Friday, July 26, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An: Những ngày đầu tháng 1/1942 (Kỳ 1)

Nhật ký Diên An: Những ngày đầu tháng 1/1942 (Kỳ 1)

Nhật ký Diên an là cuốn tài liệu của tác giả P.P.Vladimirop viết về hoạt động của Đảng cộng sản Trung Quốc ở Diên An, đặc khu của Trung Quốc từ năm 1942 đến 1945. Chúng tôi dần cung cấp cho độc giả nội dung của cuốn nhật ký này.

Hình ảnh về nạn đói xảy ra tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc năm 1942:

Kỳ 1: Những ngày tháng 9/1942

7 tháng 9

 Những lực lượng hùng hậu của Nhật Bản đã tham gia cuộc tấn công Quý Dương, Khang Sinh cho biết rằng đấy là mấy sư đoàn, một số trung đoàn, lữ đoàn độc lập.

Không một lý lẽ về chính trị và sách lược nào bào chữa được thái độ của Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Mặt trận thống nhất kháng Nhật. Người ta lợi dụng những tiền đề của sự hợp tác với Quốc dân đảng không phải để củng cố Mặt trận kháng Nhật. Những hình thức phá hoại ngầm rất đa dạng. Những chiến dịch công khai chống Quốc dân đảng, khước từ đàm phán, đưa ra những đòi hỏi không thể thực hiện được làm như đó là vì để khắc phục sự chia rẽ. Kết quả của chính sách này giúp cho bọn quân phiệt Nhật chiến thắng, nhưng điều đó không hề làm cho Mao Trạch Đông bối rối, đối với Mao những cuộc chiến bại của Quốc dân đảng là một trong những biện pháp chủ yếu làm cho Quốc dân đảng suy yếu.

 Mao tiến hành cuộc đấu tranh chống vai trò đứng đầu của Quốc dân đảng trong Mặt trận thống nhất kháng Nhật, che đậy bằng những lập luận về những hình thức đấu tranh cách mạng mới trong những điều kiện hiện nay.

Đó là chính sách xuyên tạc những nguyên tắc cách mạng làm ra vẻ biện chứng (“lợi dụng mọi hình thức đấu tranh với kẻ thù giai cấp”). Những hành động này đã dẫn tới tình trạng là sự chia rẽ trước đây trong nước đã trở thành hiện thực. Bọn Nhật chiếm thêm được nhiều đất đai của Trung Quốc. Đã gần bảy năm nay nhân dân Trung Quốc phải làm trâu ngựa cho bọn quân phiệt Nhật. Một số lớn nhân dân bị giết, số khác bị chết vì đói, vì bệnh. Một bộ phận rất lớn không nhà cửa, đi lang thang và ăn xin.

Những năm gần đây sự chia rẽ còn hủy hoại đất nước này mạnh mẽ hơn nữa. Chính là sự chia rẽ, chứ không phải tình trạng kém cỏi về trang bị kỹ thuật của quân đội, sự thiếu thốn vũ khí và những nguyên nhân khác đã biến cuộc tấn công của quân Nhật thành chiến thắng huy hoàng (20 sư đoàn Nhật Bản đánh nhau với 309 sư đoàn Trung Quốc mà vẫn thắng).

Kết cục là đất nước tan rã dưới những đòn tấn công của bọn xâm lược.

Mao lợi dụng vị trí đặc biệt của Đặc khu. Đó là những tỉnh thâm sơn cùng cốc, khó mà tới được, không có công nghiệp, nhưng cái chính là Mao Trạch Đông ra lệnh chuyển sang chiến tranh bằng những cuộc đụng độ nhỏ chứ không phải là những chiến dịch chống Nhật cỡ rộng lớn có kế hoạch, do đó chuyển toàn bộ sức lực sang việc phá hoại các vị trí của Quốc dân đảng. Ở các căn cứ của mình, Đảng cộng sản có khả năng tập trung những đơn vị quân đội lớn nhằm đấu tranh chống Chính phủ trung ương.

Khoảng từ năm 1941, sự chia rẽ đã bắt đầu có những nét khá rõ rệt. Bọn xâm lược khỏe lên nhờ tình trạng chia rẽ này. Thậm chí chúng cũng chẳng cần phải tiến hành công tác tuyên truyền phá hoại. Cứ thế những cuộc phân tranh đã phá tan nước này rồi, mà một trong những kẻ gây ra các mối bất hòa nọ là Chủ tịch Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Mao dùng không biết bao nhiêu thứ dẫn chứng về “âm mưu của Tưởng Giới Thạch” để che giấu bộ mặt thực của mình. Ông ta làm tất cả mọi cái để đào sâu chia rẽ, mặc dầu các giới xã hội đã biểu lộ sự lo lắng của họ đối với tình hình mặt trận thống nhất kháng Nhật của Trung Quốc. Hơn nữa, ông ta hết sức kiên quyết củng cố, rèn luyện kỷ luật, phát triển số lượng các đạo quân của mình không phải để đánh nhau với Nhật mà để chờ cái giờ quyết định là giờ mà sự sụp đổ của quân Nhật bị đồng minh đánh sẽ trở thành sự thật và sự chia rẽ Quốc Cộng sẽ trở thành nhân tố quyết định nội chiến. Đó là cuộc chiến tranh mà quân đội Quốc dân đảng sau khi đã kiệt lực bởi những trận chiến đấu dai dẳng nhiều năm với quân Nhật sẽ phải tham gia, còn quân đội của Đảng cộng sản thì vẫn còn sung sức nhờ chiến thuật đụng độ nhỏ hoặc trắng trợn lẩn tránh những cuộc giao chiến lớn với quân xâm lược.

