Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông 2016 đầy sóng gió

Biển Đông 2016 đầy sóng gió

Năm 2015 vừa qua đi với tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến căng thẳng xung quanh việc Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông và những tiến triển mới trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines tại Toà Trọng tài quốc tế cùng nhiều sự kiện liên quan khác. Năm 2016 vừa mở đầu nhưng tình hình Biển Đông đã nóng bỏng không kém năm trước, với một loạt các hoạt động xuất phát từ Trung Quốc, cho thấy trước một năm 2016 sẽ sóng gió, bão tố hơn đối với Biển Đông.

Nóng ngay từ đầu năm

Trước khi bước vào năm 2016, những ngày cuối tháng 12/2015, Trung Quốc đã điều thêm 3 tàu chiến mới gồm tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh 852, tàu tiếp tế Lô Cô Hồ 962 và tàu đo đạc biển xa Tiền Học Sâm 873 cho Hạm đội Nam Hải, hỗ trợ tác chiến ở Biển Đông, bộc lộ rõ ràng ý đồ muốn thống trị Biển Đông của quân đội Trung Quốc.

Tiếp đó, cũng những ngày cuối năm 2015, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan Hải Dương 981 đã được kéo tới khu vực có tọa độ 17 – 29.53N, 110 – 57.18E (nằm ở phía Đông Bắc đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và phía Đông Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc), hoạt động từ ngày 28/12/2015 đến 10/2/2016, cấm các phương tiện đường thủy tiến vào khu vực 2000 mét xung quanh. Giàn khoan khổng lồ 981 của Trung Quốc từ khi được đưa vào sử dụng năm 2014 đã luôn là nỗi ám ảnh của các nước xung quanh ở Biển Đông về tham vọng lãnh thổ và tài nguyên của Trung Quốc, do đó mọi sự di chuyển của nó đều khiến cho khu vực trở nên lo lắng, gây ra căng thẳng trên biển.

Đáng chú ý hơn, Trung Quốc đã mở đầu năm 2016 bằng các đợt bay thử nghiệm đường băng mà Trung Quốc xây dựng trên đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa. Liên tiếp trong các ngày 02/01 và 06/01, Trung Quốc đã đưa máy bay tới đá Chữ Thập để thực hiện các hoạt động bay thử nghiệm, bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế. Đường bay trên đá Chữ Thập dài tới 3.000 mét, là một trong ba đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo giới phân tích, các đường băng này đủ dài cho các máy bay ném bom tầm xa cũng như các chiến đấu cơ tối tân nhất của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh tăng khả năng kiểm soát Biển Đông. Rõ ràng, điều gì đến phải đến, việc Trung Quốc xây hải đăng, bay thử nghiệm, rồi sau này là quân sự hoá các đảo chiếm đóng là hành động tất yếu sau khi họ đã xây dựng xong các đảo nhân tạo ở Biển Đông, tạo thế đứng chân vững chắc trên biển. Phản ứng của cộng đồng quốc tế là quá yếu ớt, không đủ để ngăn cản Trung Quốc, vốn bất chấp sự chỉ trích của dư luận cũng như các quy định của luật pháp quốc tế.

Trong lĩnh vực dân sự, tình hình Biển Đông năm 2016 cũng đã nóng ngay từ ngày đầu năm 01/01 khi tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh cá ở khu vực cách đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị khoảng 70 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã bị tàu được khẳng định là của Trung Quốc đâm chìm một cách dã man, vô nhân đạo. Theo các ngư dân, khi tàu QNg 98459 TS đang đánh cá thì bất ngờ bị tàu vỏ thép Trung Quốc lao tới đâm mạnh vào thân tàu khiến 7/10 ngư dân trên tàu rơi xuống biển. Mặc dù các ngư dân kêu cứu nhưng con tàu kia không quan tâm mà còn lùi lại một đoạn (lấy đà) và lao vào đâm tiếp lần thứ hai làm tàu QNg 98459 TS bị hư hỏng nặng, nước tràn vào tàu và chìm dần xuống biển, chỉ còn nổi được khoảng nửa mét.

Những thách thức đặt ra

Rõ ràng, những hành động của Trung Quốc ngay từ đầu năm 2016 đã đặt tình hình Biển Đông trước một năm chờ đợi nhiều bất ổn, căng thẳng mới. Làm thế nào để các nước liên quan có thể kiềm chế hành động của Trung Quốc, duy trì một môi trường hoà bình, ổn định ở Biển Đông là câu hỏi thường trực đối với cộng đồng quốc tế, nhất là các nước có lợi ích liên quan ở Biển Đông. Thiết nghĩ, trước hết các nước có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, rộng hơn là các nước ASEAN cần phải thắt chặt tinh thần đoàn kết hơn nữa, hỗ trợ, ủng hộ lẫn nhau trước hành động lấn lướt, coi thường luật pháp của Trung Quốc. ASEAN đã chính thức trở thành cộng đồng, làm sao phát huy tinh thần cộng đồng, giá trị của cộng đồng, là chỗ dựa vững chắc cho mỗi nước thành viên là yêu cầu đặt ra đối với ASEAN hiện nay. Đây cũng là điều mà các nước trong khối cần tích cực hỗ trợ, giúp đỡ Lào trong nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN năm 2016.

Các nước cũng cần tích cực hỗ trợ, tuyên truyền nhiều hơn về vai trò của luật pháp quốc tế, ủng hộ Philippines trong vụ kiện tại Toà Trọng tài để đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc phải là cường quốc có trách nhiệm hơn. Các nước ngoài khu vực, nhất là các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn, EU, Nga… cũng cần có những đóng góp tích cực, rõ ràng hơn đối với an ninh khu vực, trong đó có an ninh Biển Đông.

Đối với Việt Nam chúng ta là nước có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển ở Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế, chúng ta ý thức được rằng, bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả. Để làm được điều đó, chúng ta phải xây dựng được năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, thông qua phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, có chính sách đối ngoại đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo, đồng thời sẵn sàng chiến đấu trước những hành vi sai trái của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới