Mỹ lo ông Tập Cận Bình cũng có thể “bắt chước” Mã Anh Cửu, bay ra thị sát đá Chữ Thập, lúc đó tình hình Biển Đông sẽ còn căng thẳng và hỗn loạn hơn nữa.
Nhà lãnh đạo Đài Loan sắp mãn nhiệm ông Mã Anh Cửu hôm nay đã có chuyến thị sát bất hợp pháp đảo Ba Bình, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Xung quanh động thái này, ngoài phản đối chính thức của Việt Nam và Philippines, các học giả Đài Loan và Trung Quốc cũng đưa ra những bình luận đáng chú ý về mục đích chuyến đi này.
Lâm Trung Bân, một cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan nói với The Wall Street Journal, chuyến đi đảo Ba Bình hôm nay của ông Mã Anh Cửu là một phần di sản chính sách thân Bắc Kinh của Quốc Dân đảng.
Nó được xem như bước đi tiếp theo sau “cuộc gặp đột phá” giữa ông Mã Anh Cửu với ông Tập Cận Bình tháng 11 năm ngoái ở Singapore.
Giải thích cụ thể hơn trên tờ Apple Daily Đài Loan, ông Bân cho hay, chính quyền Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc) mới là lực lượng vẽ ra đường lưỡi bò năm 1947. Năm 1949 chính quyền Mao Trạch Đông buộc Tưởng Giới Thạch phải tháo chạy ra đảo Đài Loan và kế thừa luôn đường lưỡi bò ấy.
Nếu chính quyền Mã Anh Cửu ngày nay mà rút lại lập trường đường lưỡi bò, sẽ là cú sốc làm lung lay tận gốc lập trường yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông. Do đó hành động thị sát (trái phép) Ba Bình hôm nay có thể xem là động thái ông Mã Anh Cửu chống lưng cho yêu sách (vô lý, phi pháp, bành trướng) của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Đinh Thụ Phạm, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế Đại học Chính trị Đài Loan cho rằng, sở dĩ Mỹ “thất vọng, lo ngại” về việc Mã Anh Cửu “tự tiện” thị sát đảo Ba Bình là vì Mỹ lo ông Tập Cận Bình cũng có thể “bắt chước” Mã Anh Cửu, bay ra thị sát đá Chữ Thập, lúc đó tình hình Biển Đông sẽ còn căng thẳng và hỗn loạn hơn nữa.
Tiến sĩ Thái Anh Văn, người sẽ kế nhiệm ông Mã Anh Cửu vào tháng 3 tới. Bà Văn đã từ chối phái người đi cùng Mã Anh Cửu ra Ba Bình hôm nay. |
Thời Ân Hoằng, giáo sư Đại học Nhân Dân Trung Quốc nói với China Times Đài Loan, Trung Quốc tán dương hành động này của ông Mã Anh Cửu, nhưng đồng thời cũng lo lắng khi bà Thái Anh Văn lên thay, lập trường Đài Bắc trong vấn đề Biển Đông có thể thay đổi.
Bắc Kinh lo lắng bởi Tiến sĩ Thái Anh Văn từng bỏ ngỏ khả năng từ bỏ đường lưỡi bò mà bà nghĩ rằng nó không có căn cứ pháp lý nào.
Ông Lâm Đình Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách mới Đài Loan nói với tờ Tự do Thời báo Đài Loan, Mỹ lo ngại hành động của ông Mã Anh Cửu chủ yếu là vì yêu sách của Đài Loan ở Biển Đông là đường lưỡi bò, hoàn toàn trùng khít với yêu sách của Trung Quốc.
Đường lưỡi bò mà Trung Hoa Dân quốc vẽ năm 1947 có căn cứ pháp lý hay không, theo ông Huy còn cần phải chờ xác minh làm rõ.
Mỹ cũng đã từng hối thúc Đài Loan làm rõ yêu sách đường lưỡi bò của mình, nhưng nếu Đài Bắc nghe theo thì đắc tội với Bắc Kinh, mà nếu giải thích không thống nhất với Bắc Kinh thì càng làm lợi cho Philippines trong vụ kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague, Hà Lan.
Đó là lý do tại sao cho đến nay chính quyền Mã Anh Cửu không dám làm rõ yêu sách đường lưỡi bò, mà chỉ dùng khái niệm (ngụy tạo) “cương vực cố hữu” để yêu sách “chủ quyền” đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Về việc đảng Dân Tiến và bà Thái Anh Văn sau khi lên nắm quyền có thay đổi lập trường đường lưỡi bò của Quốc Dân đảng hay không, theo học giả Bonnie Glase từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế CSIS, đây là vấn đề phức tạp và đưa ra các phán đoán về điều này bây giờ còn quá sớm.
Hơn nữa, thay đổi lập trường của Dân Tiến đảng về vấn đề Biển Đông có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hai bờ eo biển. Chuyến thị sát trái phép Ba Bình hôm nay mà ông Mã Anh Cửu tiến hành, theo Tiến sĩ Bonnie Glase, đó chính là “sản phẩm” của cuộc gặp Tập Cận Bình – Mã Anh Cửu tháng 11 năm ngoái.