Chủ tịch Đảng cộng sản Trung Quốc lừa dối dư luận thế giới bằng những con số giả. Mao tấn công Tưởng bằng những đòi hỏi nhằm đạt tới nhượng bộ chính trị mà chắc chắn Tưởng không thể nào đồng ý. Ông ta giữ sức cho quân đội, thậm chí cả giờ đây khi Trung Quốc đã đứng bên vực thẳm bại trận. Ông ta vui mừng trước những cuộc thua trận của Quốc dân đảng mà không thèm đếm xỉa đến ý nghĩa của việc quân Nhật tấn công cũng như những hy sinh của nhân dân. Ông ta chỉ nhìn thấy có sự yếu đi của chế độ Quốc dân đảng mà thôi. Bằng việc phá hoại ngầm trong chiến tranh, ông ta làm cho Chính phủ trung ương mất quyền kiểm soát đất nước.

Mao tìm thắng lợi cho mình trong thắng lợi của quân Nhật, trong sự tan vỡ của các mặt trận, trong việc đầu cơ những thất bại quân sự của Tưởng Giới Thạch. Bằng những luận điểm “chủ nghĩa Mác hiện thực”, Mao tạo cho chiến thuật của mình một cơ sở lý thuyết. Đó là sự lý thuyết hoá của kẻ thù thâm căn cố đế chống lại Mặt trận dân tộc, là biểu hiện của mối hằn thù ngấm ngầm không bao giờ nguôi chẳng những đối với bản thân Tưởng Giới Thạch mà cả với Mặt trận thống nhất đã bộc lộ ngay từ khi có những va chạm với Vương Minh, vào đầu những năm 1938-1940. Lúc đó, Mao biểu quyết tán thành Mặt trận thống nhất, nhưng đã làm tất cả mọi cái để phá hoại nó. Dần dần ông ta đã đạt được những mục tiêu của mình, trong khi coi thường sách lược của Quốc tế cộng sản.

Rồi đây tên tuổi của Mao Trạch Đông sẽ gắn liền với sự chia rẽ các lực lượng kháng chiến của dân tộc, có lẽ cũng chẳng kém gì những phần tử phản động nhất của cánh hữu Quốc dân đảng.

Về đường lối chính trị của ông ta, Mao sẵn sàng làm bất kể việc giả mạo nào. Tôi ngấy đến tận cổ những bức điện giả tạo, những bài trong báo “Giải phóng” của ông ta trong đó lời nói ngược hẳn với việc làm, những câu trả lời đã học thuộc lòng của những người cộng sự của Mao đáp lại các nhà báo nước ngoài.

Cần phải thừa nhận rằng ông ta hoàn toàn thành công trong việc đánh lạc hướng cho các đại diện báo chí nước ngoài, đổ lỗi thua trận cho một mình Tưởng Giới Thạch…

Chiến thuật phá hoại ngầm đã tạo điều kiện cho Mao củng cố các lực lượng vũ trang ở Đặc khu, sắp xếp lại bộ máy nhà nước ở Đặc khu, và ổn định được nền kinh tế. Và ông at đạt được điều đó phần lớn nhờ ở sự phá hoại ngầm Mặt trận thống nhất kháng Nhật và “sự cảm ơn thầm lặng người Nhật” đã không mở những cuộc tấn công rộng lớn vào bát lộ quân và chiếm đóng các huyện của Đặc khu.

Trong một chừng mực nhất định, ta có thể khẳng định rằng Mao Trạch Đông đã giúp cho người Nhật lựa chọn hướng hành động trong suốt những năm đó.

Người Nhật tấn công, nhưng họ rút ra những kết luận thực tiễn từ chiến thuật thụ động của các đạo quân của Đảng cộng sản.

8 tháng 9

Ngày 7-9, quân Nhật chiếm căn cứ không quân Linh Lăng và đang tiến về Quảng Tây.

