Ngày 07/01/2016, Tiến sĩ Preeti Nalwa, nghiên cứu viên cao cấp, Quỹ Kelly thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS đã có bài Chiến lược “không thể bị ngăn chặn”của Trung Quốc ở Biển Đông: một “thử thách” đối với Hoa Kỳ.
Theo Tiến sĩ Preeti Nalwa, những sự kiện gần đây ở Biển Đông cho thấy cách nhìn về chiến lược biển của Trung Quốc trong khu vực quan trọng này. Trước hết, Trung Quốc cho rằng mình hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu bá quyền ở phạm vi tiểu khu vực. Thứ hai, Trung Quốc có một chiến lược biển nhất quán với cách tiếp cận song trục: hiện đại hóa và tái cấu trúc quân sự phục vụ cho việc xây dựng sức mạnh hải quân, đồng thời củng cố quan hệ ngoại giao và quan hệ kinh tế với ASEAN. Tái cấu trúc quân sự phù hợp với sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” với nhiệm vụ xây dựng lực lượng hải quân viễn dương nhằm bảo vệ lợi ích hàng hải hướng ra đại dương của Trung Quốc. Đồng thời, một lực lượng hải quân hùng mạnh với tiềm lực không thể so sánh có thể hạn chế những điểm mạnh của Mỹ về công nghệ và ngăn chặn để Mỹ không cản trở kế hoạch bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động cải tạo trên 7 trong số các đá và bãi ngầm mà họ đang chiếm đóng: Fiery Cross (Đá Chữ Thập), Cuarteron (Đá Châu Viên), Đá Gaven, Johnson South (Đá Gạc Ma), Mc Kennan (Đá Ken Nan), Mischief (Đá Vành Khăn) và Đá Subi. Theo Công ước Luật Biển Liên Hợp quốc (UNCLOS), đây là những bãi cạn “lúc nổi lúc chìm” vốn không thể tạo ra một vùng lãnh hải 12 hải lý. Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở quân sự, cụ thể là các sân bay trên 3 trong số 7 điểm này và có thể thiết lập nên các trạm radar và tên lửa phòng không trên đó. Khả năng quân sự hóa các đảo nhân tạo này có thể dự báo về việc hình thành Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương tự như việc Trung Quốc đã làm ở Biển Hoa Đông tháng 11/2013. Dư luận quốc tế hết sức quan ngại vùng ADIZ tại đây sẽ tạo nền móng cho Trung Quốc thực hiện kiểm soát trên không đối với quần đảo Trường Sa và có thể kiềm chế các hoạt động của Mỹ ở khu vực đó.
Việc Trung Quốc tiếp tục các hành động quyết đoán trên biển đã và đang gây bất lợi các quốc gia láng giềng yếu thế hơn. Các yêu sách mở rộng của Trung Quốc gắn với đường chữ U đã làm phương hại đến quyền của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei khi đòi hỏi quyền chủ quyền trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của từng quốc gia. Nếu tranh chấp không được giải quyết, Philippines và Malaysia sẽ mất khoảng 80% vùng EEZ, Việt Nam mất khoảng 50% và Indonesia là khoảng 30%.
Trục thứ hai trong chiến lược của Trung Quốc là nhằm dập tắt bất kỳ phản ứng tiêu cực từ phía ASEAN, một nguy cơ tiềm ẩn từ 4 nước thành viên – Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – những nước có tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông. Chiến lược của Trung Quốc chủ yếu nhấn mạnh vào lợi ích của ASEAN trong mạng lưới quan hệ kinh tế và quốc phòng mở rộng và duy trì lập trường tranh chấp phải được giải quyết theo con đường song phương.
Để tăng cường quan hệ với ASEAN, vào ngày 16/10/2015, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – Trung Quốc không chính thức (ACDMIM) tại Bắc Kinh, tại đây Trung Quốc đề xuất tổ chức các khóa huấn luyện chung về Quy tắc xử lý Va chạm bất ngờ trên biển (CUES) và thành lập cơ chế giải quyết tranh chấp của “Châu Á” nhằm loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài.
Do sự dính líu về mặt kinh tế của Philippines và Malaysia, hai quốc gia tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc nên đã xảy ra hệ quả là ASEAN đã hai lần không thông qua được các văn kiện nêu đích danh các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông: lần thứ nhất rơi vào năm 2012 tại Campuchia và lần thứ hai tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng ASEAN (ADMM – Plus) được tổ chức hai năm một lần tại Kuala Lumpur 04/11/2015 vừa qua.
Trung Quốc vẫn duy trì được trạng thái không “không thể bị ngăn chặn”bất chấp việc Mỹ cử tàu chiến US Lassen thực hiện chương trình tự do hàng hải vào cuối tháng 10/2015, một sự kiện mang nặng tính chính trị nhiều hơn là “thách thức”việc gia tăng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Trường Sa. Việc tàu Lassen đi vào khu vực 12 hải lý của Subi trên thực tế không phải là hành động “ngăn chặn”, cũng chẳng phải là hành vi “thách thức” hay “qua lại vô hại” theo quy định có liên quan của Công ước Luật biển.
Trong khi đó Trung Quốc tiếp tục tăng cường trên quy mô lớn năng lực hải quân của mình. Ngày 13/5/2015, Thẩm phán Antonio T. Carpio của Tòa tối cao của Philippines, trong phát biểu tại Viện nghiên cứu xã hội tại Hà Lan cho biết việc Trung Quốc đóng các tàu hậu cần như tàu loại 904A có sân bay trực thăng và kho dự trữ hàng có thể tiếp nhận loại trực thăng vận tải hạng nặng Z8 là nhằm phục vụ các cơ sở ngoài khơi của Hoàng Sa và Trường Sa. Đội tàu của cảnh sát biển Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới, hơn cả đội tàu cảnh sát biển của Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Philippines cộng lại. Bắc Kinh có kế hoạch triển khai đóng một tàu cảnh sát biển 10,000 tấn và xây dựng hạm đội tàu lớp 056 lên tới 40 chiếc. Năm 2014, Trung Quốc đã có đội tàu lớp 054 là 15 chiếc và có kế hoạch đóng thêm 40 tàu loại này.
Ngày 25/11/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố cơ cấu lại quân đội Trung Quốc nhằm mục tiêu giành được lợi thế trong tác chiến liên hoàn và vượt qua được những điểm hạn chế để có thể sánh ngang sức mạnh quân đội Mỹ. Lực lượng chiến lược của Hải quân giải phóng quân Trung Quốc và việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân như là một công cụ quản lý nhà nước được xác lập nhằm thực hiện quyền kiểm soát đối với toàn bộ khu vực Biển Đông. Trung Quốc đang xây dựng sức mạnh hải quân có ưu thế vượt trội được hậu thuẫn bằng thế lấn át trong ngoại giao với ASEAN nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ. Cách tiếp cận song trục của Trung Quốc sẽ ngày càng gây khó dễ cho Mỹ trong việc làm suy yếu hay “ngăn chặn” Trung Quốc.