Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngTQ sắp biên chế chiến đấu cơ tàng hình J-20

TQ sắp biên chế chiến đấu cơ tàng hình J-20

J-20 tàng hình Trung Quốc đã định hình, trước mắt sắp sản xuất số lượng nhỏ và biên chế cho quân đội, nhu cầu sản xuất lớn để chống lại Mỹ và đồng minh.

Quân đội Trung Quốc sắp biên chế J-20

Nhân Dân nhật báo ngày 27/1 cho hay, gần đây, cộng đồng mạng đăng tải các hình ảnh về máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2101 sơn màu vàng đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Báo chí Mỹ ngày 3/1 cho rằng, chiếc máy bay nguyên mẫu J-20 này của Trung Quốc đã tiếp thu tất cả những ưu điểm cải tiến của các máy bay nguyên mẫu trước đó. Chiếc máy bay này số hiệu 2101 sơn màu vàng, không giống như các máy bay trước đó sơn màu đen hoặc màu xám nhạt.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Phòng Binh cho rằng, màu vàng của chiếc máy bay này thực ra là lớp sơn lót, máy bay còn chưa được sơn. Quân đội tiến hành sơn máy bay có yêu cầu chặt chẽ về màu sơn, vị trí, dấu hiệu, số hiệu.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 26/1 dẫn lời chuyên gia không quân Trung Quốc Phó Tiền Tiêu cho rằng, màu sơn của máy bay nguyên mẫu và máy bay thử nghiệm do nhà máy xác định, trong khi đó, quân đội có quy định rất chặt chẽ đối với màu sơn trang bị. Đây có thể là một trong những nguyên nhân hiện vẫn còn giữ lại lớp sơn màu vàng.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc như Phòng Binh, Doãn Trác và Phó Tiền Tiêu đều cho rằng, chiếc máy bay này đại diện cho J-20 bước vào giai đoạn bay thử cuối cùng trước khi bàn giao cho Quân đội Trung Quốc. J-20 đã bắt đầu tiến hành bay thử định hình, đã cách sản xuất hàng loạt không xa.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc bay thử

Phòng Binh cho hay, sau khi máy bay này hoàn thành thử nghiệm các tính năng, sẽ tiến hành sơn theo yêu cầu của phía quân đội. Nếu máy bay chiến đấu bàn giao cho phía quân đội, số hiệu sẽ không phải là mô hình “200X” hoặc “210X”.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã ngày 26/1 lại cho hay, ngoài máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2101 tiếp tục tiến hành công tác bay thử, gần đây, cộng đồng mạng lại chụp được hình ảnh máy bay chiến đấu J-20 phiên bản sản xuất hàng loạt thứ hai số hiệu 2102, nó tương tự chiếc có số hiệu 2101, cũng được sơn màu vàng.

Trong thời gian 5 năm, từ chiếc có số hiệu 2001 đến chiếc có số hiệu 2102, tổng cộng đã có 11 chiếc máy bay J-20 xuất hiện ở khu vực bay thử, không ngừng cải tiến, bay thử, đã mở đường cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư gia nhập hàng ngũ chiến đấu của Không quân Trung Quốc.

Bài báo cũng khẳng định, hiện nay, J-20 có thể đã bước vào giai đoạn sản xuất loạt nhỏ định hình, cơ hội tiếp tục nhìn thấy máy bay nguyên mẫu có lẽ đã không nhiều.

Chuyên gia không quân Trung Quốc Phó Tiền Tiêu cho rằng, đến nay, số hiệu máy bay chiến đấu J-20 đã trải qua 3 lần thay đổi, từ cách thức đặt số hiệu có thể nhìn thấy trạng thái khác nhau về nghiên cứu phát triển và bay thử của  J-20.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2102 Trung Quốc

Các máy bay bay thử sớm nhất có số hiệu 2001, 2002 có nhiệm vụ gần giống X-35 do Mỹ phát triển trước khi nghiên cứu chế tạo F-35, chủ yếu để thử nghiệm công nghệ cốt lõi của máy bay thế hệ thứ tư, chẳng hạn tính năng tàng hình, bố cục khí động học.

