Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSyria quyết định vận mệnh Nga, ông Putin sẽ chơi tất tay?

Syria quyết định vận mệnh Nga, ông Putin sẽ chơi tất tay?

Chiến dịch không kích của Nga ở Syria không chỉ liên quan đến việc tiêu diệt sạch IS mà còn có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của nước Nga.

Tầm quan trọng của chiến dịch không kích đối với quân đội Nga

Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS của Nga ở Syria về bản chất là chiến dịch quân sự thứ 2 của Moscow ở nước ngoài, sau “Cuộc chiến tranh 5 ngày” với Gruzia năm 2008 nhưng nó là chiến dịch quân sự chống khủng bố đầu tiên của quân đội Nga ở bên ngoài lãnh thổ Liên bang.

Từ trước đến nay, Moscow luôn khẳng định rằng Nga triển khai chiến dịch không kích chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria chỉ đơn thuần là nhằm ngăn chặn làn sóng khủng bố Hồi giáo ngay tại Syria, trước khi chúng ca khúc khải hoàn và tiến vào lãnh thổ Nga trong tương lai.

Tuy nhiên, trên thực tế Nga triển khai chiến dịch này còn nhắm tới rất nhiều mục tiêu chiến lược về địa-chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao… Trong đó, vấn đề đầu tiên có liên quan trực tiếp đến sức mạnh của quân đội Nga.

Thứ nhất, chiến dịch này là sự thể hiện “bộ mặt mới” sau đợt cải tổ lớn của quân đội Nga, bắt đầu từ sau “Cuộc chiến tranh 5 ngày” với Gruzia năm 2008, là sự nghiệm chứng con đường phát triển chiến lược quân sự mới của Nga, trong bối cảnh NATO không ngừng tiến về phía đông.

Trong cuộc chiến này Nga đã thử nghiệm rất nhiều loại trang bị phục vụ, bảo đảm và các phương tiện chiến đấu; với sự góp mặt của cả hải-không quân; huy động cả lực lượng chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; sử dụng tất cả các phương tiện trinh sát và tác chiến có và không người lái.

Quan trọng nhất là Nga đã áp dụng nhiều chiến thuật không kích và tập kích hải quân khác nhau trong một không gian chiến trường rất rộng, tính chất phức tạp; , huy động cả máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm và sử dụng tên lửa hành trình, trong điều kiện có tác chiến điện tử mạnh.

Ngoài ra, không quân và hải quân Nga còn có điều kiện sử dụng thực chiến nhiều loại vũ khí mới để tiếp tục phát triển hoàn thiện, đồng thời cải tiến hoặc thông minh hóa các vũ khí cũ, để tận dụng kho bom đạn khổng lồ có từ thời Liên Xô.

Thứ hai, việc tham chiến tại chiến trường Syria với vô vàn các nhóm vũ trang đối lập và các tổ chức khủng bố, sẽ giúp quân đội Nga làm quen với mô hình tác chiến mới, với những đối tượng tác chiến hoàn toàn mới, khác xa cuộc chiến đơn nhất với Chechnya năm 1999.

Can thiệp quân sự vào Syria sẽ cho tướng lĩnh và binh sĩ Nga cơ hội “huấn luyện thực chiến”, làm quen với một cuộc chiến thực sự, đúc rút những kinh nghiệm quý báu, nhằm giúp nước này có thể đối phó được với các cuộc chiến chống những phần tử khủng bố được phương Tây hậu thuẫn.

Một cuộc chiến chống khủng bố theo kiểu Syria trong lòng nước Nga là điều khó xảy ra nhưng phương Tây hoàn toàn có thể thò bàn tay “nhớp nhúa” sang các nước cộng hòa thuộc Nga như Chechnya hay được Moscow hậu thuẫn như Nam Ossetia, Abkhazia, hoặc thậm chí là Donbass.

Đó cũng là lời giải thích xác đáng cho câu hỏi tại sao Nga lại điều tướng lục quân Alexander Dvornikov – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Trung tâm sang chỉ huy chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria chứ không phải là một viên tướng không quân.

Syria quyet dinh van menh Nga, ong Putin se choi tat tay?

Nga đã cử một tướng lục quân sang lãnh đạo chiến dịch không kích ở Syria

Thứ ba, nắm một số lực lượng vũ trang làm hậu thuẫn

Việc nắm được tất cả các lực lượng vũ trang ủng hộ Assad, bao gồm quân chính phủ nước này, lực lượng Iran, lực lượng Hezbollah – Lebanon và một số nhóm vũ trang của người Hồi giáo dòng Shia sẽ giúp ích rất nhiều cho Nga, thời kỳ hậu Bashra al-Assad.

Trong tương lai đây sẽ là lực lượng hậu thuẫn quân sự rất lớn cho Moscow, một khi chính quyền Alawite của ông Assad bị hạ bệ và có thể là một chính quyền dòng Sunni lên nắm quyền ở Syria, giúp Nga có thêm yếu tố để mặc cả với phương Tây.

Nếu chính quyền mới không thân Nga, Điện Kremlin hoàn toàn có thể sử dụng các lực lượng này để gây sức ép, quấy rối hoặc thậm chí là lật đổ chính quyền. Thấm thía những bài học của phương Tây, rất có thể trong tương lai Nga cũng sẽ chơi con bài “dân chủ kiểu Mỹ” ở Trung Đông.

Với tầm quan trọng đặc biệt như trên, cuộc chiến chống IS của Nga ở Syria sẽ là đợt khảo nghiệm lớn nhất với quân đội Nga, sau cuộc cải tổ lớn kể từ cuộc chiến với Gruzia năm 2008, cho thế giới cái nhìn chính xác về thực lực của một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới