Thursday, January 23, 2025
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An: Bề ngoài giả tạo của Mao Trạch Đông...

Nhật ký Diên An: Bề ngoài giả tạo của Mao Trạch Đông (Kỳ 13)

Quân Nhật xâm chiếm điểm cuối cùng của tuyến đường sắt Quảng Tây – Quế Châu, thành phố Độc Sơn, quân Nhật chinh phục Trung Quốc bằng những lực lượng không đáng kể.

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc

1 tháng Chạp

Ngoại trưởng mới của Mỹ là Xte-ti-ni-út. Đơ Gôn đến thăm Liên Xô.

Là đại diện riêng của Ru-dơ-ven ở Trùng Khánh, Đo-nơn Nen-xơn dường như đã giữ chức cố vấn kinh tế của Chính phủ Trung Quốc. Chỉ riêng sự kiện này cũng chứng minh rằng Trung Quốc bắt đầu giữ một vị trí như thế nào trong chính sách của Mỹ. Rõ ràng, Mỹ muốn chiếm chỗ của Anh và Nhật ở Trung Quốc. Đồng thời tạo ra một tiền đồ mới chống Liên Xô bằng bàn tay các chính khách Trung Quốc.

Nếu nước Đức phát xít thất thủ thì tiềm lực quân sự và kinh tế của các cường quốc đồng minh sẽ tập trung vào việc đè bẹp bọn xâm lược Nhật. Mao ý thức được đầy đủ việc đó.

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khao khát muốn nhờ vào Mỹ để tự củng cố và để đánh bại Tưởng Giới Thạch ngay lập tức. Người Mỹ biết rõ ý định thật sự của Mao Trạch Đông. Chưa chắc họ đã giao vũ khí cho ông ta. Tuy nhiên tất cả cái đám Hớc-lây và Uây-đơ-mây-ơ ấy đều tán thành trung lập hóa ảnh hưởng tư tưởng của Liên Xô đối với Đảng cộng sản Trung Quốc và đều muốn trở thành những người điều khiến chính trị cả ở Đặc khu lẫn trên toàn Trung Quốc.

Mao Trạch Đông cân nhắc theo kiểu con buôn khả năng của các bên và rút ra kết luận là Liên Xô đã bị kiệt sức vì chiến tranh và sẽ chậm trễ trong việc giải quyết chiến tranh ở Viễn Đông.

Hơn thế nữa, bằng những canh bạc với “Phái bộ quan sát đồng minh”, ông ta có điều kiện để gây sức ép với Quốc dân đảng mà vẫn bảo đảm sự an toàn cho quân đội và các căn cứ của mình. Nếu như ông ta có những bất đồng nào đấy với bọn Mỹ, thì đó chỉ là về thái độ đối với Quốc dân đảng mà thôi.

5 tháng Chạp

Ở Li-u-blin, người ta treo cổ 5 tên phát xít. Đó là những tên có tham dự vào các tội ác ở Mai-đa-néc.

ở A-ten, cảnh sát xả súng vào đoàn biểu tình. Những người biểu tình là các chiến sĩ của phong trào kháng chiến.

Hớc-lây mang đến Trùng Khánh bản dự thảo hiệp ước mà Tưởng Giới Thạch không thể chấp nhận được. Đồng ý với hiệp ước ấy đối với Tưởng Giới Thạch có nghĩa là phải tự nguyện từ bỏ chính quyền. Sau khi bàn luận với Tưởng Giới Thạch, Hớc-lây hiểu rằng ông đã phạm sai lầm, thế nhưng Mao Trạch Đông và Ru-dơ-ven đã trao đổi điện mừng mất rồi. H ớc-lây phải tìm mọi cách để thoát khỏi tình thế khó xử này. Gạt bỏ Đảng cộng sản Trung Quốc đi chăng? Không thể được. Khả năng lợi dụng các cơ sở vũ trang của Đảng cộng sản đang quyến rũ người Mỹ. Washington phải giải quyết gấp vấn đề Viễn Đông, trong khi Liên Xô đang vướng vào cuộc chiến tranh ở phương Tây.

Tất cả những cái đó xoắn xuýt với nhau thành một mớ những nguyện vọng hết sức trái ngược nhau, mà cả đôi bên đều cố lần gỡ một cách tuyệt vọng.

Ở Dương Gia Lĩnh, những tối rỗi rãi người ta thường giải trí bằng chơi phu-kho và mạt chược. Rõ ràng chơi phu-khơ thích thú thực, còn chơi mạt chược là để nịnh bợ Mao Trạch Đông. Bởi vì mạt chược là món bài Mao rất khoái và cần phải nói rằng đó không phải là một trò chơi đơn giản.

Ở Vương Gia Bình, người ta thích chơi phu-khơ, còn Chu Đức thì thích chơi “tú lơ khơ” hơn.

Hạ Long chỉ thích chơi phu-khơ thôi và thường xuyên thắng. Ông ta đặt các sĩ quan tùy tùng có mang súng mô-de đứng ngay sau lưng các người đang chơi bài với ông… Trên bàn lúc nào cũng có một xếp bạc lớn.

Mao Trạch Đông đánh mạt chược vào loại chúa, nhưng chỉ đánh ăn lạc. Nói chung Mao cũng muốn làm ra vẻ một người nghiêm khắc giữ gìn nguyên tắc.

6 tháng Chạp

Do những cuộc hành quân năm nay phát triển thắng lợi, Nhật tiếp tục các cuộc điều quân lớn. Chẳng hạn, người ta thấy có nhiều đoàn tàu quân sự vận chuyển trên cá tuyến đường Thiên Tân – Phố Khẩu và Bắc Bình – Hán Khẩu. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc quan sát các cuộc chuyển quân đó với một niềm thích thú lớn lao. Các đoàn tàu đi suốt từ phương Bắc xuống phương Nam…

Rõ ràng, Nhật đang tăng cường sức ép đối với quân đội của Chính phủ trung ương.

Prô-sen-cô mang đến một tập tiểu thuyết mỏng của Lỗ Tấn in bằng tiếng Nga. Đó là một ấn phẩm từ trước chiến tranh có lời tựa của Vương Minh. Lời tựa rất dễ hiểu và có tính thuyết phục.

Bàn về tính chất cần thiết của mặt trận thống nhất chống Nhật, Lỗ Tấn nói: “Chúng ta phải chĩa nòng súng ra phía giặc ngoài, đó là điều chủ yếu hiện nay…”. Lỗ Tấn coi cuộc đấu tranh đó trước tiên là đấu tranh cho sự sinh tồn của nhân dân Trung Quốc.

Quan điểm của Lỗ Tấn về việc cần phải cải cách chữ Trung Quốc rất đáng chú ý.

Chính là do lời tựa của Vương Minh, tôi hiểu ra rằng Lỗ Tấn là người ủng hộ nhiệt thành cuộc vận động “Đại chúng ngữ”, là cuộc vận động đề nghị lợi dụng tính chất phong phú về lời nói của tất cả các nhóm ngôn ngữ ở Trung Quốc trên cơ sở của vần chứ cái mới, đơn giản.

Lỗ Tấn viết: “Những tín hiệu hình vuông ấy – tức là những chữ tượng hình – thực sự là một công cụ chính trị để lừa gạt nhân dân…”.

Theo Lỗ Tấn, “chữ tượng hình là khối u ác tính trên cơ thể nhân dân Trung Quốc”, vì việc học chữ tượng hình kéo dài tới năm 15 tuổi, khó ngay cả với những tầng lớp khá giả, song như thế vẫn rõ ràng là chưa đủ để tự cho rằng mình đã đọc thông viết thạo.

Tôi nghĩ rằng cũng như đạo Khổng, cả cái tính chất phức tạp của văn tự, cùng với những nguyên nhân khác, đã giữ vai trò quyết định trong tình trạng lạc hậu của Trung Quốc.

Cơ sở đọc thông viết thạo là biết đọc biết viết chữ tượng hình. Chữ tượng hình kìm hãm việc truyền bá những tri thức muôn hình nhiều vẻ, thành ra việc đọc thông viết thạo trở thành sứ mạng của một số ít người chọn lọc thôi.

Trên một mức độ nào đó, nó quy định cả tính chất sơ lược của công tác giáo dục cán bộ. Hiển nhiên, đó là một trong những nguyên nhân đã góp phần làm cho Trung Quốc bị cô lập, làm cho những quy tắc đã có từ hàng ngàn nănm nay trở thành những giáo điều. Trong trường hợp này, tôi bỏ qua không nói đến tính quy định kinh tế – xã hội của các quá trình lịch sử…

Vương Minh trao đổi thư từ với Lỗ Tấn và quan tâm đặc biệt đến những vấn đề văn hóa.

Bài báo của Lỗ Tấn: “Ấn tượng về Thượng Hải năm 1933”đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho tôi.

8 tháng Chạp

Các đoàn tàu của các đơn vị sư đoàn Nhật chỉ đi vào ban đêm thôi, và tập trung lại ở đoạn đường sắt Tiên Cam – Tân Dương.

Tôi có những quan hệ rất tốt đẹp với An-đrây I-a-kô-lê-vích. Thật là vui, mỗi khi chúng tôi gặp nhau. Một nhà phẫu thuật tuyệt vời đồng thời cũng là một con người đáng yêu. Không có một chút gì tự mãn, bao giờ cũng rất tự nhiên, bình tĩnh.