Trong khi đó, J-20 số hiệu 2011 được cho là tiêu chí J-20 bước vào trạng thái máy bay nguyên mẫu. Máy bay nguyên mẫu chủ yếu dùng để bay thử định hình, tiến hành khắc phục các vấn đề nảy sinh trong quá trình bay thử.

Sự thay đổi ngoại hình của vài máy bay J-20 kể từ số hiệu 2011 là tương đối lớn. Căn cứ vào kết quả bay thử, đã tiến hành điều chỉnh nhất định đối với ngoại hình khí động học, tính năng tàng hình, mãi đến máy bay số hiệu 2017 thì ngoại hình mới cơ bản được cố định, đây là một giai đoạn rất quan trọng.

Trong khi đó, nhìn vào máy bay J-20 có số hiệu 2101, trạng thái của nó đã có sự thay đổi mới. Phó Tiền Tiên cho rằng, cách đặt tên mới nhất này cho thấy, máy bay có thể đã bước vào trạng thái kết thúc thiết kế máy bay mẫu, nếu kiểm tra thuận lợi, có thể bước vào trạng thái sản xuất hàng loạt lượng nhỏ.

Sau khi tiến hành bay thử, máy bay chiến đấu sẽ trang bị cho quân đội, tiếp tục được quân đội cho tiến hành bay thử. Trong giai đoạn đầu quân đội sử dụng, còn căn cứ vào tình hình sử dụng để tiến hành điều chỉnh trên các phương diện như độ tin cậy của sửa chữa, bảo trì và độ nhanh nhạy, tiện lợi trong thao tác, sử dụng.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc bay thử

Theo Phó Tiền Tiêu, nhìn vào tình hình hiện nay, hoạt động bay thử của J-20 Trung Quốc sẽ không cần nhiều máy bay nguyên mẫu như F-35 Mỹ. Mặc dù nhiều máy bay nguyên mẫu hơn bay thử có thể rút ngắn chu kỳ bay thử, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chế tạo.

Nhưng, số lượng máy bay nguyên mẫu càng nhiều, chi phí càng cao, số lượng máy bay nguyên mẫu do Trung Quốc sử dụng không phải quá nhiều, cho thấy tiến độ phát triển khá thuận lợi.

Chi phí ít là một “sách lược rất tốt” trong nghiên cứu phát triển trang bị của Trung Quốc, áp dụng cách “có việc nên làm, có việc không nên làm”, đây là cách làm “phân ra từng giai đoạn để phát triển”, chứ không phải là “một bước lên giời”, trước tiên đáp ứng chỉ tiêu các tính năng chủ yếu, giải quyết vấn đề có hay không.

Đầu tư nguồn lực tương đối ít, rút ngắn chu kỳ nghiên cứu phát triển, giúp cho quân đội nhanh chóng có được trang bị. Sau đó tiếp tục không ngừng nâng cấp, cải tiến, thực hiện chỉ tiêu các tính năng khác.

Chẳng hạn, trước hết có thể sử dụng nhiều máy hiển thị, sau đó tiếp tục cải tiến chuyển sang chỉ sử dụng một máy hiển thị lớn tích hợp. Động cơ cũng không cần “một bước lên giời”, có thể trước tiên bảo đảm sử dụng, sau đó tiếp tục nâng cấp, thay thế.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc bay thử

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 28/1, máy bay chiến đấu J-20 mới nhất (số hiệu 2101) không có sự thay đổi rõ rệt về thiết kế, không có sự thay đổi lớn lắm so với máy bay nguyên mẫu số hiệu 2017 xuất hiện đầu năm nay, chủ yếu đã thay đổi hình dáng cửa phía trước để có tầm nhìn tốt hơn.

