Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLễ hội chém lợn Bắc Ninh: Sẽ không thực hiện giữa sân...

Lễ hội chém lợn Bắc Ninh: Sẽ không thực hiện giữa sân đình

Với nhiều tranh cãi trong suốt một năm qua xung quanh lễ hội “chém lợn” tại làng Ném Thượng (Bắc Ninh), mới đây, Sở Văn hóa, Thể Thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã có thông báo sẽ không tiến hành tục “chém lợn” giữa sân đình trong mùa lễ hội 2016.

Đây là thông tin được Sở Văn hóa, Thể Thao & Du lịch Bắc Ninh đưa ra tại cuộc họp báo vào chiều ngày 27/1, theo báo VOV.

Lễ hội “chém lợn” diễn ra tại làng Ném Thượng (xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội nhằm tưởng nhớ vị Thành Hoàng làng đã chém lợn mở tiệc khao quân từ cuối thời Lý, đồng thời cầu mong một năm mới an lành, may mắn.

Lễ hội đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều của dư luận trong thời gian qua bởi tâm điểm của lễ hội này là tục chém lợn để tế bái. Hoạt động này đã vấp phải sự phản đối của Tổ chức động vật châu Á.

Hình ảnh “rùng rợn” và “phản cảm” này đã bị Tổ chức Động vật châu Á lên án, liên tục gửi công văn đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chức năng đề nghị chấm dứt lễ hội. (Ảnh: vnexpress.net)

Thông tin tại buổi họp báo vào chiều ngày 27/1 về việc tổ chức lễ hội năm 2016, ông Nguyễn Văn Ảnh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh thừa nhận, mặc dù đã thay đổi một phần nghi thức “chém lợn” so với phong tục cũ nhưng lễ hội làng Ném Thượng năm 2015 vẫn diễn ra nghi lễ chém lợn tại giữa sân đình, có sự chứng kiến của nhiều người.

Ông Ảnh nói: “Khi đánh giá xếp loại các tiêu chí công nhận làng văn hóa, thành phố đã cắt danh hiệu làng văn hóa của Ném Thượng. Thành phố đã có văn bản trong đó có quy trách nhiệm đến các bộ phận từ phường đến các khu phố, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ này… Chúng tôi hy vọng lễ hội năm 2016 sẽ được tổ chức theo đúng ý nghĩa truyền thống và tục chém lợn sẽ không diễn ra, theo đúng quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch”, báo VOV dẫn lời ông Ảnh.

Trước đó, tại buổi tổng kết lễ hội năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể Thao & Du lịch cho biết, sẽ không thực hiện “chém lợn” công khai giữa sân đình trong lễ hội làng Ném Thượng năm 2016, theo báo Nhân Dân đưa tin.

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học đưa ra giải pháp phù hợp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Nhà Quảng Cáo

Trao đổi về việc duy trì nghi thức này, ông Nguyễn Hữu Hoa (Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa & gia đình – Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Bắc Ninh) cho biết, đến tháng 10/2015, trong cuộc họp bàn về quản lý lễ hội năm 2016, vấn đề “chém lợn” đã được quyết định: hoạt động này sẽ được di dời vào địa điểm phù hợp. Ông Hoa cũng đưa ra ý kiến rằng, ngay cả UNESCO cũng tôn trọng những khác biệt trong văn hóa của từng vùng.

Trước ý kiến này, ông Vũ Xuân Thành – Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết, UNESCO thừa nhận tính đa dạng trong văn hóa, nhưng không thừa nhận tính bạo lực. Rất nhiều lễ hội có tính bạo lực đã không được UNESCO công nhận, trong đó có cả lễ hội đấu bò tót.

Theo ông Thành, hiện nay, điều quan trọng là nhận thức về lễ hội của cả người dân tham gia và cơ quan quản lý địa phương đều rất khác nhau. Đối với lễ hội làng Ném Thượng, nhiều người dân cho rằng tục chém lợn vẫn phù hợp với phong tục tập quán, trong khi đó ở thời kỳ hội nhập nhanh như hiện nay, các hành vi trong lễ hội không chỉ gói gọn trong làng xã mà đã ảnh hưởng đến cả cộng đồng dân cư bên ngoài.

Ông Thành chia sẻ: “Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh là cả thế giới đã biết được tường tận chi tiết từng hoạt động của lễ hội đó như thế nào. Vì thế, nhận thức về lễ hội phải thay đổi. Cái gì không phù hợp thì phải điều chỉnh. Có nhiều cách để thay thế bản thân việc chém lợn, sao cho văn minh hơn mà vẫn giữ được ý nghĩa của tục lệ”, báo Nhân Dân dẫn lời ông Thành.

Thông tin trên báo Dân Việt, trong 2 năm 2013 và 2014, Tổ chức Động vật châu Á liên tục gửi công văn đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chức năng đề nghị lễ hội này sẽ chấm dứt hoàn toàn các hoạt động giết lợn dã man và phản cảm.

Tổ chức Động vật châu Á cho rằng lễ hội chém lợn tác động tiêu cực đối với xã hội về nhiều mặt, cả về kinh tế và chính trị, làm xấu hình ảnh của đất nước khi cổ vũ hành vi tàn ác đối với động vật; đi ngược với lối đối xử nhân đạo, tôn trọng và bảo vệ động vật trên toàn thế giới và xã hội; gây ảnh hưởng về tâm lý đối với người xem, đặc biệt có ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em.

Đây là lễ hội gây nhiều tranh cãi nhất trong năm 2014, UBND và Sở Văn hóa tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị đưa nghi thức chém lợn vào “hậu cung”. Tuy nhiên, mùa lễ hội năm 2015, dân làng Ném Thượng vẫn chém lợn giữa sân đình.

RELATED ARTICLES

Tin mới