Trong những lần gặp gỡ hiếm hoi, chúng tôi thả tâm hồn đi vào những kỷ niệm, thảo luận các sự kiện trên mặt trận Xô-Đức, chúng tôi phán đoán ngày kết thúc thời gian công tác của chúng tôi… Về vấn đề này, Mát-xcơ-va trả lời một cách dè dặt: “Hãy trở về sau khi chiến tranh kết thúc…”.

10 tháng Chạp

Ở Hy Lạp, người Anh đàn áp đội quân E.L.A.S (tổ chức quân sự của Măt trận dân tộc giải phóng). Tướng Xcô-bi chỉ huy bọn can thiệp.

Chiến tranh chống du kích là tiếp tục những cuộc đàn áp và tàn sát của bọn chiếm đóng Đức. Về thực chất, tướng người Anh Xcô-bi hoàn toàn không khác gì tên chỉ huy một binh đoàn càn quyết SS nào đó. Người cổ vũ những cuộc đàn áp đó là Uyn-tơn Sớc-sin…

Các chủ ngân hàng Thụy Điển từ chối không chịu báo cáo số tiền gửi ngân hàng của bọn đầu sỏ Đức, bằng cách tuyên bố rằng đó là công việc riêng của Thụy Điển. Những chiếc răng vàng bị bẻ gãy, đúc lại thành thỏi, tài sản của các dân tộc bị cướp bóc, đối với các nhà ngân hàng thì đó là “công việc riêng”, là tư bản thông thường; các nhà ngân hàng đều chống Liên Xô kịch liệt; họ hy vọng vào một cuộc xung đột quân sự và chính trị giữa Mỹ với Liên Xô trong 10 năm tới. Hiển nhiên là họ đã tính đến những số tiền gửi mới…

Quân Nhật xâm chiếm điểm cuối cùng của tuyến đường sắt Quảng Tây – Quế Châu, thành phố Độc Sơn, quân Nhật chinh phục Trung Quốc bằng những lực lượng không đáng kể.

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc chăm chú theo dõi sự vận động của quân đội Liên Xô ở phương Tây. Ông thường thảo luận với tôi về đề tài quân sự (ông quan tâm đến thời gian dự đoán bao giờ kết thúc chiến tranh). Và cũng khong nói gì được vì nói chung, trong thời gian gần đây, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc tỏ ra có một thiện ý cao hơn đối với tôi và các đồng chí của tôi. Với người Mỹ, thì lợi dụng thời cơ kiếm lợi rõ ràng là không thành công…

Ba-rét lại về Trùng Khánh. Chiều hôm trước, ông đã gặp chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc một thời gian dài.

Tướng Uây-đơ-mây-ơ đòi hỏi Tưởng Giới Thạch thỏa thuận thành lập Chính phủ liên hiệp. Về vấn đề này tướng Uây-đơ-mây-ơ định ra một bản tuyên bố đặc biệt Tưởng Giới Thạch đã được báo trước là nếu ông ta không cải tổ lại cơ quan hành chính, thì Mỹ cũng vẫn tiến hành không cần sự thỏa thuận của Tưởng. Washington sẽ có những mối liên hệ độc lập với Diên An. Các mối liên hệ đó sẽ bao hàm cả việc cung cấp vũ khí, đạn dược… cho Đặc khu.

Chiến tranh ở phương Tây càng gần đến ngày kết thúc thì lại càng thúc giục người Mỹ. Họ muốn gấp rút đặt toàn Trung Quốc dưới quyền kiểm soát của họ. Họ muốn là người chủ cả ở Trùng Khánh, cả ở Diên An, và cuối cùng phong tỏa Liên Xô ở Viễn Đông. Và mao muốn làm vừa lòng họ trong vấn đề này…

11 tháng Chạp

Tổng thống Mỹ chỉ thị đẩy mạnh việc ký kết thỏa ước với Đặc khu. Thiếu tướng Uây-đơ-mây-ơ nhận được lệnh của Nhà trắng phải gặp ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Hiển nhiên là trong vài ngày nauwx, Ơn-đớt Uây-đơ-mây-ơ đã có mặt ở Diên An.

Các máy bay chở hàng sẽ đến Diên An, với tính cách những biện pháp đầu tiên thực hiện mệnh lệnh của Tổng thống. Vài chục chiếc máy bay “Đâu-glớt” đã được tách ra để làm việc đó. Tôi không biết tính chất và trọng lượng của các mặt hàng.

Tướng Uây-đơ-mây-ơ và tướng Hớc lây báo cho Chu Ân Lai biết việc đó. Theo tin tức của Chu, thì trong vấn đề này, thực sự là có chỉ thị của Tổng thống Mỹ.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới