Wednesday, January 22, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiGià néo đứt dây

Già néo đứt dây

Sẽ có những “Hamid Kazai”, những “Nouri al-Maliki” của Syria xuất hiện nắm giữ vận mệnh quốc gia. Lúc đó lực lượng đối lập hiện nạy tại Syria sẽ bị lịch sử…

The Telegraph ngày 30/1 đưa tin, phe đối lập tại Syria đã cử phái đoàn của Ủy ban Đàm phán Cao cấp của họ (HNC) đến Geneva, Thụy Sĩ để tham gia hội đàm nhằm tìm giải pháp cho việc chấm dứt cuộc nội chiến tại nước này.

Đây là một trong những động thái được người dân Syria và dư luận quốc tế mong đợi vì nó thể hiện lập trường và quan điểm của hai bên trong cuộc nội chiến Syria đã có điểm chung, mang lại hy vọng hòa bình cho đất nước, cho người dân Syria.

Tuy nhiên, HNC đến với cuộc hội đàm kèm theo một điều kiện tiên quyết là Chính phủ Assad phải thả 3.000 tù nhân chính trị của phe đối lập bị bắt giữ trong thời gian qua. Họ cho rằng nếu yêu cầu của họ chưa được đáp ứng thì cuộc hội đàm sẽ không diễn ra. Theo giới quan sát, nếu đây là điều kiện tiên quyết của phe đối lập thì cuộc hội đàm tại Geneva lần này có thể lại đổ vỡ.

Có thể thấy rằng, đây là một đòi hỏi thiếu thực tế, thiếu khôn ngoan, không phải ý tưởng của những nhà đàm phán chuyên nghiệp và nó làm cho phe đối lập vốn yếu thế có thể yếu thế hơn bởi đòi hỏi không mấy ăn nhập với mục đích hội đàm và tình hình thực tế tại chiến trường, trên chính trường Syria lúc này.

Già néo đứt dây

Mong muốn có được vị thế lớn hơn trên chinh trường Syria trong tương lai, nhưng phe đối lập tại Syria lại yếu về tiềm lực nên họ không thể tự tạo ra được. Lực của họ yếu là do chính họ làm yếu đi khi nó chưa mạnh, đó là sự mất đoàn kết và thiếu tôn trọng nhau giữa các thành phần liên kết chống chế độ Assad.

Thực chất là họ không tin nhau, không muốn nhường nhịn nhau – nghĩa là lợi ích của các thành phần không được thỏa mãn theo ý họ.

Các lực lượng chống Assad hình thành nên phe đối lập tại Syria chỉ có điểm chung là chống Assad, muốn thay thế Assad bằng một chế độ khác, mà họ phải là thành phần chính của chế độ ấy. Họ không xuất phát từ lợi ích dân tộc Syria, không vì lợi ích của người dân Syria.

Do vậy mấy năm nay, dù chế độ Assad bị phong tỏa tứ bề, bị tấn công tứ phía nhưng phe đối lập tại Syria vẫn không thể giành chiến thắng.   

Người ta cho rằng phe đối lập đối đầu với cả một chế độ, một nhà nước có sức mạnh thì làm sao họ dễ dàng chiến thắng được. Nhưng đó là trên chiến trường. Còn trên chính trường họ cũng không có những bước tiến quan trong nào.

Niềm tin của họ vào những lực lượng hòa giải quốc tế muốn giúp họ cũng không được họ khẳng định và củng cố. Niềm tin của người dân Syria hướng về họ cũng rất nhạt nhòa.

Phe đối lập tại Syria được tạo điều kiện tham gia đàm phán là vì những nhà hòa giải muốn chấm dứt chế độ Assad mà không có lực lượng nào có thể thay thế. Nghĩa là phe đối lập tại Syria không phải là sự lựa chọn thích hợp cho lực lượng hòa giải quốc tế. Họ không nhìn thấy phe đối lập tại Syria là lực lượng phù hợp được giao nắm giữ vận mệnh quốc gia – chủ quyền quốc gia của Syria thời hậu Assad.

Phe đối lập Syria tham gia hội đàm tại Geneva. Ảnh: Reuters.

Điều quan trọng nhất mà những nhà hoà giải quốc tế không tin phe đối lập tại Syria là do họ không phải là lực lượng đại diện cho nhân dân Syria. Khi thay thế một chế độ không phải của nhân dân Syria như chế độ của Assad bằng một chế độ khác mà cũng không phải do những người được nhân dân Syria trao quyền nằm giữ vận mệnh quốc gia, quyết định sinh mệnh chính trị của họ thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều.

Tình hình Libya thời hậu Gaddafi là quá đủ cho những nhà hoà giải quốc tế lấy đó làm bài học cho Syria. Do vậy, họ vẫn lưỡng lự trong quyết định của mình và vẫn cố gắng đi tìm tiếng nói chung giữa chế độ Assad và phe đối lập để mức độ mạo hiểm giảm bớt, và quyền lợi của họ được đảm bảo khi một chế độ chính trị mới được hình thành sau khi kết thúc nội chiến tại Syria.

Do đó, việc phe đối lập yêu cầu thả tù nhân trước khi hội đàm là một yêu cầu chỉ nhằm thỏa mãn lợi ích của chính họ, mà họ quên đi lợi ích của những bên khác, phía khác.

Nếu phe đối lập không kịp thời thay đổi, yêu cầu này sẽ  trở thành “già néo đứt dây”. Họ đã nhầm lẫn giữa mục đích hội đàm và nội dung đàm phán. Yêu cầu của họ nằm ở vế thứ hai – nội dung đàm phán. Họ quên là nếu đàm phán không diễn ra thì làm sao có yêu cầu nào được thỏa mãn.

“Chúng tôi không thể thương lượng về điều này. Không để trẻ em đói khát và phải giải phóng tù nhân, đây là những vấn đề nằm ngoài nội dung đàm phán”, bà Hind Kawabat, một trong 34 thành viên của HNC, nói với The Telegraph.

Yêu cầu của phe đối lập tại Syria cho thấy họ thiếu tự tin vào khả năng của mình – họ phải lấy những người đang ngồi trong tù ngục để làm động lực cho hành động của họ.

HNC cho rằng như vậy mục đích hành động của họ là nhân văn, nhưng thực ra qua những yêu cầu đó càng chứng minh phe đối lập không xem lợi ích của toàn dân tộc Syria làm động lực, làm mục đích cho hành động của họ, và họ khó có thể giành chiến thắng, nếu như không được người khác sắp đặt.

Tương lai lệ thuộc

Lực lượng đối lập tại Syria biện minh cho yêu cầu của mình rằng, yêu cầu đó sẽ chứng tỏ thiện chí của chế độ Assad đối với quá trình hòa giải dân tộc, chấm dứt nội chiến. Tuy nhiên, bản chất của sự việc không hẳn là như vậy. Việc thả tù nhân chính trị chỉ là hành động thể hiện thiện chí khi nó tuân thủ những thỏa ước, cam kết giữa các bên đã được ký kết. Do vậy, nó sẽ khó được chế độ Assad đáp ứng khi hội đàm chưa có kết quả.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang cố gắng thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình cho Syria – trong đó có việc thuyết phục phe đối lập tại nước này. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, với yêu cầu thả tù nhân thì phe đối lập đã chọn một tương lai lệ thuộc vào những người khác. Nếu 3.000 tù nhân được thả và cuộc hội đàm diễn ra có kết quả, chấm dứt nội chiến thì 3.000 tù nhân ấy sẽ là những công thần của chế độ mới – chứ họ không xem chế độ mới là ân nhân của họ.

Đơn giản, nhờ họ mới có hội đàm và hội đàm có kết quả. Chính phủ mới sẽ phụ thuộc vào lực lượng “công thần” này một cách cực đoan và viễn cảnh “nồi da nấu thịt” là không có gì lạ.

Nếu không thả 3.000 tù nhân mà hội đàm vẫn diễn ra và có kết quả thì lực lượng đối lập chỉ là “con tép” và đương nhiên kết quả không thể có lợi theo ý muốn của họ.

Họ bắt đầu chuyển từ vị thế của những người phụ thuộc trong suốt thời gian qua sang vị thế của những kẻ lệ thuộc vào những người “bạn tốt” phương xa. Họ trở thành những kẻ bị sai khiến, họ có thể phải nắm chính quyền trong vị thế kẻ bù nhìn.

Thậm chí phe đối lập sẽ không còn được xem xét giao nắm giữ vận mệnh quốc gia Syria sau nội chiến, mà cơ chế UNTAC tại Campuchia hay cơ chế Toàn quyền lâm thời tại Iraq thời hậu Saddam Hussein có thể được áp dụng cho tình hình chính trị tại Syria.

Và sẽ có những “Hamid Kazai”, những “Nouri al-Maliki” của Syria xuất hiện nắm giữ vận mệnh quốc gia. Lúc đó lực lượng đối lập hiện nạy tại Syria sẽ bị lịch sử dân tộc bỏ quên khi sang trang mới.

Có thể thấy rằng, vì những tính toán không sáng suốt, phe đối lập tại Syria đã có yêu cầu không thực tế – thậm chí là không hợp lý – và điều đó sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho chính họ. Nó có thể trở thành sự nguy hại cho phe đối lập trong việc quyết định vị thế và vai trò của họ khi “bàn cờ chính trị” tại Syria diễn ra những nước đi cuối cùng.

The Telegaraph dẫn lời ông Philip Hammond, Bộ trưởng Ngoại giao Anh quốc, nói với người đứng đầu HNC Riyad al-Hijab, một cựu Thủ tướng của chế độ Assad, rằng: “Các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria phải đảm bảo một sự chuyển đổi chính trị không có Assad và phải kết thúc sự đau khổ của người dân Syria”.

Tuy nhiên, nay với những yêu cầu của HNC thì người ta lại rất đau đớn khi dân tộc Syria, người dân Syria vẫn không phải là đối tượng, là mục đích cho hành động của những người nhân danh công lý và đạo lý, mà chỉ là công cụ để họ thực hiện mưu đồ vì lợi ích của riêng họ.

Đạn pháo vẫn chưa thể ngừng rơi trên đất nước Syria, người dân Syria vẫn chưa thể hết đổ máu vì xung đột, vì nội chiến mà nguyên nhân chính là do những toan tính thấp hèn của những lực lượng có lợi ích gắn liền với tính mạng của người dân Syria, trong đó có chế độ của Assad và cả của lực lượng đối lập tại nước này

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới