Bắc Kinh đã cảnh báo Nhật Bản chớ “xía” vào Biển Đông, đồng thời tố Philipines “thổi phồng” vụ phi cơ của Manila bị Hải quân Trung Quốc đe dọa ở quần đảo Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times hôm 16/1/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trên tờ cho hay ông đặc biệt lo ngại trước nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và kêu gọi cộng đồng quốc tế cần lên án mạnh mẽ trước các động thái như vậy từ phía Bắc Kinh.
Ông Abe nhắc lại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á cuối tháng 11/2015. Khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng Trung Quốc sẽ không biến các công trình tại xây dựng trên Biển Đông thành tiền đồn quân sự. Ông Lý đề cập tới tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông bằng biện các pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, lãnh đạo Nhật cho rằng, các quốc gia cần thấy hành động thực tế chứ không phải là lời nói suông của ông Lý. Do đó, trước khi thảo luận về việc Trung Quốc có thể biến các công trình xây dựng thành tiền đồn quân sự hay không, các nước cần chống lại nỗ lực đơn phương của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng khu vực.
Trong cuộc họp báo hôm qua (19/1/2016), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên giọng “xỉa xói” Nhật Bản “gieo rắc bất hòa”.
Ông Hồng còn kêu gọi Tokyo nên suy ngẫm chứ không phải quên đi quá khứ xâm lược của mình, thận trọng trong hành động và lời nói về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và biển Hoa Đông, nỗ lực nhiều hơn để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau với các láng giềng, thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phản bác cáo buộc từ phía Cơ quan Hàng không dân dụng Philippines về việc máy bay chở các quan chức ngành hàng không dân dụng nước này hôm 7/1/2016 khi bay đến thị sát đảo Thị Tứ do Manila kiểm soát ở vùng quần đảo Trường Sa, đã hai lần bị Hải quân Trung Quốc cảnh cáo qua vô tuyến điện lúc bay ngang vùng gần bãi Đá Su Bi – một thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và đảo hóa trái phép.
Ông Hồng Lỗi thậm chí còn tố ngược rằng, Manila cố tình làm cho mọi người sợ hãi khi tiết lộ vụ Hải quân Trung Quốc cảnh cáo phi cơ Philippines. Đối với ông Hồng Lỗi, Philippines đã “cố ý thổi phồng tình hình căng thẳng trong vùng với ý đồ thâm hiểm” và mưu toan đó sẽ thất bại.
Vụ phi cơ Philippines bị Hải quân Trung Quốc hù dọa tại khu vực quần đảo Trường Sa đã làm dấy lên quan ngại trong cộng đồng quốc tế về tự do hàng hải, hàng không ở vùng Biển Đông. Thậm chí, một nước ít lên tiếng về Biển Đông như Anh cũng bất bình về vụ việc này.
Đại sứ Anh tại Manila, ông Asif Ahmad đã cho biết là London sẽ phản đối bất kỳ hành vi nào nhằm hạn chế tự do hàng hải và hàng không ở khu vực đang có tranh chấp tại Biển Đông.
Theo báo chí Anh, đại sứ đã cảnh cáo: “Nếu một máy bay của Anh, dân sự hay quân sự, mà bị ngăn chặn và bị cấm bay qua không phận được coi là quốc tế, chúng tôi đơn giản là sẽ không đếm xỉa đến lệnh cấm đó”.