Monday, May 20, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An: Đối phó với sự tấn công của Nhật...

Nhật ký Diên An: Đối phó với sự tấn công của Nhật (Kỳ 4)

Đặc khu Diên An có vẻ là một thiên đường so với cảnh hoang tàn và đói khổ trong những tỉnh của bọn Quốc dân đảng. Tất cả những điều đó được ban lãnh đạo Đảng cộng sản phơi bày ra bằng đủ mọi cách và lợi dụng một cách tinh xảo.

Mao Trạch Đông bắt tay với Tổng thống Mỹ Nixon

18 tháng 9

Quân Nhật tiến công vào tuyến đường sắt phía Tây – Nam, chúng đã tiến vào sâu 200 cây số rồi. Ưu thế trên không thuộc về không quân của Sê-nô. Nhưng không làm giảm được nhịp độ tấn công của quân Nhật.

Ở các mũi thọc sâu, quân Nhật chia ra thành những nhóm nhỏ hơn và hoạt động ở phía sau mặt trận.

Có hàng vạn người chạy trốn dọc theo đường sắt. Vận chuyển trên đường sắt đã bị tê liệt.

19 tháng 9

Giáo hoàng Rô-ma kêu gọi người ta hãy độ lượng với bọn Đức. Độ lượng! Đức cha có hề lo lắng tới hàng triệu đồng bào của tôi đã bị bọn phát xít hành hạ đâu…

Người Ý xử tội tên trùm cảnh sát Rô-ma. Viên cai ngục Ca-rét, được gọi làm nhân chứng, đã bị quần chúng dẫm nát trên đường phố. Sau đó, hắn bị ném xuống sông Tip-lơ, rồi lại bị vớt lên treo ngược trên tường nhà ngục mà hắn cai quản.

Với một lòng căm thù mù quáng, bọn Đức tiếp tục ném bom nước Anh bằng máy bay phóng pháo.

Tưởng Giới Thạch đọc tại Hội nghị chính trị toàn quốc một bản báo cáo về tình hình trong nước.

Quân Nhật đã chiếm đèo Quan Dương, con đường đi vào tỉnh Sơn Tây đã bỏ ngỏ. Quân đoàn 93 Quốc dân đảng rút chạy không chiến đấu. Theo lệnh Tưởng Giới Thạch, tên chỉ huy quân đoàn và một số sĩ quan cao cấp đã bị xử bắn.

Quân Nhật đã chiếm sân bay và các căn cứ chính của quân Mỹ.

Mỹ rút khỏi Quế Lâm.

Như thế là cờ Nhật đã bay trên khắp miền Đông Trung Quốc.

22 tháng 9

Mao Trạch Đông trao đổi ý kiến với tôi trong gần 2 giờ đồng hồ. Đây là thực chất những ý kiến của ông ta:

Người Mỹ không đủ sức một mình giải quyết vấn đề Trung Quốc, và hơn nữa, toàn bộ sự phức tạp của vấn đề Viễn Đông. Sự tham gia của Mát-cơ-va trong lúc quyết định là điều tất nhiên. Sự tham gia đó cùng với việc điều chỉnh những lợi ích cần thiết mang tính chất sống còn tại các biên giới phía Đông của Liên Xô có thể đồng thời “cởi được cái nút Trung Quốc”. Tưởng Giới Thạch chống lại sự tham gia của Mát-xcơ-va một cách vô điều kiện.

Liên Xô đã phải chịu đựng những tổn thất lớn lao và rõ ràng là cảm thấy thiếu nhân lực. Chúng tôi sẵn lòng giúp đỡ. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đã lựa chọn hơn 10 nghìn sĩ quan gửi sang bổ túc ở Xi-bia. Lớp sĩ quan này có thể sẽ chỉ đạo đội quân mới rất lớn của chúng tôi, đội quân sẽ thực sự giúp đỡ quân đội Liên Xô tại Mãn châu quốc và các miền khác bị quân Nhật chiếm đóng.

Khi miền Đông của Liên Xô bị đe doạ, Đảng cộng sản Trung Quốc không hề nói một lời, đã tách hai trung đoàn ưu tú của họ. Điều đó vẫn có thể xảy ra trong tương lai, song với những quy mô lớn hơn nhiều.

