“Toà án quốc tế xét xử vụ kiện về Biển Đông mà Trung Quốc tẩy chay sẽ “giải quyết một lần và dứt điểm cho tất cả” về việc liệu những hòn đảo nhân tạo có thuộc vào vùng lãnh hải hay không, một nhà ngoại giao hàng đầu của Australia hôm qua (26/1) đã phát biểu như vậy.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho hay, phán quyết của toà án quốc tế ở The Hague trong vụ kiện mà Philippines đưa lên sẽ “cực kỳ quan trọng” bởi nó được coi là một tuyên bố về nguyên tắc quốc tế.
Bà Bishop nhấn mạnh, mặc dù Bắc Kinh tuyên bố sẽ không bị ràng buộc phải thực thi phán quyết của toà án quốc tế ở the Hague dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, quyết định của toà án “vẫn sẽ được thực hiện và được bảo đảm gìn giữ bởi tất cả các nước có chủ quyền và có lợi ích ở khu vực”.
Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng trái phép một loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm phục vụ cho mưu đồ độc chiếm khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Tuy nhiên, hành động của Bắc Kinh đã vấp phải phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế nói chung và các nước trong khu vực nói riêng.
“Theo quan điểm của tôi, phiên toà xét xử vụ kiện tại toà án quốc tế sẽ giải quyết một lần và dứt điểm mọi vấn đề liên quan đến việc những đảo nhân tạo có thể tạo ra vùng đệm 12 hải lý hay không. Tôi tin rằng, luật pháp quốc tế không cho phép điều đó”, bà Bishop nhấn mạnh tại một hội thảo được tổ chức bởi Trung tâm An ninh Mỹ mới – một tổ chức cố vấn ở Washington.
Australia không phải là một bên có tranh chấp ở Biển Đông nhưng Ngoại trưởng Bishop khẳng định, giống như Mỹ, Australia ủng hộ sự tự do hàng hải và tự do bay qua bầu trời khu vực. Bà Bishop không trả lời câu hỏi về việc liệu Australia – một đồng minh thân thiết của Mỹ, có theo chân Washington để tiến hành các hoạt động thể hiện sự tự do hàng hải gần những khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông hay không.
Nhà ngoại giao hàng đầu Australia kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc đưa ra một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông – một sáng kiến đang đạt được rất ít tiến triển trong quá trình đàm phán suốt hơn 10 năm qua.
Những phát biểu của Ngoại trưởng Australia chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc nổi giận bởi nước này phản đối gay gắt việc đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra giải quyết tại toà án quốc tế.
Bắc Kinh lâu nay vẫn chủ trường giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đôngtrên cơ sở song phương với từng nước một. Lý do là với tư cách một nước lớn, Trung Quốc dễ bề gây sức ép để đạt được lợi thế trên bàn đàm phán giải quyết các cuộc tranh chấp.