Tân Hoa xã cho biết, ông Tống Đào, đặc phái viên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Lào. Việc này diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa có cuộc hội đàm với lãnh đạo nước này.
Bà Hoa Xuân Doanh (Oánh), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Trung Quốc là chặng dừng chân cuối cùng (sau khi tới Lào và Campuchia) của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du 3 nước châu Á.
Ngày 25-1, ông John Kerry tới thủ đô Lào và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Thongsing Thammavong, bày tỏ muốn thấy một ASEAN đoàn kết, bảo vệ các quyền hàng hải, tránh quân sự hóa và xung đột.
Thủ tướng Thongsing Thammavong khẳng định với Ngoại trưởng Mỹ rằng, Lào cam kết ủng hộ quyền tự do hàng hải và sẽ hành động để tránh đối đầu quân sự ở Biển Đông. Lào sẽ phản đối yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phát biểu của Thủ tướng Thongsing Thammavong được xem là quan điểm chính thống của Lào (lần đầu tiên) về “vấn đề Biển Đông”. Washington lo ngại các nước ASEAN có thể không tìm được tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông khi Lào là chủ tịch luân phiên của ASEAN, bởi 4 năm trước, khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN, điều này đã từng diễn ra.
Theo giới truyền thông, Tổng thống Barack Obama sẽ có chuyến công du Lào nhân tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối năm nay.
Ngày 26-1, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gặp Ngoại trưởng Mỹ khi ông John Kerry thăm nước này. Thủ tướng Hun Sen cho rằng, tất cả các bên liên quan đến tranh chấp biển đảo cần thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ông John Kerry cũng hội đàm với Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong và Ngoại trưởng Mỹ muốn Campuchia trung lập hơn trong vấn đề Biển Đông.
Trước đó (25-1), tờ Nikkei Asian Review coi chuyến thăm Campuchia của ông John Kerry là một phần trong chiến lược của Washington nhằm cải thiện quan hệ với khu vực và làm đối trọng với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Học giả Chheang Vannarith, giảng viên chuyên nghiên cứu về các vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Leeds cho rằng, Campuchia và Lào đang được Trung Quốc coi là đồng minh chiến lược và Mỹ không muốn đứng ngoài cuộc.
Đài VOA từng đưa tin, các ủy viên trung ương đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền đã thảo luận về những căng thẳng trên Biển Đông tại hội nghị thường niên. Các đại biểu tham dự được cung cấp bản báo cáo dày 49 trang, trong đó cho rằng, sự can thiệp của Mỹ vào Biển Đông khiến “tình hình phức tạp hơn”.
Trước đó (11-1), tờ The Cambodia Daily và Hãng Kyodo News đều bình luận, mặc dù không nói thẳng ra, nhưng phát biểu của ông Hor Namhong là cách cổ súy cho lập trường bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ngày 27-1, Hãng Reuters dẫn lời bao biện của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, Bắc Kinh “có quyền bảo vệ chủ quyền” ở Biển Đông khi gặp Ngoại trưởng John Kerry. Ông Vương Nghị cũng nhắc lại “yêu sách chủ quyền” của Bắc Kinh ở Biển Đông và đề nghị Washington cùng hợp tác để kiểm soát tình hình theo cách “xây dựng”.
Ngoài ra, ông Vương Nghị còn tuyên bố, Trung Quốc sẽ giữ cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Điều khiến dư luận quan tâm nhất chính là quan điểm “trước sau như một” của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp biển đảo ở Biển Đông – chỉ đàm phán song phương, không đa phương. Trong khi đó, ông John Kerry cho rằng, Mỹ – Trung cần đạt được bước tiến trước “những quan ngại và hoạt động ở Biển Đông” – nên tìm giải pháp để giảm căng thẳng ở khu vực này.
Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong chuyến công du Trung Quốc, ông John Kerry đã đề cập tới những quan ngại của Washington về “cách hành xử mơ hồ” của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Trước đó (24-1), khi trả lời phỏng vấn với Hãng tin PTI của Ấn Độ, Tổng thống Barack Obama tuyên bố, tất cả các quốc gia cần tuân thủ các quy định chung theo luật pháp quốc tế, trong đó có tự do hàng hải ở Biển Đông.
Về phần mình, khi phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 26-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) cho biết, Bắc Kinh không chấp nhận sự phê bình vô lý của Washington. Đồng thời mong các nước hữu quan chấm dứt chỉ trích và thổi phồng vô lý!
Bắc Kinh đưa ra phản ứng kể trên sau khi giới truyền thông cho biết, Mỹ phê bình Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, đồng thời tiến hành hoạt động bay thử nghiệm và hiệu chỉnh ở khu vực này.
Bà Hoa Xuân Doanh (Oánh) còn tuyên bố, quan chức Mỹ không phải là người đại diện của các nước ASEAN, do đó yêu cầu Washington cần phát huy vai trò mang tính xây dựng cho hoà bình và ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, không nên đâm bị thóc chọc bị gạo và bất hòa!
Cũng trong ngày 26-1, Hãng AP đưa tin, Đài Loan vừa tổ chức tập trận quy mô nhỏ tại đảo Kim Môn, mô phỏng việc đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng biệt kích người nhái thuộc Hải quân Trung Quốc trước khi nghỉ tết Bính Thân. Đây được coi là phản ứng của Đài Loan trước cuộc tập trận Trung Quốc mới tiến hành ở Phúc Kiến và cho phát sóng sau bầu cử tại Đài Loan.
Trước đó (25-1), tờ South China Morning Post dẫn lời đe dọa của Thiếu tướng nghỉ hưu La Viện – Trung Quốc sẽ tấn công nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Đây là bình luận công khai đầu tiên của 1 quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc về phương án “thống nhất đảo Đài Loan bằng vũ lực” sau bầu cử ở Đài Loan, với chiến thắng của bà Thái Anh Văn.
Ngày 27-1, Hãng Channel News Asia New dẫn tuyên bố của tân lãnh đạo Đài Loan, Thái Anh Văn cho biết, không cử đại diện thị sát bất hợp pháp tới đảo Ba Bình cùng ông Mã Anh Cửu. Đây là phản ứng của bà Thái Anh Văn sau tuyên bố vô lý của ông Mã Anh Cửu – muốn thị sát trái phép đảo Ba Bình trong ngày 28-1.
Cũng trong ngày 27-1, bà Sonia Urbom, người phát ngôn của Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT) đã bày tỏ sự thất vọng khi ông Mã Anh Cửu, người sẽ hết nhiệm kỳ lãnh đạo Đài Loan trong tháng 5, định tới đảo Ba Bình. Đồng thời coi hành động này “hoàn toàn vô ích và không đóng góp được gì cho việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình” ở Biển Đông.