Ý nghĩa của những lời phát biểu này quá rõ ràng đến mức mọi lời bình luận đều thừa…

Buổi chiều Ba-rét, Chu Đức và Diệp Kiếm Anh họp với nhau.

Chu Đức và Diệp Kiếm Anh tuyên bố:

“… Nếu Chính phủ và Bộ chỉ huy tối cao của Tưởng Giới Thạch không cải tổ, nếu Đảng cộng sản Trung Quốc không nhận được của Mỹ vũ khí, đạn dược và những viện trợ khác, thì trong quá khứ phản công và đặc biệt sau khi đánh tan quân Nhật, tình hình đó sẽ dẫn tới nội chiến kéo dài.

Mỹ quan tâm đến buôn bán, đầu tư và tình hình ổn định của thị trường, nội chiến sẽ đem lại tổn thất cho quyền lợi kinh tế của người Mỹ…”.

Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã chỉ thị cho Chu Đức và Diệp Kiếm Anh.

Trong trường hợp các kế hoạch của mình bị thất bại, các lãnh tụ Đảng cộng sản Trung Quốc chuẩn bị một nước cờ chính trị nghiêm trọng nhất.

Mao Trạch Đông định thành lập Chính phủ hợp nhất của Đặc khu và tại tất cả những căn cứ ở rải rác sau lưng địch (ở Sơn Tây, Hà Bắc, Sơn Đông, Thiểm Tây, Hà Nam…).

Thực ra, Chính phủ thứ hai của Trung Quốc đang nảy sinh. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Chính phủ Trung Quốc chẳng những không che giấu kế hoạch đó, mà ngược lại, còn tìm mọi cách làm sáng tỏ cho đồng minh thấy kế hoạch đó.

Mỹ không phản đối, mà đề nghị gọi Chính phủ đó bằng một tên khác, chẳng hạn: “Uỷ ban dân chủ hợp nhất các khu giải phóng của Trung Quốc”.

Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc tán thành, tính toán rằng tên gọi đó không làm cho những đồng minh ở bên kia đại dương sợ hãi.

Mao Trạch Đông lợi dụng tất cả mọi phương tiện gây ra sức ép với người Mỹ, và qua họ đến Tưởng Giới Thạch.

23 tháng 9

Xã luận các báo địa phương kiên quyết đòi hỏi cải tổ Chính phủ, bộ chỉ huy cao cấp, thanh trừ những phần tử đầu hàng và phát-xít ra khỏi bộ máy Nhà nước.

Chuẩn bị sẵn sàng một loạt bài báo nữa. Trong đó phê phán rất quyết liệt chế độ Tưởng Giới Thạch và ca ngợi nền kinh tế của Đặc khu.

Theo chỉ thị của Mao Trạch Đông, những cuộc hội nghị và mít-tinh đã được tổ chức. Các diễn giả nghiêm khắc lên án Quốc dân đảng và Chính phủ Trùng Khánh. (“Đả đảo nền chuyên chính một đảng”).

Lúc đầu, những người lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc trên những vấn đề nhất định đã hành động phù hợp với những chỉ thị của người Mỹ, bây giờ họ hành động độc lập hơn. Quân Nhật giúp họ trong vấn đề

24 tháng 9

Ở Diên An, người ta nói đến những cuộc đi thăm của Xtin-oen với nhiều hy vọng. Ở đây người ta rất mong đợi ông. Trong cuộc gặp gỡ cá nhân với viên tướng Mỹ cao cấp, Mao định ăn to và giải quyết nhanh chóng tất cả mọi vấn đề. Chính viên tướng này phụ trách tiếp tế quân sự của Mỹ cho Trung Quốc. Có thể nhận được ở ông ta vũ khí đạn dược, không cần đến giấy tờ của các cấp trung gian.

Ở đây, cuộc đến thăm của viên tướng được giữ hoàn toàn bí mật. Thời gian này, “Phái bộ quan sát Đồng minh” vẫn tiếp tục làm sáng tỏ khả năng hợp tác. Người Mỹ tiến hành những hiệp thương về việc tổ chức sự hợp tác trong việc tiến hành những công tác do thám quân Nhật. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc thảo luận kế hoạch này với Đồng minh, nhưng tất cả những điều đó phải là cái chủ yếu mà Mao cần đến. Không có vũ khí, đạn dược, cái mà Mao khao khát muốn nhận.

