Theo tin từ Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến công du Trung Đông tuần này, với điểm đến đầu tiên là Iran, sau đó là Saudi Arabia và Ai Cập.
Thỏa thuận hạt nhân Iran – “con dao hai lưỡi” với Trung Quốc
Nếu như Saudi Arabia và Ai Cập từ lâu đã là những điểm đến quen thuộc của lãnh đạo Trung Quốc thì Iran lại khác, chuyến thăm kéo dài hai ngày (22-23/1) tới đây của Tập Cận Bình sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc kể từ khi Giang Trạch Dân tới Tehran năm 2002.
Theo chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc Shannon Tiezzi trên tạp chí The Diplomat, không phải ngẫu nhiên mà ông Tập chọn đúng dịp ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran chính thức có hiệu lực để tới Tehran.
Hôm 16/1 vừa qua, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chứng nhận Iran đã tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận được kí kết năm ngoái với việc ngưng lại chương trình hạt nhân, qua đó các bên còn lại trong nhóm nhóm P5+1 đã gỡ bỏ cấm vận đối với quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu về sự kiện này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chúc mừng các bên liên quan đã đạt được “một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết ổn thỏa vấn đề hạt nhân Iran bằng biện pháp chính trị và ngoại giao”.
Ông Vương Nghị cũng không quên nhấn mạnh rằng phía Trung Quốc, với tư cách một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, đã “đóng vai trò mang tính xây dựng trong suốt quá trình đàm phán của thỏa thuận”.
Nhưng dù trên danh nghĩa là một bên xúc tiến đi đến thỏa thuận nói trên, Trung Quốc hiểu rằng việc Iran được gỡ bỏ cấm vận không hoàn toàn là một diễn biến có lợi cho mình.
Chuyên gia Tiezzi nhận định, đối với Bắc Kinh, thỏa thuận này là một “con dao hai lưỡi” trong quan hệ Trung Quốc-Iran.
Về mặt tích cực, việc được gỡ bỏ cấm vận sẽ mở đường cho Bắc Kinh làm ăn với Tehran mà không bị cộng đồng quốc tế “hằm hè”. Do đó, Trung Quốc sẽ tận dụng điều đó để đẩy mạnh hợp tác trong hai lĩnh vực quan trọng là kinh tế và quân sự với Iran.
Nhưng mặt khác, rõ ràng đâu phải chỉ có Trung Quốc mới nhận ra tiềm năng hợp tác làm ăn với Iran. Các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các quốc gia EU, sẽ xuất hiện ngày một nhiều, và Bắc Kinh đứng trước nguy cơ mất đi vị thế độc tôn tại quốc gia mà họ đã “bao bọc” trong suốt những năm bị cấm vận.
Trung Quốc luôn “bao bọc” Iran trong thời kì nước Cộng hòa Hồi giáo này bị quốc tế cấm vận. Ảnh: AP
Và mục tiêu chính trong chuyến thăm Iran sắp tới của Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ là đảm bảo quyền lợi của Trung Quốc tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Đáng nói, Tập Cận Bình sẽ là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đặt chân tới thăm Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân chính thức đi vào hoạt động.
Chuyến thăm khẳng định vị thế
Sự xuất hiện của lãnh đạo cấp cao nhất tại Tehran có thể coi là một lời “nhắc nhở” của Bắc Kinh rằng Trung Quốc đã đồng hành cùng Iran trong suốt những năm nước này bị cộng đồng quốc tế cô lập về mặt kinh tế, cũng như một lời khẳng định với toàn thế giới rằng tại Iran, Trung Quốc vẫn là “nhà thầu” số một kể cả sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, nhà kinh tế học người Iran, ông Saeed Leylaz, nhấn mạnh chuyến thăm của ông Tập sẽ giúp Trung Quốc “khẳng định vị thế đối tác thương mại số một của Iran” trước viễn cảnh cạnh tranh gia tăng từ châu Âu.
Ông Leylaz cũng cho rằng, tập trung đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Trung Quốc sẽ là đường lối có lợi nhất cho kinh tế Iran.
Dầu mỏ Iran là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Cùng lúc đó, Đại sứ Trung Quốc tại Iran, Pang Seng, đã hết lời ca ngợi tiềm năng phát triển trong quan hệ đối tác thương mại Trung Quốc-Iran. Kim ngạch song phương hai nước đạt 50 tỉ USD trong năm 2014.
Đại sứ Pang cho biết, trong chuyến thăm sắp tới của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc và Iran sẽ kí kết các thỏa thuận hợp tác phát triển công nghiệp, dầu khí, và đầu tư trong nhiều lĩnh vực.
Ông Pang cũng chỉ ra rằng tiến trình thực hiện sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác song phương đến tầm cao mới, đồng thời gọi Iran là “đối tác quan trọng” trong sáng kiến này.
“Một Vành đai, Một Con đường” được hình thành nhằm mục đích tạo ra một mạng lưới hợp tác trao đổi kinh tế kết nối Trung Quốc với thị trường châu Âu – thông qua “cầu nối” là Iran.
Chuyên gia Tiezzi đánh giá, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh tại Iran trong năm 2016, song Bắc Kinh đã có sẵn lợi thế đáng kể trước khi các đối thủ tiềm tàng kịp đặt chân tới thị trường này.
Và chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa chuyến thăm tới đây của Tập Cận Bình để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hơn nữa với một trong những nguồn nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của nước này.