Trước đó, có người dự đoán, năm 2016 sẽ sản xuất lượng nhỏ máy bay chiến đấu J-20. Nhưng căn cứ vào các hình ảnh mới nhất, hoạt động sản xuất sẽ đẩy lên sớm hơn.

Theo báo chí Trung Quốc ngày 28/1, từ năm 2011 đến nay, Trung Quốc đã chế tạo được 10 máy bay chiến đấu J-20, bao gồm: 2 chiếc thử nghiệm số hiệu 2001 và 2002; 6 máy bay nguyên mẫu với các số hiệu 2011, 2012, 2013, 2015, 2016, 2017; và 2 máy bay phiên bản sản xuất hàng loạt quy mô nhỏ với các số hiệu 2101, 2102.

Căn cứ vào tính toán của cộng đồng mạng, từ tháng 1/2011 đến tháng 4/2012, máy bay J-20 Trung Quốc tiến hành khoảng hơn 60 lần bay thử. Với tần suất này, từ khi J-20 bay thử lần đầu tiên vào tháng 1/2011 đến nay, nó đã tiến hành bay thử tổng cộng khoảng 250 lần, nhiều nhất sẽ không vượt 300 lần.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc bay thử

So sánh tính năng với máy bay Nga, Mỹ

Nhân Dân nhật báo tự tin cho rằng, tính năng máy bay chiến đấu J-20 có thể sẽ “vượt” máy bay chiến đấu T-50 của Nga và F-22 của Mỹ.

Đối với vấn đề này, Phòng Binh đánh giá, 3 loại máy bay chiến đấu nêu trên có ưu điểm riêng, bởi vì máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư đều có khả năng tàng hình, tuần tra siêu âm, tác chiến siêu tầm nhìn, tính cơ động cao.

Nhưng, các nước căn cứ vào nhu cầu thực tế, có sự coi trọng khác nhau đối với tính năng của máy bay chiến đấu. 3 loại máy bay chiến đấu này có biểu hiện chiến đấu thực tế như thế nào cũng cần phải xem môi trường tác chiến cụ thể, không thể “vơ đũa cả nắm”.

Trong khi đó, tờ Tiền Giang vãn báo Trung Quốc ngày 27/1 đã có một bài viết dài so sánh tính năng của máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc và máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ.

Trước đó, ngày 22/1, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, Quân đội Mỹ đã triển khai 14 máy bay chiến đấu F-22 ở căn cứ không quân Yokota, Tokyo. Chúng đến Nhật Bản sau khi bà Thái Anh Văn đắc cử Tổng thống Đài Loan vào ngày 16/1.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc bay thử

Bài viết cho rằng, máy bay chiến đấu F-22 Raptor giúp Mỹ bảo đảm bá quyền quân sự toàn cầu, là tượng trưng cho khoa học công nghệ tiên tiến, dẫn đầu của Mỹ.

Còn máy bay chiến đấu J-20 Uy Long là hình ảnh thu nhỏ cho sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc và phục hưng dân tộc Trung Hoa, mang theo khao khát của người dân nước này.

Bài viết đã phỏng vấn các chuyên gia quân sự Trung Quốc đưa ra một số bình luận so sánh tính năng của hai loại máy bay chiến đấu này:

Công nghệ điện tử và khả năng dò tìm

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, máy bay chiến đấu J-20 và F-22 không tồn tại khoảng cách thế hệ, bất kể là tính năng tàng hình, tính năng vũ khí hay hệ thống điều khiển bay số hóa đều như vậy, nhưng mức độ hoàn thiện công nghệ còn tồn tại khoảng cách.

Song, máy bay chiến đấu J-20 có ưu thế đi sau, có thể tốt hơn F-22 về linh kiện điện tử.

Đối với vấn đề này, nhà quan sát quân sự Trung Quốc Lưu Hiểu Phi cho rằng, công nghệ điện tử của công nghiệp quân sự Trung Quốc những năm gần đây phát triển nhanh chóng, radar mảng pha quét điện tử chủ động do nhà nghiên cứu Vương Tiểu Mô đứng đầu nghiên cứu phát triển, đã vượt trình độ tiên tiến thế giới.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc bay thử

Công nghệ điện tử hàng không radar của J-20 có thể đạt cấp độ của máy bay chiến đấu F-35 mới nhất của Mỹ, tốt hơn thiết bị của máy bay F-22 được phát triển 20 năm trước.

Hơn nữa, bên dưới đầu máy bay J-20 còn có hệ thống dò tìm quang điện EOTS, có lợi cho tiến hành tấn công đối đất chính xác. Thân máy bay F-22 rất gọn nhẹ, không lắp hệ thống này.

Lưu Hiểu Phi nhận xét: “Radar tiên tiến hơn, cộng với hệ thống dò tìm quang điện giúp cho khả năng dò tìm tổng hợp của J-20 nhiều hơn, khả năng chống tàng hình có thể tốt hơn F-22”.

“Trong môi trường tiếng dội radar phức tạp như bay tầm thấp, J-20 dựa vào khả năng dò tìm quang điện như F-35, khoảng cách phát hiện các mục tiêu tàng hình rất có thể xa hơn radar, dù sao đặc trưng hồng ngoại của mục tiêu tàng hình rất khó giấu”.

Tính năng tàng hình

Theo bài báo, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm được gọi chung là “máy bay chiến đấu tàng hình”, tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất là tính năng tàng hình.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc bay thử

F-22 và J-20 đều áp dụng các biện pháp tàng hình như thân máy bay thiết kế tàng hình toàn diện, đều sử dụng cửa nạp hình S, cạnh bề mặt khí động học song song, nắp răng cưa, kiểm soát diện tích phản xạ radar ở bán cầu trước và mặt bên ở mức thấp nhất.

Rất nhiều quan điểm có ý kiến đối với cánh mũi của J-20, cho rằng chúng sẽ tăng lớn diện tích phản xạ radar. Nhưng có chuyên gia quân sự cho rằng, do cánh mũi của J-20 sử dụng vật liệu composite cường độ cao, có khả năng hấp thu sóng rất tốt, lại được sơn tàng hình, nên nó ảnh hưởng không lớn.

Tuy nhiên, thiết kế tàng hình phần đuôi của J-20 rõ ràng không bằng F-22. F-22 có ống phụt vuông hình răng cưa, tính tàng hình radar làm rất triệt để. Còn J-20 vẫn sử dụng ống phụt hình tròn thông thường, mặc dù chỗ nối đã được xử lý hình răng cưa, nhưng tác dụng có hạn.

Khả năng tải đạn

Để bảo đảm có bề ngoài tàng hình, máy bay thế hệ thứ năm thường lắp đạn trong thân máy bay. Kết cấu khoang đạn của 2 loại máy bay này rất gần nhau, hai bên lần lượt có một khoang đạn nhỏ, mỗi bên lắp một quả đạn không đối không chiến đấu cự ly gần.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc bay thử

Ở máy bay J-20, sau khi đẩy giá đạn ra ngoài, cửa khoang đạn có thể đóng lại, làm giảm lực cản ở khoang đạn và giữ được tính năng tàng hình. Trong chiến đấu cự ly gần, tốc độ phản ứng bắn tên lửa của J-20 nhanh hơn so với F-22, trừ phi F-22 luôn mở khoang đạn.

Trong khi đó, về khoang đạn quan trọng nhất ở bụng, ưu thế của máy bay F-22 là có thể lắp 6 quả tên lửa không đối không tầm trung AIM-120, còn máy bay J-20 chỉ có thể lắp 4 quả. Kích cỡ tên lửa PL-12 của Trung Quốc lớn hơn AIM-120 của Mỹ.

Nhưng, khi bay thử giai đoạn đầu, máy bay F-22 cũng chỉ lắp 4 quả tên lửa. Xét tới khoang đạn của máy bay J-20 sâu hơn F-22, nếu cánh đạn tên lửa có thể gấp, lắp xen kẽ 6 quả tên lửa PL-12 cũng khó làm được.