Cùng với việc tiếp tế vũ khí, đạn dược, trang bị, tất cả mọi vấn đề khác tự nó cũng được giải quyết, đó là quan niệm nhất quán của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Và người ta làm cho Đồng minh hiểu điều đó.

Người Mỹ dự định cung cấp trang bị cho trung tâm trinh sát ở Diên An các chuyên gia của họ, một bộ phận vật tư cần thiết và tiền.

Không giải quyết vấn đề chủ yếu là vấn đề cung cấp vũ khí thì tất cả những đề nghị ấy tạm thời không giải quyết được trong cuộc thảo luận…

25 tháng 9

Vận chuyển trên đường núi thì nguy hiểm. Lại ít vui: vì lầy lội, đá lở, sương mù. Vì vậy thật thích thú biết bao khi trời mưa tạnh. Bầu trời lại trong trẻo và sáng sủa. Đường đã hơi khô.

Kể cũng khó tin, nhưng nông dân leo núi thật là nhanh chẳng khác gì như chạy vậy. Họ rất dẻo dai. Lại còn mang theo bao nhiêu thứ nặng nữa chứ.

Trên đường, la, lừa, lạc đà. Nhưng rõ ràng vẫn không đủ để vận chuyển hàng.

Có thể chờ đợi trong vài tuần lễ nữa những đợt gió lạnh đầu mùa.

Ở Đặc khu, người ta đang thực hiện những biện pháp củng cố hậu phương và phát triển kinh tế. Quân đội tích cực tham gia các công tác kinh tế khác nhau. Các chiến sĩ bảo vệ nông dân trong mùa gặt. Việc đó bảo đảm cho Đặc khu lương thực và sự ủng hộ của nông dân.

Trong những tháng gần đây, ở Trung Quốc một tình thế mới đã hình thành, có lợi cho ban lãnh đạo Đảng cộng sản hơn bao giờ hết. Các mặt trận Hà Nam và Hồ Nam hoàn toàn tan vỡ đã cho phép nhanh chóng mở rộng đất đai các vùng căn cứ (kể cả số lượng các vùng đó) và cả ảnh hưởng của Đảng. Uy tín của Đảng tăng lên.

Tất cả những điều đó đã đem lại nhiều thuận lợi cho ban lãnh đạo Đảng cộng sản trogn những cuộc mặc cả với người Mỹ. Trong mọi trường hợp, dù sao người Mỹ cũng có ý định nghiêm túc sử dụng các lực lượng vũ trang của Đảng cộng sản để phản công quân Nhật. Toàn bộ tâm trí của Đồng minh ở Trung Quốc dốc vào việc tổ chức phản công mạnh mẽ và rộng khắp để mở đầu cho những cuộc đổ bộ lên các hòn đảo của Nhật.

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc không tính sai về việc tổ chức tham quan (bây giờ đã có nhiều rồi) cho các phóng viên nước ngoài. Qua những cuộc thất bại quân sự của Tưởng Giới Thạch, Đặc khu rất thú vị khi nhìn thấy tệ tham nhũng của ban lãnh đạo và cơ quan hành chính của Quốc dân đảng, nạn ăn hối lộ của bọn sĩ quan.

Đã nhiều năm không bị bọn Nhật tấn công, Đặc khu có điều kiện để củng cố, ban lãnh đạo Đảng cộng sản đã đưa nó vào trật tự tương đối; Đặc khu có vẻ là một thiên đường so với cảnh hoang tàn và đói khổ trong những tỉnh của bọn Quốc dân đảng. Tất cả những điều đó được ban lãnh đạo Đảng cộng sản phơi bày ra bằng đủ mọi cách và lợi dụng một cách tinh xảo.

Trong các báo chí nước ngoài, đã xuất hiện, tuy còn ít ỏi, những ý kiến tốt nói về Đặc khu và về sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông. Ở đây, người ta tính toán cẩn thận đến những ý kiến ấy. Sau này, các nhà báo đó có thể trực tiếp đón đặc biệt (như điều đó đã xảy ra).

Qua những nhận xét ngắn gọn và những lời lẽ đối đáp của các thành viên trong “Phái bộ quan sát Đồng minh”, có thể kết luận rằng nói chung họ cũng có một ấn tượng không xấu đối với Đặc khu.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới