Gần đây “Ban Học tập pháp chế” (còn gọi là nhà tù ngầm, Ban Tẩy não) ở Trung Quốc tiếp tục bị công luận chú ý vì một Báo cáo nghiên cứu tố cáo tội ác của hệ thống này đã tước đoạt quyền tự do của công dân và tra tấn bất chấp pháp luật.
Theo Báo cáo, do ảnh hưởng của “sự kiện Kiến Tam Giang,” Trung Nam Hải bị thúc ép phải chấm dứt tình trạng “nhà tù ngầm.” Giới quan sát cho rằng, hệ thống này chủ yếu để đối phó với học viên Pháp Luân Công, sau này phát triển mở rộng áp dụng với cả những người dân đi kêu oan. Giới luật sư cũng lên án đây là hệ thống phi pháp, giam giữ người trái pháp luật.
Sự kiện Kiến Tam Giang khiến Trung Nam Hải bị thúc ép phải chấm dứt hế thống “nhà tù ngầm”
Vào tuần đầu tiên của năm mới 2016, trang mạng Human Rights Defenders Trung Quốc cho công bố Báo cáo điều tra về “Ban Học tập pháp chế” ở Trung Quốc Đại Lục, còn gọi là “nhà tù ngầm” hay “Ban Tẩy não.”
Theo Báo cáo, “Ban Học tập pháp chế” ở Trung Quốc Đại Lục đã phát triển nhanh chóng trong thời gian 10 năm (từ 2000 – 2010), sau năm 2010 bắt đầu diễn ra hoạt động tố cáo quy mô lớn của dân oan ở khắp nơi trên toàn Trung Quốc Đại Lục nhằm vào “Ban Học tập pháp chế,” sau đó cũng đã có báo chí ở Đại Lục vào cuộc điều tra.
Báo cáo tiết lộ, dưới ảnh hưởng của sự kiện Kiến Tam Giang gây chấn động trên toàn quốc, “các ban ngành Trung ương bị thúc ép buộc phải cấm tổ chức ‘Ban Học tập pháp chế’ đối với người đi kêu oan, từ đây hệ thống này mới dần suy yếu tại khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.”
Ngày 20/3/2014, những luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc Đại Lục gồm các ông Đường Cát Điền, Giang Thiên Dũng, Vương Thành, Trương Tuấn Kiệt đã trợ giúp bảo vệ cho các học viên Pháp Luân Công bị “Ban Tẩy não” Kiến Tam Giang tỉnh Hắc Long Giang bắt nhốt phi pháp. Các luật sư này yêu cầu thả các học viên Pháp Luân Công, vì thế họ đã bị chính quyền bắt và dùng tra tấn cực hình trả thù, bị đánh gẫy nhiều xương sườn, còn có 7 học viên Pháp Luân Công khác bị bắt cùng. Nhiều luật sư và người dân đã đến Kiến Tam Giang để cứu người nhưng đều bị bắt giữ phi pháp… những người đến ủng hộ đã kéo nhau đến ngồi tọa và tuyệt thực… làm dư luận quốc tế chú ý. Sự kiện Kiến Tam Giang này đã gây chấn động trong và ngoài nước.
Theo Báo cáo, chỉ tính riêng tại Vô Tích đã có hơn 100 “nhà tù ngầm”, từng bắt nhốt gần ngàn lượt người. Báo cáo đã tổng kết những đặc trưng của “Ban Học tập pháp chế” về “cách tuyển sinh” bao gồm: bắt cóc, lừa gạt, mời đến; không có bất cứ thủ tục gì; không báo cho người nhà biết tin; địa chỉ văn phòng bảo mật; không có thông tin và càng không có tự do nhân thân; tra tấn bức cung; đánh đập, ngược đãi, sỉ nhục, dọa dẫm, uy hiếp; hạ thuốc đầu độc; cưỡng bức giao dịch.
Ông Thẩm Ái Bân, một dân oan ở Vô Tích chia sẻ:
“Sự nguy hiểm nhất của hệ thống nhà tù ngầm là nó xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng. Nó dùng bạo lực để cưỡng bức bắt người phi pháp, vi phạm quyền công dân, hệ thống lấy cớ hoạt động mang tính chính trị này là nhờ có chính quyền ở phía sau điều khiển.”
Ông cho biết: “Sau khi bị bắt chúng tôi phải chịu cực hình, ngược đãi, hăm dọa… những thương tích vẫn còn lưu lại trên cơ thể. Có người bị hạ độc đến máu miệng chảy ra, không nói chuyện được vì lưỡi bị cứng lại. Đây là hệ thống bắt người phi pháp. Họ thông qua cái gọi là Ban Học tập để làm cho đối phương bị suy sụp tâm lý. Đa số người dân bình thường khi bị bắt không thể chịu nổi sự áp bức của chúng.”
Tháng 6/2013, ông Thẩm Ái Bân cùng hơn 20 người dân oan đã cứu được 5 người bị bắt giữ phi pháp vào “nhà tù ngầm” tại nhà khách Đông Giao (trong đó có một bà cụ 82 tuổi). Sau chuyện này họ bị trả thù và bị bắt giữ, tra tấn.
Ông Uông Chí Viễn: “Ban Tẩy não” thành lập vì Pháp Luân Công
Người phát ngôn Uông Chí Viễn của Tổ chức Điều tra bức hại Pháp Luân Công cho biết, Báo cáo này tổng kết những thủ đoạn mà hệ thống “nhà tù ngầm” bức hại người dân, ban đầu nó được dùng để đàn áp Pháp Luân Công, nó áp dụng bạo hành để buộc đối phương bỏ tín ngưỡng. Ông nói: “Những hình thức bức hại người dân kiểu này của ĐCSTQ đã có từ rất sớm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào năm 2000, chủ yếu để nhốt học viên Pháp Luân Công. Theo thông tin từ nội bộ công an Bắc Kinh, vào tháng 4/2011, con số học viên Pháp Luân Công lên Bắc Kinh kêu oan nhưng bị bắt có biên bản ghi chép lại lên đến 830 ngàn lượt người, con số này còn chưa tính nhiều người không công khai danh tính hoặc không vào sổ. Việc thành lập ‘Ban Tẩy não’ là vì Pháp Luân Công .”
Ông Uông Chí Viễn chỉ ra, Ban Tẩy não nằm dưới điều khiển của Văn phòng 610, là loại tổ chức bất hợp pháp dùng để bức hại Pháp Luân Công và người dân đi kêu oan; hệ thống này có quyền lực vượt trên cả hệ thống chấp pháp chính quy, nó không chịu kiểm soát của bất cứ trình tự pháp luật nào, không bị hệ thống nào giám sát nên có thể tùy tiện bắt người, dù làm chết người cũng không phải chịu trách nhiệm pháp luật.
Luật sư Dư Văn Sinh ở Trung Quốc Đại Lục chia sẻ, theo như ông được biết Ban Pháp chế phát triển dần kể từ sau năm 1999 khi Giang Trạch Dân phát động bức hại Pháp Luân Công, “Ban Học tập pháp chế” tuy được khoác vào cái áo “Pháp chế” nhưng nó hoàn toàn bất hợp pháp. Ông nhấn mạnh: “Nó không có bất kỳ thủ tục pháp lý nào khi bắt người, vì thế nó phạm tội giam giữ người trái phép.”