Giáo sư Trường đại học Quốc gia Singapore Kishore Mahbubani từng cảnh báo, nếu Bắc Kinh quyết giành Biển Đông bằng mọi giá, Trung Quốc sẽ mất cả thế giới.
Ngày 22/1, tờ Tin tức bình luận Trung Quốc của Hongkong đưa tin, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã điều Thượng tướng Từ Phấn Lâm, Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu về Bộ Tham mưu liên hợp, do Thượng tướng Phòng Phong Huy lãnh đạo.
Việc này diễn ra sau khi Quân ủy Trung ương giải thể 4 Tổng cục, thành lập mới 15 cơ quan tham mưu giúp việc trực thuộc. Thông tin này xuất hiện cùng thời điểm Bắc Kinh quyết định đóng cửa các tờ báo do 7 Đại quân khu xuất bản. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, sau khi tái tổ chức, Đại quân khu Quảng Châu sẽ đổi tên thành Chiến khu miền Nam (khoảng 280.000 quân) và một trong những nhiệm vụ là phụ trách tác chiến tại Biển Đông.
Cần đoàn kết trong vấn đề Biển Đông
Từ 24 đến 27/1, Ngoại trưởng Mỹ có chuyến thăm 3 nước Đông Á (Lào, Campuchia và Trung Quốc) và ông John Kerry kêu gọi các quốc gia ASEAN đoàn kết để đối phó với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Ngoại trưởng John Kerry cũng thảo luận kỹ về vấn đề Biển Đông với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Bởi thời gian qua, Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam để phục vụ mục đích quân sự, khiến tình hình Biển Đông càng căng thẳng.
Trước đó (21/1), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã tới Bắc Kinh để thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại về các phương thức duy trì an ninh trong khu vực sau vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan.
Ngày 22/1, Hãng Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về việc không nên bàn tán quá nhiều xung quanh chương trình phóng sự của CCTV về cuộc tập trận bắn đạn thật của quân đội, chỉ vài ngày sau khi đảng Dân Tiến đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đài Loan.
Một quan chức quân sự Đài Loan giấu tên nói với Hãng Reuters rằng, việc CCTV phát sóng phóng sự tập trận có thể là thủ đoạn chiến tranh tâm lý – Bắc Kinh muốn cảnh báo chính quyền sắp tới của bà Thái Anh Văn hãy thận trọng trong các phát ngôn, cũng như hành động.
Tối 20/1, kênh truyền hình quân đội Trung Quốc đưa tin, một đơn vị quân đội đóng tại thành phố Hạ Môn, đối diện với Đài Loan, đã diễn tập đổ bộ và bắn đạn thật. Trước đó (trung tuần tháng 12/2015), Bắc Kinh từng tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông.
Cũng trong ngày 22/1, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết, hội nghị cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á dự kiến diễn ra trong hai ngày 15 và 16/2 tại Sunnylands, bang California, Mỹ, dù không chính thức nhưng sẽ là “cuộc thảo luận chiến lược” với trọng tâm thúc đẩy đổi mới và kinh doanh ở vành đai Thái Bình Dương. Và đây là kết quả của nỗ lực vươn tới châu Á của Tổng thống Barack Obama.
Ông Daniel Russel cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan xung quanh tranh chấp tại Biển Đông giảm bớt căng thẳng, tuân theo luật pháp quốc tế; sử dụng các cơ chế ngoại giao và luật pháp để giải quyết tranh chấp. Nhưng Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố, Washington không phải là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông, do đó nên tránh xa khu vực này.
Tiến sĩ Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế từng cho rằng, mặc dù Trung Quốc sử dụng “củ cà rốt” kinh tế hay các nỗ lực ngoại giao, nhưng cũng không thể vãn hồi uy tín đã mất bởi những hành động leo thang trên Biển Đông.
Tự cô lập bản thân
Cùng ngày 22/1, khi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh, Washington không tìm cách gây xung đột với Bắc Kinh; nhưng cho rằng Trung Quốc đang có những bước đi tự cô lập ở Biển Đông và thúc đẩy các nước khác tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ.
Theo giới quân sự, nếu Trung Quốc coi tuyến hàng hải trên Biển Đông là “sinh mạng” thì eo biển Malacca chính là tử huyệt. Và một khi eo biển Malacca bị phong tỏa thì tuyến hàng hải từ Ấn Độ Dương, Trung Đông qua Biển Đông sẽ bị tê liệt.
Giới bình luận cho rằng, Mỹ – Trung có mối quan hệ địa – chính trị, kinh tế – thương mại, năng lượng, cùng những ràng buộc khác nên 2 cường quốc kinh tế số 1 và 2 thế giới khó trở mặt thành thù ngay tức thì.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhiều lần tuyên bố, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cần tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau và chỉ khi Mỹ – Trung coi trọng lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm chính của nhau, cũng như kiểm soát tốt những bất đồng thì 2 nước mới có thể nâng mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Theo nhận định của Tiến sĩ Takashi Hosoda, giảng viên Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Czech), có 3 vấn đề quan trọng khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Đồng thời ông cho rằng, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được Bắc Kinh dựa vào những tư liệu không có tính pháp lý từ cổ xưa, chỉ dựa vào các tác phẩm văn học mà không căn cứ vào việc thực thi chủ quyền trong thực tế. Do đó, các tuyên bố này là vô lý, thách thức nghiêm trọng hệ thống luật pháp quốc tế hiện đại, cũng như các chuẩn mực quốc tế về tuyên bố chủ quyền.
