Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngKích động chủ nghĩa dân tộc: Chiêu bài cũ rích của Trung...

Kích động chủ nghĩa dân tộc: Chiêu bài cũ rích của Trung Quốc

Trung Quốc dường như đang sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một chiêu bài cũ rích để đánh lạc hướng các công dân của mình, khiến họ “quên” đi các bất ổn nội tại, từ việc thị trường chứng khoán sập sàn liên tục, kinh tế suy giảm, đến biểu tình của dân Hồng Kông đòi làm rõ các vụ mất tích bí ẩn của các chủ hiệu sách chuyên bán các ấn phẩm chỉ trích lãnh đạo Bắc Kinh, hay phe đòi độc lập cho Đài Loan đang thắng thế trong cuộc bầu cử Tổng thống ở vùng lãnh thổ này… Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc thực hiện các chuyến bay thử nghiệm ra bãi Đá Chữ Thập vào thời điểm này.

Tuần trước, khi thị trường tài chính Trung Quốc liên tục đổ dốc, khiến Bắc Kinh vài phen phải “cắt cầu chì”, đóng cửa cưỡng ép thị trường tài chính và thao túng tỷ giá hối đoái, Trung Quốc đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm đường băng mà họ đã xây dựng phi pháp ở bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Sự xuất hiện của 3 máy bay thương mại Trung Quốc trên bãi Đá Chữ Thập, dù vô tình hay hữu ý, đã làm dấy lên quan ngại sẵn có trong các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế về nguy cơ Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Giới phân tích an ninh phương Tây thì tin chắc rằng, đường băng trên bãi Đá Chữ Thập mang “ruột” quân sự, “vỏ” dân sự và Bắc Kinh sẽ sớm triển khai các máy bay quân sự tới khu vực tranh chấp, sẽ đơn phương áp đặt một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông trong năm nay.

Trong một khoảnh khắc, tin tức về các chuyến bay thử nghiệm (phi pháp) của Trung Quốc tới bãi Đá Chữ Thập đã lan tràn trên khắp các mặt báo nước này và quốc tế, chiếm vị trí nổi bật so với các tin tức về nền kinh tế ngày càng tồi tệ của Bắc Kinh.

Các bức ảnh về các chặng dừng của máy bay Trung Quốc, từ Hải Khẩu đến bãi Đá Chữ Thập, lan “nhanh như virus” trên Internet.

Các cư dân mạng Trung Quốc lập tức bị cuốn vào những cảm xúc lâng lâng về “sứ mạng yêu nước” mà truyền thông, dưới sự chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc, đã tạo ra bằng những hình ảnh về một vùng trời biển trong xanh “tuyệt đẹp”, với một đường băng “tuyệt vời”; những bức ảnh “tự sướng” (selfie) kèm lời ca ngợi đầy cảm xúc của những người có “hân hạnh” được bay đến bãi Đá Chữ Thập; cùng với những tuyên truyền về chiến lược biển đảo của Trung Quốc, từ việc biến sân bay (phi pháp) trên bãi Đá Chữ Thập thành “trung tâm hàng không” ở quần đảo Trường Sa, đến việc thiết lập các cơ quan hàng hải, tìm kiếm cứu hộ, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và xử lý rác thải trên các đảo nhân tạo, hay kế hoạch đưa khách du lịch tới đây tham quan.

Tất nhiên, sự quyến rũ trá hình nào rồi cũng phải kết thúc, cũng như việc 2 chiếc máy bay của hãng hàng không Nam Phương Trung Quốc và Hải Nam rồi cũng phải cất cánh trở về Hải Khẩu sau vài giờ đậu trên đường băng ở bãi Đá Chữ Thập.

Trung Quốc chỉ có thể khiến dân họ tạm “quên” đi những bất ổn nội tại trong nước: từ việc thị trường chứng khoán sập sàn liên tục, kinh tế suy giảm, đến biểu tình của dân Hồng Kông đòi làm rõ các vụ mất tích bí ẩn của các chủ hiệu sách chuyên bán các ấn phẩm chỉ trích lãnh đạo Bắc Kinh, hay phe đòi độc lập cho Đài Loan đang thắng thế trong cuộc bầu cử Tổng thống ở vùng lãnh thổ này… chứ không thể dẹp bỏ hoàn toàn những phiền nhiễu này khỏi dư luận.

Và đó cũng là lúc nhà chiến lược trong khu vực lo ngại rằng, những bất ổn nội tại mà Trung Quốc đang phải đối mặt có thể khuyến khích giới lãnh đạo Bắc Kinh khởi động những cuộc phiêu lưu mới ở nước ngoài, đối đầu căng thẳng hơn với Mỹ, hung hăng hơn với các láng giềng có tranh chấp và đẩy nhanh quá trình thực hiện tham vọng bành trướng.

Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi Trung Quốc đã có một quá trình gia tăng khả năng quân sự từ việc tăng ngân sách quốc phòng hai con số mỗi năm trong cả một thập kỷ; đến việc xây dựng chiến lược quốc phòng theo hướng chú trọng tăng cường sức mạnh cho hải quân, chuyển hướng từ phòng ngự sang tấn công và mới đây cải cách, hiện thực hóa mục tiêu củng cố sức mạnh quân sự áp đảo tại châu Á, “tranh hùng” cùng quân đội Mỹ và phương Tây, nhằm bảo vệ quyền lợi cốt lõi của Bắc Kinh, cùng với một loạt “thay đổi chiến lược quan trọng để thực hiện giấc mơ đại cường quân sự”.

Một vài ngày trước khi thực hiện bay thử nghiệm ở bãi Đá Chữ Thập, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đã khẳng định rằng Bắc Kinh đang xây dựng một tàu sân bay thứ hai theo thiết kế riêng của họ. Trước đó, hồi tháng 11/2015, Trung Quốc đã có thông báo về kế hoạch mở căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở nước ngoài tại quốc gia Đông Phi Djibouti.

Theo giới chuyên gia, Trung Quốc có thể sớm bắt đầu tuần tra ở quần đảo Trường Sa từ cơ sở mới của họ trên bãi Đá Chữ Thập, hoặc chính thức tuyên bố ADIZ ở Biển Đông để theo dõi các máy bay nước ngoài, cũng giống như Bắc Kinh đã làm ở biển Hoa Đông – nơi họ có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Nhật Bản, hoặc Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những động thái làm gia tăng đáng kể căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, sử dụng chiêu bài kích động chủ nghĩa dân tộc để khiến dân chúng “quên” đi bất ổn trong nước vào lúc này là một “con dao hai lưỡi” với Trung Quốc.

Lịch sử đã cho thấy các cuộc biểu tình chống Nhật Bản với sự “kích động”, “tiếp tay” của truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi năm 2012 có thể nhanh chóng biến thành các cuộc bạo động chống chính phủ. Một nền kinh tế đang giảm tốc và một xã hội phân hóa giàu – nghèo ngày càng cao ở Trung Quốc chắc chắn sẽ là mồi lửa châm vào nỗi bất mãn đang cần có một lý do để bùng phát ở một bộ phận không nhỏ người dân nước này.

Do đó, từ việc đưa máy bay thương mại với một dàn tiếp viên hàng không tươi cười đến việc đưa các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom… và các phi công quân sự ra bãi Đá Chữ Thập, hay bất cứ cơ sở nào mà Trung Quốc đã, đang, sắp xây dựng ở các đảo nhân tạo trên Biển Đông, hẳn là các lãnh đạo Bắc Kinh cũng phải cân nhắc một cách thật cẩn thận?

RELATED ARTICLES

Tin mới