Do tư tưởng thiết kế của máy bay F-22 là đoạt lấy ưu thế trên không, thiết kế khoang đạn quá nông, không lắp được nhiều đạn dược tấn công đối đất, chỉ có thể nhồi được 454 kg bom dẫn đường. Trong khi đó, khoang đạn của máy bay J-20 sâu hơn, dài hơn, có thể chứa nhiều loại vũ khí không đối đất, không đối hạm.

Lưu Hiểu Phi cho rằng, không chiến giữa các máy bay tàng hình, do khoảng cách phát hiện ra nhau ngắn, vai trò của đạn tầm trung có thể giảm mạnh. Cho nên, khả năng phát hiện trước đối thủ rất có thể quan trọng hơn lượng đạn mang theo.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ

Tính cơ động

Bố cục khí động học của máy bay J-20 là chưa từng có: cánh mũi + thanh bên + cửa nạp DSI + cánh đuôi đứng, đã đặt nền tảng tốt cho tính cơ động cận âm. Đồng thời, sải cánh khá nhỏ, cánh máy bay khá mỏng, thân máy bay thon dài và đuôi đứng khá nhỏ, đều có lợi cho giảm lực cản ở tốc độ siêu âm.

Những nỗ lực thiết kế đó làm cho J-20 có tiềm năng rất lớn cả khi bay cận âm hay siêu âm. F-22 với bố cục thông thường không có được như vậy.

Nhưng, đáng tiếc là Trung Quốc chưa có sự đột phá về nghiên cứu chế tạo động cơ. Theo báo chí Nga tháng 3/2014, lô máy bay J-20 sản xuất hàng loạt đầu tiên dùng để thử nghiệm đã lắp động cơ AL-31F-M1 (lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội 13,5 tấn) hoặc AL-31F-M2 (lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội là 14,3 tấn) do Nga chế tạo.

Hai loại động cơ này đều được cải tiến nhỏ từ động cơ AL-31F, ngoài lực đẩy tăng lên, lượng tiêu hao nhiên liệu giảm đi, tuổi thọ sử dụng cũng tăng lên tới trên 4.000 giờ.

Mặc dù vậy, động cơ của J-20 màu vàng không thể so sánh với động cơ F-119 của F-22 (lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội là 15,7 tấn). Ngoài ra, J-20 phiên bản mới nhất cũng chưa sử dụng công nghệ đẩy véc-tơ động cơ.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ

Lưu Hiểu Phi cho rằng, vấn đề động cơ làm cho tính cơ động của J-20 hiện nay không thể đối phó được F-22, tiến hành tuần tra siêu âm cũng tương đối khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đối với khả năng không chiến của J-20.

Chỉ có tiến hành nghiên cứu phát triển động cơ WS-15 của J-20 có tiến triển thuận lợi, máy bay chiến đấu J-20 mới có hy vọng biên chế vào khoảng năm 2020, mới có thể có bước nhảy vọt về tính cơ động.

Nhưng, tạp chí The National Interest Mỹ tháng 4/2015 cho rằng, J-20 có thể tiến hành tuần tra thời gian dài mà không cần đốt nhiên liệu phụ trội, “bay hơn 500 km với tốc độ siêu âm tiêu tốn rất ít nhiên liệu”, từ đó tăng mạnh tầm bắn của tên lửa không đối không, giúp cho nó có thể áp chế F/A-18, thậm chí máy bay chiến đấu tàng hình F-35C trên tàu sân bay.