Nạn đói khủng khiếp năm 1921 sẽ còn mãi trong trí nhớ của tôi cho tới khi tôi chết. Ở tỉnh Va-rô-nhe của chúng tôi, người ta ăn bất cứ cái gì: rau lệ, tầm ma, rễ cây, lấy vỏ cây giã thành bột. Chính nạn đói này đã xua gia đình tôi đi Xi-bia. Những con đường lang thang dằng dặc trên mái, ở bậc lên xuống, nơi cửa ra vào của những toa tàu đã dẫn gia đình chúng tôi tới Ba-ô-vô.

Ở Ba-ô-vô, cha tôi để tôi ở lại. Ở đây tôi đi làm thuê gần một năm cho tên phú nông ác bá A-pha-na-xép. Lũ con trai của tên phú nông đã giã cho tôi không biết bao nhiêu trận mà kể. Thằng con cả là một tên cai trong quân đội Nga hoàng, một con chuột chũi ở hậu phương. Thằng thứ hai là hạ sĩ quan pháo binh. Mọi người trong gia đình này căm thù những người bôn-sê-vích.

Cùng làm thuê với tôi có Xê-mi-ôn Ép-phơ-rê-mô-vích Ky-xơ-cốp, một giáo viên cũ, dạy sử, người Xa-ra-tốp. Cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ rằng bác Xê-mi-ôn sống ở Xa-ra-tốp gần chợ Xen-nưi. Cả bác cũng không thoát khỏi những cái bạt tai của lũ con nhà A-pha-na-xép. Nhưng bỏ nhà này mà đi thì chết đói. Và chúng tôi chịu đựng tuốt. Thậm chí cả thứ thức ăn giống như nước rửa bát vậy.

Khi rượu say, lão A-pha-na-xép thích vênh váo. Thích khoe rằng lão hay làm phúc, trong khi đó lão giấu thóc không cho các đội phân phối lương thực biết và bán với giá cắt cổ. Lão nói với thái độ của đạo Cơ đốc đối với mọi người. Nhai nhải nói rằng Chúa yêu quý lao động. Và quả quyết với mọi người rằng lão yêu “nhân dân Nga”…

9 tháng 9

Tại phiên họp đặc biệt thứ 85 của Nghị viện Nhật Bản. Thủ tướng Nhật là tướng Côi-xô nói: Nhật Bản sẽ đánh đến cùng! Tất cả các biện pháp Nhà nước đều phải hướng vào mục đích là tiến hành chiến tranh.

Đã mấy chục năm ở Tokyo vẫn còn cái tiếng thét ấy: “Ban-dai!”…

Lợi dụng những thất bại quân sự của Chính phủ trung ương, quân đội của Đảng Cộng sản bắt đầu mở một cuộc tấn công quyết liệt vào các lực lượng chủ yếu của Diêm Tích Sơn.

Quân đội của Diêm Tích Sơn, với quân số khoảng 70.000 người, chiếm 24 huyện của Sơn Tây.

Ở Hồng Sơn (trong nguyên bản ghi như vậy – Ban biên tập) đã có hội nghị bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang của Chính phủ trung ương. Chủ trì hội nghị là Tưởng Giới Thạch. Đồng minh cũng tham gia hội nghị này.

Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đón tin này với một sự quan tâm đặc biệt. Lập tức, Chu Đức và Chu Ân Lai yêu cầu đại tá Ba-rét giải thích.

Nhà lãnh đạo “Phái bộ quan sát viên Đồng minh” không phủ định những tin tức về hội nghị Hồng Sơn.

Những hoạt động chiến đấu tích cực của Bát lộ quân và Tân Tứ quân trên thực tế đã thu hẹp lại từ năm 1941. Chiến dịch lần cuối cùng chống quân Nhật là vào năm 1940 (nó nổi tiếng dưới cái tên “cuộc chiến đấu của một trăm trung đoàn”). Mục tiêu của chiến dịch là phá hoại các đường giao thông của quân Nhật ở Hoa Bắc. Cuộc tấn công này đã bị quân Nhật bẻ gãy, gây tổn thất nặng nề cho quân đội của Đảng cộng sản. Cuộc đụng độ của Tân Tứ quân với quân Nhật dẫn tới sự hủy hoại bộ khung của quân đoàn này, đã đóng góp một vai trò nhất định trong việc thu hẹp cuộc kháng chiến chống Nhật.

Tất cả những sự kiện đó thật hết sức hợp thời cho việc tổ chức cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng mà Mao Trạch Đông tiến hành. Mao đã dùng những sự kiện này để khẳng định những quan điểm của ông ta, tức là những quan điểm đã hình thành từ lâu trước khi có những sự kiện nói trên và một phần đã trình bày trong tác phẩm “Bàn về dân chủ mới”. Mao coi việc Đảng cộng sản tham gia Mặt trận thống nhất kháng Nhật là sai lầm. Việc thu hẹp các hoạt động quân sự là một bộ phận của chương trình gây nội chiến. Cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng (đấu tranh cho “chủ nghĩa Mác hiện thực”) đã đẻ ra chỉnh phong…

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới