Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐiểm tin"Vừa đối thoại, vừa dùng vũ lực"

“Vừa đối thoại, vừa dùng vũ lực”

Các học giả Trung Quốc có liên hệ với chính phủ cho rằng, một cuộc khủng hoảng có thể cần thiết với Bắc Kinh để “giải quyết vấn đề Senkaku”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: ABC.ES.

Hai học giả thành viên cao cấp Viện Hudson, Arthur Herman và Lewis Libby ngày 25/1 bình luận trên The Wall Street Journal, Trung Quốc có thói quen dùng kế điệu hổ ly sơn, hướng dư luận quốc tế chú ý đến khu vực này trong khi họ tập trung hành động ở một khu vực khác.

Đầu năm 2016, dư luận khu vực bị Trung Quốc cuốn vào Biển Đông với việc 2 lần hạ cánh (bất hợp pháp) máy bay dân sự ở đá Chữ Thập ,Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Nhưng ngay cả khi Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hoạt động leo thang tương tự ở Trường Sa, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các đồng minh khác cũng không thể lơ là những gì có thể xảy ra ở Hoa Đông.

Theo hai học giả, cho đến năm 1970 Bắc Kinh không có ý kiến gì về nhóm đảo Senkaku. Nhưng khi nghe nói có dầu trong khu vực lân cận, Trung Quốc bắt đầu theo đuổi yêu sách chủ quyền và cho rằng các đảo này có vai trò quan trọng trong chiến lược biển của họ.

Kể từ đó căng thẳng Trung – Nhật ở Senkaku đã leo thang. Trong năm 2013, một tàu khu trục Trung Quốc đã bật ra đa hỏa lực ngắm bắn một tàu hộ vệ Nhật Bản ở Hoa Đông. Tuần trước, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc có trang bị vũ khí đã tiến vào 24 rồi 12 hải lý quanh nhóm đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát.

Các học giả Trung Quốc có liên hệ với chính phủ cho rằng, một cuộc khủng hoảng có thể cần thiết với Bắc Kinh để “giải quyết vấn đề Senkaku”.

Người Trung Quốc cho rằng, nếu họ có thể tạo ra một cuộc đối đầu tưởng chừng có thể đẩy hai nước đến bờ vực chiến tranh, Nhật Bản sẽ nhanh chóng tìm cách hạ nhiệt và tìm kiếm giải pháp ngoại giao, nhất là khi Nhật Bản cảm thấy không thể trông cậy vào chi viện quân sự từ Hoa Kỳ.

Việc Trung Quốc tăng cường các chuyến bay, các chuyến tàu xâm nhập khu vực Senkaku làm tăng nguy cơ va chạm, đối đầu. Trong khi Trung Quốc khăng khăng rằng họ muốn có quan hệ hợp tác gần gũi hơn với Nhật Bản, nhưng Bắc Kinh vẫn duy trì một thói quen xấu, đó là xen lẫn đối thoại với các chương trình vũ lực.

Trong hai năm 2014 và 2015, trong khi ông Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc đã có các cuộc gặp đối tác Ấn Độ, quân đội Trung Quốc vẫn điều lực lượng và trang thiết bị vào khu vực tranh chấp trên biên giới với Ấn Độ. Lính Trung Quốc chỉ rút lui sau khi các nhà lãnh đạo Ấn Độ phản đối.

Khi dư luận Trung Quốc chú ý vào nền kinh tế (có vẻ như) đang gặp khó khăn, Bắc Kinh hoàn toàn có thể lặp lại một nước cờ như vậy nếu tính toán thấy, việc tạo ra xung đột có thể kích hoạt chủ nghĩa dân tộc để hỗ trợ chính phủ trong các vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ.

Năm 2012, những cuộc biểu tình chống Nhật Bản nổ ra gần như trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Chủ nghĩa cực đoan một khi được kích hoạt, nó có thể vượt tầm kiểm soát. Ảnh: The Telegraph.

Một sự cố trên biển có thể xảy ra từ những va chạm “bất ngờ” với danh nghĩa tự vệ, sau đó Trung Quốc sẽ nhanh chóng điều động tàu chiến, máy bay đến hiện trường.

Trong lúc Bắc Kinh liên tục điều lực lượng đến địa bàn họ cố tình tạo ra các tranh chấp, dư luận quốc tế sẽ kêu gọi các bên kiềm chế, những vụ đâm chìm tàu hoặc làm rơi máy bay có thể xảy ra…Kết quả cuối cùng, Trung Quốc có cớ để tăng cường thực lực ngoài thực địa ở điểm tạo ra tranh chấp.

Nhưng quan trọng nhất là hiện nay Trung Quốc dự kiến Tổng thống Barack Obama sẽ không có hành động phản ứng bằng quân sự vì ông sắp rời nhiệm sở. Giống như Nga và Iran, Trung Quốc đã phát hiện ra rằng ông Obama thường có xu hướng xuống thang trong các cuộc đối đầu hoặc chỉ dùng “võ mồm” thay thế cho hành động.

Nếu một sự cố giữa tàu Trung Quốc và tàu Nhật Bản leo thang thành xung đột vũ trang, rất có thể Bắc Kinh giả định rằng Washington sẽ gây áp lực với Tokyo kiềm chế. Bắc Kinh có thể sẽ tin rằng ông Obama ngại để xảy ra xung đột với Trung Quốc trước bầu cử Tổng thống.

Nếu phải giải quyết cuộc khủng hoảng này đồng thời với vấn đề Syria, chống khủng bố, ông Obama có thể gây tổn hại cho đảng Dân Chủ trong bầu cử.

Hai học giả Hoa Kỳ nhấn mạnh, ông Tập Cận Bình không phải chính khách đầu tiên dùng một cuộc chiến tranh ngắn để đạt được mục tiêu chính trị. Lực lượng vũ trang Trung Quốc có thể nhanh chóng cơ động đến Hoa Đông và chấm dứt cuộc chiến nhanh chóng, sau đó là kêu gọi đưa vấn đề ra trọng tài quốc tế khi Bắc Kinh đã tạo được một “trạng thái bình thường mới”.

RELATED ARTICLES

Tin mới