Sunday, November 17, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An:Mỹ lo ngại về quan hệ giữa Đặc khu...

Nhật ký Diên An:Mỹ lo ngại về quan hệ giữa Đặc khu Diên An và Liên Xô (Kỳ 9)

Mỹ sẵn sàng hợp tác với Đặc khu, nhưng sợ rằng Liên Xô lợi dụng dễ dàng những kết quả của chính sách của Mỹ trong việc tăng cường nền kinh tế và các lực lượng vũ trang của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Giôn Đa-vít không để lỡ thời gian. Ông ta đã có những gặp gỡ với Bác Cổ, Diệp Kiếm Anh, Chu Ân Lai, Chu Đức và nhiều đồng chí Trung Quốc có trách nhiệm. Ba-rét cũng rất năng động, ở khắp mọi nơi người ta tiếp đón ông ta như một vị khách quý và đang mong đợi.

Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc gắn liền với những làn sóng hoạt động mới của nhóm quan sát viên Mỹ, với các sự kiện ở Trùng Khánh. Tưởng Giới Thạch từ chối không nhượng bộ áp lực của đồng minh nữa và giữ một lập trường không thỏa hiệp với Diên An. Nhân vật hoạt động chủ yếu của Đồng minh, tướng Xtin-oen đã bị triệu về Mỹ, Ba-rét chú ý xem các sự biến này có ảnh hưởng như thế nào đến chính sách của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Từ cuộc trao đổi ý kiến với cố vấn chính trị ban tham mưu của Uây-đơ-mây-ơ, sự việc dưới đây trở nên rõ ràng.

Mỹ lo ngại về khả năng phát triển của những quan hệ giữa Đặc khu và Liên Xô. Mỹ đặc biệt lo ngại đến sự chuyển hóa của các quan hệ ấy thành sự liên minh chặt chẽ về kinh tế và chính trị.

Nếu như chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc “Liên Xô giới hạn sự thống trị của họ” (Đa-vít nói như thế mà các đồng chí Trung Quốc vẫn nghe được một cách bình thản) chỉ ở khu vực rộng lớn thuộc phía Bắc Thái Bình Dương mà thôi, thì đối với Mỹ, hoàn toàn không hề có gì đáng ngại về mặt đó cả. Toàn bộ sự mắc mưu là ở chỗ Liên Xô có thể vượt ra khỏi những giới hạn đó và chính là thông qua Đặc khu để vượt ra. Điều Mỹ lo ngại nhiều nhất là triển vọng mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô đến toàn bộ lục địa châu Á (theo tôi biết thì không hề có một đồng chí Trung Quốc nào bác bỏ luận điệu này của Đa-vít).

Mỹ sẵn sàng hợp tác với Đặc khu, nhưng sợ rằng Liên Xô lợi dụng dễ dàng những kết quả của chính sách của Mỹ trong việc tăng cường nền kinh tế và các lực lượng vũ trang của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Đa-vít tìm cách để cho người ta hiểu rằng không có những nguyên nhân khác hạn chế sự liên minh của Mỹ với Đặc khu, mà nếu có, thì đó là nguyên nhân không căn bản.

Đa-vít tuyên bố rằng mục đích của người Mỹ bao giờ cũng như thế thôi, đó là buôn bán, và họ không hề băn khoăn đến việc buôn bán với ai sau chiến tranh; dù chỉ có một Đặc khu thôi, hoặc có hai miền độc lập của Trung Quốc; trong trường hợp này, điều quan trọng là: với tính cách một cơ cấu chính trị và kinh tế, Đặc khu phải độc lập đối với Liên Xô. Chỉ với một tính độc lập hoàn toàn về mặt quốc gia của Đặc khu, Mỹ mới có thể là bạn đường của Đảng cộng sản Trung Quốc và sẽ không sợ những hậu quả của việc xích lại gần nhau.

Đa-vit tuyên bố không úp mở rằng ông ta không phản ánh ý kiến cá nhân của ông ta, mà chính là những quan điểm hoàn toàn dứt khoát của giới cầm quyền Mỹ, trong các quan điểm này, do những nguyên nhân hoàn toàn dễ hiểu, đã không được chính thức đưa ra ở đâu cả.

Các cuộc trao đổi ý kiến đó để lộ ra những tình hình mới đối với tôi. Người Mỹ không băn khoăn gì trong việc đạt được một liên minh vững chắc với Mao Trạch Đông. Thậm chí Đảng cộng sản, lực lượng lãnh đạo Đặc khu và, có thể là, cả Trung Quốc tương lai nữa, cũng không làm cho họ lo ngại. Điều cực kỳ quan trọng đối với họ là Đảng cộng sản Trung Quốc phải “độc lập không phụ thuộc” vào Mát-xcơ-va. Những khía cạnh mang tính chất dân tộc chủ nghĩa trong đường lối chính sách của Đảng cộng sản Trung Quốc đã giả định điều đó rồi. Nói tóm lại, Washington hài lòng với “chủ nghĩa xã hội dân tộc chủ nghĩa” ở Đặc khu hay là ở Trung Quốc. Đó là việc thừa nhận không che đậy các khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa trong chính sách của giới chóp bu trong Đảng cộng sản Trung Quốc.

Song tình hình sẽ cực kỳ phức tạp hơn là Đa-vít hay Mao nghĩ. Có một Đảng cộng sản mà Mao buộc phải tính đến dù là thế nào chăng nữa, có sức mạnh của các hoàn cảnh lịch sử khách quan…

Trong các hoạt động của người Mỹ, còn lộ ra ý muốn chia rẽ Đảng cộng sản Trung Quốc với Đảng cộng sản Liên Xô, Liên Xô với Đặc khu. Điều đáng chú ý là người ta không hề chống lại mong muốn như thế. Việc buôn bán cứ tiếp tục. Toàn bộ vấn đề là ở giá cả.

Đại tá Ba-rét và cố vấn Đa-vít đã chuyển cho bộ chỉ huy quân sự của Đảng cộng sản Trung Quốc bản dự án về chiến dịch đổ bộ, chiến dịch đó được kế hoạch hoá trong khu Liên vân trường (trong bản nhật ký ghi như thế – Ban biên tập).

Dự án thì dài dòng và rời rạc. Dự kiến đổ bộ cả trên mặt biển và trên không. Trong chiến dịch, người Mỹ sẽ trang bị cho quân đội Đảng cộng sản Trung Quốc đạn dược và vũ khí đủ cho 50 nghìn người. Một phần vũ khí đạn dược sẽ được thả dù từ trên xuống. Còn một phần nữa thì quân đội Đảng cộng sản Trung Quốc cần phải có mặt tại những nơi quân Mỹ đổ bộ để nhận.

Ba-rét và Đa-vít thúc giục các đồng chí Trung Quốc phải trả lời. Điều quan trọng là họ muốn hiểu rằng quân đội Đảng cộng sản Trung Quốc đã sẵn sàng tham gia đến mức độ nào vào việc thực hiện chiến dịch ấy. Dự án được hoàn thiện qua các cuộc gặp gỡ chung của các đại biểu Mỹ và Trung Quốc, và được giữ hoàn toàn bí mật.

Trong hoàn cảnh ấy, Mao rõ ràng là đã chớp lấy thời cơ tốt để nắm lấy chính quyền. Chiến tranh thứ hai kết thúc, cao trào của toàn dân, sự quan tâm của người Mỹ, những thất bại của Tưởng Giới Thạch. Tất cả đều xảy ra chưa bao giờ tốt đẹp như vậy, cũng chưa bao giờ tôi thấy Mao phấn khởi vui vẻ đến như thế…

Ông ta chịu đựng một cách dễ dàng những bi kịch của dân tộc ông ta, miễn là những bi kịch đó không ảnh hưởng xấu đến những kế hoạch các nhân của ông ta.

Cần thừa nhận rằng các cuộc liên hoan buổi tối ở nhà Mao, người ta uống rượu nhiều hơn, không phải là một người đàn ông lực lưỡng nào cũng đứng vững được…

Giôn Đa-vít là bí thư thứ hai của sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh. Tôi có ấn tượng là ông ta có kinh nghiệm hơn Xéc-vi-xơ và hiểu sâu hơn thực chất của vấn đề.

Ông ta rất có nghị lực, rất giỏi tiếng Trung Hoa. Đó là một người gầy gò, mặt dài, miệng hơi rộng, tóc hung.

5 tháng 11

Thông báo của Cục Thông tin: “Ngày 4 tháng 11 tại Đông Phổ ở phía bắc và phía Nam thành phố Gôn-đáp, quân ta đã hoàn toàn đập tan các cuộc tấn công của bộ binh và xe tăng địch…

Ngày 4 tháng 11, các chiến sĩ Mặt trận thứ hai U-cra-in đã xung phong chiếm được thị trấn và mũi đường sắt Sôn-nốc, điểm phòng ngự quan trọng của quân địch trên sông Tít-xa…

Tại các nơi khác của mặt trận, trinh sát đang lùng sục, tại nhiều điểm, đã có những trận chiến đấu có ý nghĩa địa phương…

Đo-nơn Nen-xơn lại đến thăm Trung Quốc với tính cách đại diện riêng của Ru-dơ-ven. Một số nhà công thương nghiệp nổi tiếng sẽ cùng đi với Nen-xơn.

Oai-tơ bay về Diên An cùng với Đa-vít. Liệu có phải đây là anh chàng Tê-ơ-do Oai-tơ quan sát viên Viễn Đông của những tờ báo lớn của Mỹ hay không?