Bán kính tác chiến

Theo bài báo, J-20 có thân dài 20 m, lượng dầu mang theo bên trong rất lớn, thời gian lưu lại trên không và bán kính tác chiến “hơn người”, có thể kiêm tấn công-phòng thủ, có thể thực hiện các nhiệm vụ như phòng không lãnh thổ, đánh chặn tầm xa, đoạt lấy ưu thế trên không, tấn công đối đất, đối hải đường dài, thậm chí dựa vào tàng hình, tuần tra siêu âm, đóng vai trò “thích khách” tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao của địch như máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc trên đường băng

Do chiến trường đặt ra ban đầu của máy bay chiến đấu F-22 là Tây Âu có vùng trời hẹp, mật độ sân bay rất lớn, nhiên liệu mang theo bên trong khá ít, bán kính tác chiến ngắn. Do đó, F-22 đến Tây Thái Bình Dương rộng lớn để đối phó Trung Quốc đã trở thành một “điểm yếu” lớn của nó.

Được biết, Quân đội Mỹ có một đề án tác chiến là sau khi các căn cứ ở chuỗi đảo thứ nhất bị vô hiệu hóa do sự tấn công của lực lượng tên lửa và hải, không quân Trung Quốc, F-22 cất cánh từ căn cứ Guam, sau khi đến khu vực tác chiến eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông thực hiện nhiệm vụ rồi trở về, một lần xuất quân đã phải 6 lần tiếp dầu trên không. Đây thực sự là một sự “đày đọa” đối với bất cứ phi công nào.

Lưu Hiểu Phi cho rằng: “Máy bay chiến đấu tàng hình phần nhiều đóng vai trò ‘mở cửa’, hành trình lớn hơn có nghĩa là tấn công chiều sâu lớn hơn, sẽ buộc hệ thống tác chiến của đối phương cách xa hơn mình mới có thể bảo đảm được an toàn”. Điều này chắc chắn hạn chế lớn khả năng can thiệp của đối phương.

Một số so sánh khác

Theo báo chí Trung Quốc ngày 28/1, máy bay chiến đấu J-20 có sự khác biệt khá lớn so với Mỹ về giai đoạn nghiên cứu phát triển thử nghiệm, tỷ lệ sản xuất máy bay nguyên mẫu, năng xuất, số lần bay thử, số giờ bay thử.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2017 Trung Quốc

Về năng xuất, F-22 Mỹ mỗi năm sản xuất 3,67 chiếc, J-20 mỗi năm 2 chiếc. Nhưng, bắt đầu từ chiếc J-20 số hiệu 2011, Trung Quốc sản xuất tới 8 chiếc J-20 trong 2 năm, tương đương mỗi năm 4 chiếc, đạt thậm chí vượt mức sản xuất F-22 của Mỹ.

Về số lần và số giờ bay thử, Mỹ đều vượt xa Trung Quốc, cho thấy việc nghiên cứu phát triển F-22 của Mỹ phức tạp hơn, trong khi hiệu suất bay thử của J-20 Trung Quốc cao hơn, trong một đơn vị thời gian có thể hoàn thành nhiều nội dung hơn.

Trước hết là nhiệm vụ của J-20 Trung Quốc tương đối đơn giản, môi trường tác chiến đơn nhất, không có nhu cầu tác chiến toàn cầu như F-22 Mỹ. Thứ hai là đã tiếp thu kinh nghiệm nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-22 của Mỹ.

Việc nghiên cứu phát triển máy bay thế hệ thứ tư đã áp dụng rất nhiều tư duy mới và công nghệ mới, con đường thiết kế – nghiên cứu phát triển – định hình – sản xuất trang bị đã khác trước.

Từ tháng 12/2006 đến nay, số giờ bay thử của 3 loại máy bay F-35 Mỹ đã vượt 42.000 giờ, nhưng vẫn chưa kết thúc. Theo tiết lộ của Không quân Mỹ, việc thử nghiệm hệ thống SDD của F-35 sẽ kéo dài đến năm 2017, trong khi giai đoạn sản xuất ban đầu tốc độ thấp của F-35 đã bắt đầu ngay từ năm 2007.

Như vậy, F-35 Mỹ và J-20 Trung Quốc đều áp dụng con đường tiệm tiến, từng bước – vừa nghiên cứu phát triển, vừa thử nghiệm, vừa trang bị.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2016 Trung Quốc

Từ khi chiếc máy bay chiến đấu F-35A đầu tiên ra đời vào năm 2006 đến nay, Mỹ đã sản xuất tổng cộng 171 máy bay F-35, trong đó bao gồm 20 máy bay nguyên mẫu thử nghiệm SDD và 151 máy bay chiến đấu F-35 phiên bản sản xuất.

151 máy bay F-35 bao gồm: 85 máy bay chiến đấu F-35A phiên bản không quân, trong đó 78 chiếc của Không quân Mỹ, 2 chiếc của Không quân Hà Lan, 2 chiếc của Không quân Australia, 2 chiếc của Không quân Na Uy, 1 chiếc của Không quân Italia.

Ngoài ra, có 45 máy bay chiến đấu F-35B cất hạ cánh cự ly ngắn của Thủy quân lục chiến, trong đó Thủy quân lục chiến Mỹ trang bị 43 chiếc, Hải quân hoàng gia Anh trang bị 2 chiếc.

21 máy bay chiến đấu F-35C phiên bản hải quân, toàn bộ trang bị cho Hải quân Mỹ.

Căn cứ vào tổng số máy bay phiên bản sản xuất, từ năm 2007 đến nay, mỗi năm Mỹ sản xuất 18 máy bay chiến đấu F-35. Nhưng, sau năm 2013, số lượng sản xuất tốc độ thấp của F-35 tăng lên nhanh chóng.

Công ty Lockheed Martin Mỹ tuyên bố, năm 2015 sản xuất tổng cộng 45 máy bay chiến đấu F-35, nhưng Mỹ có kế hoạch năm 2016 bước vào giai đoạn sản xuất với tốc độ đầy đủ. Mục tiêu được một số tờ báo Mỹ tuyên truyền là sản xuất 200 chiếc/năm.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2015 Trung Quốc

Cuối năm 2015, Công ty Lockheed Martin tuyên bố tốc độ trong giai đoạn sản xuất toàn diện là 17 chiếc/tháng, tranh thủ đạt 20 chiếc/tháng (mỗi ngày làm việc 1 chiếc), tức là 204 – 240 chiếc/năm.

Nhưng, nhà cung ứng quan trọng vật liệu thân máy bay hợp kim titan của F-35 từng cho biết, trước năm 2020, chỉ có thể bảo đảm sản lượng 13 chiếc/tháng, 156 chiếc/năm.

So với tốc độ sản xuất của Mỹ, xét tới lực lượng đường không Trung Quốc có rất nhiều máy bay thế hệ thứ hai cần thay thế và trình độ của công nghiệp hàng không Trung Quốc, tốc độ sản xuất J-20 của Trung Quốc chắc chắn tồn tại khoảng cách.

Nhìn vào khu vực xung quanh Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã mua sắm tổng cộng 84 máy bay chiến đấu F-35, hoàn thành trang bị vào khoảng năm 2021.

Trong khi đó, Không quân Mỹ cũng có thể triển khai 80 máy bay chiến đấu F-35 trở lên ở các căn cứ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam. Điều này có nghĩa là vào khoảng năm 2021, khu vực xung quanh Trung Quốc có thể có khoảng 160 máy bay chiến đấu F-35.

Vì vậy, Trung Quốc cần sản xuất 150 máy bay J-20 trong 5 năm, tức là 30 chiếc/năm mới có thể duy trì cân bằng cơ bản. Điều này còn chưa bao gồm số lượng máy bay F-35 có thể trang bị trên tàu sân bay.

Biên đội tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 Hải quân Mỹ và tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Căn cứ vào kế hoạch triển khai 2 tàu sân bay của Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ có thể có tổng cộng 48 máy bay chiến đấu F-35C. Vì vậy, Trung Quốc cần tăng năng suất hàng năm của J-20 lên trên 40 chiếc mới có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu tác chiến đường không.

RELATED ARTICLES

Tin mới