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương từng tuyên bố, Mỹ vẫn bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực. Đồng thời cho rằng, có một số quốc gia coi tự do hàng hải trên biển là cơ hội để độc chiếm Biển Đông và áp đặt những cảnh báo và hạn chế phi lý gây bất ổn trong khu vực. Và xu hướng này đặc biệt trắng trợn ở vùng biển tranh chấp – ám chỉ những hành động và tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Dư luận cho rằng, việc làm của Bắc Kinh không những nhằm chính sách hóa, hệ thống hóa sự hiện diện của Trung Quốc tại những vùng biển tranh chấp, mà còn là kiểu “xâm lấn mềm”, “gậm nhấm dần chủ quyền”, “cung cấp pháp lý” để cổ vũ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân Trung Quốc gia tăng hoạt động tại những khu vực không nằm trong vùng lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Giới quan sát cũng cảnh báo, Trung Quốc đã và đang tích cực thúc đẩy thủ đoạn “luật hóa”, “dân sự hóa” nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông.
Tăng cường sức mạnh quân sự
Giới chuyên môn khá quan tâm tới thông tin của ông Dave Majumdar, biên tập viên quốc phòng thuộc Tạp chí National Interest (Mỹ) khi cho biết, Hải quân Mỹ đang nghiên cứu chế tạo một phiên bản phòng thủ tên lửa đạn đạo của tàu vận tải đổ bộ USS San Antonio (LPD-17), để trang bị hệ thống radar, laser và súng điện từ thanh ray (railgun) mới. Và dựa trên khung tàu đổ bộ cỡ lớn LPD-17, tàu phòng thủ tên lửa này sẽ là tàu chiến mặt nước lớn nhất của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Trong khi đó, trang mạng Asian Sentinel đưa tin, các tàu Hải Cảnh 2901 và 3901 là 2 tàu tuần duyên lớn nhất thế giới (lớn hơn tuần dương hạm lớp Ticonderoga của hải quân Mỹ và tàu tuần duyên Shikishima, lớn nhất của Nhật Bản) và Trung Quốc có thể thay đổi cán cân, sức mạnh tại các khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông bằng “cơ bắp” này.
Ngày 15/1, tờ Vzglyad View dẫn nguồn tin quân sự và ngoại giao cho biết, từ quý IV/2016, Nga sẽ bắt đầu bàn giao máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc. Hợp đồng mua 24 chiến đấu cơ Su-35 trị giá khoảng 2 tỉ USD được Moskva và Bắc Kinh ký ngày 19/11/2015 và Trung Quốc là khách hàng nước ngoài đầu tiên của loại máy bay này. Có tin cho rằng, Trung Quốc sẽ triển khai chiến đấu cơ Su-35 ở Biển Đông để tuần tra “khu vực tranh chấp”, nơi tàu chiến Mỹ thường xuyên lui tới.
Trước đó giới truyền thông Trung Quốc còn đưa lên Internet những hình ảnh mới nhất cho thấy, đường băng quân sự mà Bắc Kinh nối dài bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm đã hoàn thành và Trung Quốc cũng đã xây dựng 15 nhà vòm chứa máy bay liền kề để chiến đấu cơ J-11B cất hạ cánh thuận lợi. Tờ Đa chiều cho rằng, trong nửa đầu năm 2016, Trung Quốc sẽ bố trí J-11B tại bãi đá Chữ Thập và sau khi 2 đường băng trái phép ở bãi đá Xu Bi và Vành Khăn xây dựng xong, Bắc Kinh sẽ triển khai J-11B ở khu vực này.
Trong khi đó, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) đưa tin, công nghệ tàng hình đã được áp dụng vào bánh xe của khung gầm cơ động, còn gọi là xe phóng thẳng đứng (TEL) của tên lửa DF-26, có thể tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam trên Thái Bình Dương và đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Ngoài bánh xe, Trung Quốc còn sử dụng công nghệ tàng hình trên tên lửa và các phương tiện vận chuyển kèm theo khác của tên lửa DF-26 nhằm hạn chế các bộ phận bị phát hiện bởi radar.
Trang web của Trung tâm vì an ninh hàng hải quốc tế (Mỹ) từng đăng bài “Tái cân bằng ở Thái Bình Dương với các đặc điểm Trung Quốc” của tác giả Justin Chock, thực tập sinh tại Trung tâm Đông Tây ở Washington, lý giải nguyên nhân vì sao Trung Quốc chuyển chiến lược từ biển Hoa Đông sang Biển Đông – để phục vụ cho “con đường tơ lụa trên biển”. Đồng thời nhấn mạnh, muốn biết các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã đưa ra quyết định như thế nào, chỉ cần so sánh Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 và 2015 là rõ.
Giới phân tích cho rằng, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với một số quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… ở biển Hoa Đông và Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Giáo sư Trường đại học Quốc gia Singapore Kishore Mahbubani từng cảnh báo, nếu Bắc Kinh quyết giành Biển Đông bằng mọi giá, Trung Quốc sẽ mất cả thế giới.