Không chỉ ngang nhiên bác bỏ phản đối của Philippines liên quan đến các chuyến bay thử nghiệm gần đây của Bắc Kinh ra bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc còn lớn giọng bình luận về kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Manila theo lối kẻ cả, trong khi chính Bắc Kinh và các động thái hung hăng, táo tợn của họ ở Biển Đông mới đang gây lo ngại cho hòa bình, ổn định ở khu vực.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 13/1/2016, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên bác bỏ phản đối của Philippines liên quan đến các chuyến bay thử nghiệm gần đây của Bắc Kinh ra bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Hồng trắng trợn cho rằng Trung Quốc thực hiện các “chuyến bay thử nghiệm” hoàn toàn trong phạm vi cái gọi là “chủ quyền” của nước này.
“Trung Quốc được hưởng các quyền tự do hàng không ở Biển Đông như các nước khác”, ông Hồng Lỗi nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn bao biện rằng, bản chất củachuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc đến sân bay mới được xây dựng trên bãi Đá Chữ Thập là “chuyên nghiệp, kỹ thuật và dân dụng”. Ông này cũng nói thêm rằng các chuyến bay phục vụ cho “lợi ích công cộng”.
Trước đó, ngày 13/1/2016, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose Manila cho biết, Manila đã chính thức phản đối các chuyến bay thử nghiệm gần đây của Trung Quốc tới bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã triệu tập đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila để trao công hàm phản đối hành vi này của Bắc Kinh. Theo ông Jose, các chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc ra bãi Đá Chữ Thập là “hành động khiêu khích”, ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Cũng trong buổi họp báo chiều 13/1, trả lời câu hỏi khác liên quan đến kế hoạch phát hành trái phiếu của Philippines nhằm hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân sự lâu dài nhằm bảo đảm bảo lực lượng chiến lược của nước này ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lớn giọng kêu gọi các nước liên quan “không quay ngược bánh xe lịch sử” và “cần hành động hơn nữa vì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Rõ là ông Hồng Lỗi nói ra toàn những lời hoa mỹ, nhưng kỳ thực, Trung Quốc đang hành xử theo lối “vừa ăn cắp, vừa la làng”.
Trung Quốc cứ ra rả nói họ không có ý đồ quân sự hóa Biển Đông, cam kết theo đuổi đường lối phát triển hòa bình, muốn trở thành một cường quốc có trách nhiệm của thế giới… rồi chỉ trích các nước khác gây rối tình hình, hay làm những việc không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực, nhưng chính Bắc Kinh và những động thái ngày càng hung hăng, táo tợn của họ ở Biển Đông, biển Hoa Đông mới đang thực sự gây mối lo ngại cho láng giềng và cộng đồng quốc tế.
Việc Trung Quốc điều phi cơ bay thử nghiệm tại sân bay mà họ xây dựng phi pháp trên bãi Đá Chữ Thập là động thái bị chỉ trích dữ dội gần đây nhất của Trung Quốc sau các dự án bồi đắp, xây đảo nhân tạo.
Những lập luận của Bắc Kinh nói việc họ cho máy bay ra bãi Đá Chữ Thập là “các hoạt động hàng không quốc gia” thực chất là nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với quần đảo Trường Sa.
Mặt khác, như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã khẳng định trong tuyên bố ngày 12/1/2016, việc Trung Quốc cho máy bay bay ra bãi Đá Chữ Thập cho dù là dưới bất kỳ danh nghĩa nào với cách làm như vừa qua cũng đều ảnh hưởng đến an ninh an toàn tự do hàng không ở Biển Đông; đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Chicago năm 1944 về Hàng không dân dụng và các Phụ lục liên quan đến Quy tắc bay qua vùng trời quốc tế, đặc biệt là Phụ lục 2 và Phụ lục 11.
Không có ai, không có nước nào “ngây thơ” tin vào những gì Bắc Kinh giải thích về những mục đích dân sự cao cả, nhân văn mà các dự án, việc làm của họ mang lại. Thực chất, khi Trung Quốc điều máy bay thương mại bay thử ra bãi Đá Chữ Thập, Bắc Kinh đã tiếp tục tạo sự đã rồi, tiếp tục quân sự hóa Biển Đông và tiến gần hơn đến tham vọng khống chế vùng biển chiến lược này cả trên trời và dưới nước.