Các bài ký sự của T. Oai-tơ luôn luôn có đặc điểm nổi bật là am hiểu các khẩu vị chính trị Trùng Khánh.

Nếu đúng là anh chàng Oai-tơ thì bây giờ tôi sẽ dịch lại một bài bình luận của anh ta.

Oai-tơ viết về các chuyện thần thoại đã được hình thành trong quan niệm của người Mỹ hay của người châu Âu về Trung Quốc.

Một trong những thần thoại đó được tạo ra bởi những người lính thuỷ và những nhà du lịch, chưa bao giờ xông vào xa hơn các tổ quỷ của các cảng Hồng Kng hay Quảng Châu. Những người đó cho rằng “người Trung Hoa là súc vật, đúng nhất là hãy luôn luôn đặt họ trước nòng súng của chiến hạm”; nhưng “con người am hiểu Trung Quốc” ấy nói rằng “Phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây, và xin cảm ơn Chúa về điều này”.

Một chuyện thần thoại khác là chuyện thần thoại của Tưởng Giới Thạch phu nhân. Bà ta cam đoan với mọi người rằng Trung Quốc lịch sự, tinh tế… và nói chung, ở Trung Quốc không hề có gì xấu, không có phân liệt, tham nhũng, đói kém. Tinh thần của dân chúng rất cao.

Và cuối cùng là quan điểm của Đặc khu. Theo quan điểm này, thì Chính phủ Trùng Khánh là một bọn đang phát xít hoá. Không có và sẽ không có một thứ dân chủ gì hết, tất cả đều là ảo ảnh. Ở Trùng Khánh, tất cả đều thối nát, và quân đội không muốn đánh nhau với quân Nhật.

Nhưng quan điểm này là một sự thật không triệt để.

Rồi Oai-tơ viết về 3 lực lượng quan trọng nhất của Trung Quốc:

  1. Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng. Tưởng Giới Thạch muốn điều hoà các truyền thống dân tộc với phương Tây, chân thành muốn thống nhất Trung Quốc.
  2. Bọn phong kiến quân phiệt: quyền thống trị của bọn này dựa vào tầng lớp nông dân sợ sệt, không có quyền hành.
  3. Những người cộng sản: ảnh hưởng của họ chưa lớn như ảnh hưởng Quốc dân đảng. Những người cộng sự cho rằng Trung Quốc lạc hậu, cần phải xây dựng lại; khi đó nó sẽ trở thành một cường quốc hùng mạnh. Đây là chỗ cương lĩnh của họ trùng hợp với cương lĩnh của Quốc dân đảng. Song, những người cộng sản đặt vấn đề: “Ai phải đưa Trung Quốc đến sự nghiệp cao cả ấy?”. Và họ trả lời: “Nông dân và giai cấp công nhân”.

Trong cuốn “Đánh giá chung các căn cứ dân chủ kháng Nhật của Trung Quốc”.

“… Ở Trung Quốc (lời nói đầu cho biết) có 3 khu hoạt động quân sự chủ yếu trong hậu phương địch, do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo ở Hoa Bắc, Hoa Trung và Hoa Nam.

Ở Hoa Bắc, các hoạt động quân sự được Bát lộ quân tiến hành, ở Hoa Trung, Tân Tứ quân và ở Hoa Nam, các đơn vị du kích do những người cộng sản lãnh đạo.

Để tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài kháng Nhật trên một lãnh thổ rộng lớn, bị chiếm đóng, các căn cứ dân chủ chống Nhật đã được thành lập trong các khu có hoạt động quân sự…

Trên lãnh thổ các căn cứ này có 86 triệu người… Về quy mô, các căn cứ chiếm 1/8 đất đai cả nước.

Mùa xuân năm nay, trên khắp các mặt trận, chúng ta đã triển khai các hoạt động tích cực và trên quy mô lớn, làm tê liệt 5/6 quân đội Nhật và bù nhìn ở Trung Quốc.

Do những thắng lợi không ngừng của năm nay, khả năng chiến đấu của quân ta càng cao hơn…

Theo các số liệu của Bộ tham mưu Bát lộ quân, trong 7 năm chiến tranh thì trung bình hằng năm, cá đơn vị của họ đã giao chiến 29 trận trong một ngày…

Chúng ta đã tiêu diệt 50% tổng số quân Nhật đã được đưa vào để nô lệ hoá Trung Quốc…

Chúng ta sẽ tiếp tục, với những cố gắng lớn hơn, cuộc chiến tranh bách chiến bách thắng ở hậu phương địch để phối hợp một cách có hiệu quả với đồng minh của chúng ta và quét sạch chủ nghĩa phát-xít Nhật “khỏi trái đất”…

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới