang trong mỗi chuyến khơi xa. Đối với họ, lão ngư Dương Chính không chỉ là bậc thầy mà còn một trong những ngư dân hết sức can trường, tiên phong cho tàu rẽ sóng vượt muôn trùng khơi tiến ra Hoàng Sa, mở đầu cho thời kỳ khai thác dài ngày trên biển vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

“Lý Sơn, quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa, nơi mà mấy trăm năm trước các binh phu ra Hoàng Sa chỉ bằng những chiếc thuyền nan mỏng manh để cắm mốc, bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều binh phu đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Đây là mảnh đất mà cha ông để lại nên thế hệ sau phải có trách nhiệm giữ gìn”, ông Chính bộc bạch.

Từ suy nghĩ như vậy đã thôi thúc ông Chính quyết tâm bằng mọi cách để đưa tàu cá tiến ra Hoàng Sa.
Nói là làm, năm 1984, ông Chính cùng một số ngư dân trên đảo huy động “tổng lực” vốn liếng đóng 3 tàu cá do ông Chính trực tiếp chỉ huy chính thức rời Lý Sơn tiến thẳng ra Hoàng Sa mưu sinh.
“Chuyến đi đầu tiên gian nan lắm. Mọi người rất lo, nhất là chạy trong đêm vì sợ tàu đi lạc hướng, bởi chỉ có phương tiện duy nhất trên tàu là chiếc la bàn với đèn hột vịt để sát bên lấy ánh sáng mới xác định hướng đi cho đúng”, ông Chính nhớ lại kể. Sau gần 3 ngày đêm vượt sóng gió , cuối cùng 3 tàu cá cũng đã tiếp cận được tọa độ mà ông đã chấm từ trước, đó là đảo Tri Tôn.
Chuyến ra Hoàng Sa đầu tiên chỉ trong vòng hơn 10 ngày nhưng 3 chiếc tàu đã đầy ắp các loại hải sản nên ngư dân rất phấn khởi. Hết chuyến biển này đến chuyến biển khác, hơn 20 năm, mỗi năm có đến gần 200 ngày trên biển, đối với ông Chính vùng ngư trường Hoàng Sa giống như nhà của mình, dù cách Lý Sơn hơn 400 km.
“Thú thật mỗi lần ra Hoàng Sa đánh bắt tại đảo Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật ngư dân chúng tôi tự hào và biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai phá, bảo vệ lãnh hải của Tổ Quốc”, ông Chính thổ lộ.
Tuổi cao, lão ngư Dương Chính đành giã từ biển khơi nhưng ngày ngày ông vẫn dõi mắt nhìn về Hoàng Sa, nơi mà con trai ông là Dương Minh Tuấn cùng hàng ngàn ngư dân đất đảo đang miệt mài bám biển mưu sinh, bảo vệ chủ quyền biên cương của đất nước.
Bằng chứng sống động nhất là dù bị Trung Quốc nhiều lần bắt giữ, tịch thu tàu, cướp cá gây thiệt hại hàng tỉ đồng nhưng những ngư dân Lý Sơn vẫn sắm tàu mới, bám Hoàng Sa đến cùng.
 
Ra khơi là mệnh lệnh từ trái tim
“Vùng biển quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là ngư trường truyền thống đã gắn bó máu thịt với ngư dân đất đảo Lý Sơn từ bao đời nay. Vì thế, ngư dân đất đảo hôm nay cho dù ra khơi gặp nhiều bất trắc nhưng tất cả đều hướng về vùng biển thân yêu của Tổ quốc trên biển Đông, kiên quyết bám biển đến cùng”.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn.
Theo ông Chinh, bao thế hệ ngư dân Lý Sơn, ngư dân Quảng Ngãi, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đã trở thành người bạn gần gũi và thân quen. Biển nơi ấy đã ngấm vào máu của họ, được truyền từ đời này sang đời khác. Do vậy, dẫu phải vượt qua giông bão, hiểm nguy nhưng không ít ngư dân cả cuộc đời vẫn kiên cường bám biển. Họ đã sống vì biển, chết vì biển, thân xác vĩnh viễn nhập vào biển cả, hóa thành cột mốc biên cương của Tổ quốc ở nơi trùng khơi.

Lão ngư Nguyễn Đảng là một ví dụ. Sinh ra trên quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa, từ thuở ấu thơ được nghe cha kể về những binh phu đất đảo mấy trăm năm trước “cưỡi sóng đạp phong ba” vượt trùng dương tiến ra Hoàng Sa mở mang bờ cõi, khiến ông Đảng càng khâm phục sự hy sinh cao cả của các bậc tiền nhân.

Từ đó, tình yêu biển ngày tháng lớn dần trong trái tim ông, bám chặt vào cuộc đời ông không thể nào dứt ra được. Suốt bao nhiêu năm gắn bó mưu sinh ở vùng biển Hoàng Sa, ông Đảng đã không ít lần gặp nạn vì bão tố, vì nước ngoài bắt giữ, thậm chí có lần đã suýt chết, nhưng tình yêu biển vẫn “nóng” hừng hực trong người. Ý nghĩ giã từ đi biển chưa bao giờ xuất hiện trong đầu ông, cho dù tóc bạc trắng như cước, sức lực ngày càng yếu.

Cách đây hơn 5 năm, trong chuyến biển khai thác rau chân vịt ở Hoàng Sa, ông Đảng cùng 5 bạn chài đi trên tàu QNg 66192 TS đã vĩnh viễn nằm lại Hoàng Sa. Cả đời bám biển, cuối cùng thân xác lão ngư Nguyễn Đảng đã hòa vào lòng biển cả mênh mông của Tổ quốc.

Không chỉ đối diện với thiên tai, trong những năm qua, ngư dân Lý Sơn nói riêng và ngư dân Quảng Ngãi nói chung còn thường xuyên bị Trung Quốc tấn công khi hành nghề hợp pháp trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Đã không ít gia đình ngư dân ở Quảng Ngãi trắng tay, nợ nần vì bị phía Trung Quốc bắt giữ, cướp tài sản, thậm chí nhiều ngư dân còn bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt trọng thương.

Dù sự việc trôi qua nhiều năm nhưng đến bây giờ nhắc lại chuyện bị Trung Quốc tấn công khi đang hành nghề ở Hoàng Sa vào tháng cuối tháng 6.2007, các ngư dân Tu Thanh Sơn (37 tuổi), Huỳnh Văn Hưng (32 tuổi), Huỳnh Văn Phương ( 34 tuổi, đều ở làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) vẫn còn rùng mình.

“Thời điểm đó, khi anh em bạn chài chúng tôi đang hành nghề thì bị tàu Trung Quốc ruợt đuổi, bắn xối xả vào tàu cá làm 3 anh em chúng tôi bị trọng thương. Giờ nghĩ lại còn thấy ớn lạnh”, ngư dân Sơn nói.

Trong số 3 ngư dân bị Trung Quốc tấn công, ngư dân Sơn bị bắn vào đùi chân phải nên đành ngồi nhà hơn một năm trời để chữa trị, dưỡng thương, còn ngư dân Hưng cánh tay phải bị bắn nát, xương gãy làm đôi.

“Dẫu máu đã đổ ở Hoàng Sa nhưng anh em ngư dân chúng tôi vẫn không hề nao núng, việc đưa tàu cá rẽ sóng tiến ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa là mệnh lệnh từ trái tim trong mỗi ngư dân”, anh Sơn quả quyết.

Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Đó là chân lý bất di bất dịch trong trái tim của con dân đất Việt từ bao đời nay. Lòng quả cảm, sự hy sinh của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa khi vâng mệnh triều đình giông buồm đi mở cõi nơi Hoàng Sa, Trường Sa là sức mạnh truyền thống đã hun đúc cho thế hệ ngư dân hôm nay vẫn hiên ngang giữa biển khơi mưu sinh, không hề run sợ và khuất phục trước thiên tai và nhân tai.

RELATED ARTICLES

Tin mới