PGS.TS Nguyễn Văn Nhã bình luận: “Con người ta có trí thì phải học, nhưng thời gian thì có hạn nên phải tập trung vào mục tiêu cụ thể”.
Tâm lý sính bằng cấp vẫn quá nặng nề
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ, ông rất buồn khi tỷ lệ lao động có trình độ của Việt Nam đứng thứ 121/168 quốc gia.
PGS.Nhã nói: “Nếu chúng ta thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì chúng ta phải thấy xấu hổ trước con số này. Mỗi năm có hàng nghìn người Việt Nam sang Hàn Quốc làm thuê, lao động cực nhọc, đồng lương ít ỏi so với đời sống ở đó mà họ vẫn muốn kéo dài hợp đồng lao động, thậm chí nhiều người tìm cách trốn ở lại.
Trong khi đó, cũng một số lượng tương đương người Hàn Quốc sang Việt Nam thì làm ông chủ, làm chuyên gia, làm những công việc có mức thu nhập vài nghìn đô là cho tới vài chục nghìn đô la.
Tôi đưa ra so sánh ấy vì Hàn Quốc từng có thời gian khó khăn như Việt Nam, vậy tại sao họ tiến lên nhanh thế, còn ta thì chậm như thế?”.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, trong xu thế hội nhập, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam rất lớn và tăng lên qua mỗi năm, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần nhiều lao động trình độ cao. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng không ngừng phát triển, lớn mạnh, khoa học kỹ thuật phát triển, dần dần những lao động giản đơn ít đi.
Nhưng vấn đề đặt ra là hoạt động giáo dục và đào tạo của Việt Nam có đáp ứng được nhu cầu ấy không? Nhà nước có những tính toán gì cho thị trường lao động trong tương lai, để việc đào tạo gắn chặt với nhu cầu thực tế?
“Tôi rất mong rằng sau việc hạn chế số lượng đào tạo đại học, Bộ Giáo dục sẽ nhanh chóng đưa ra thảo luận và xác định rõ hướng đi cho nền giáo dục. Chúng ta bàn về đổi mới suốt nhiều năm qua mà cứ loay hoay sửa lỗi mãi thế này là rất nguy hiểm. Cứ đào tạo tràn lan như bây giờ sẽ tiếp tục có hành nghìn sản phẩm lỗi, và tiếp tục thất nghiệp.
Tôi ủng hộ quan điểm phân luồng rõ rệt khi hết Trung học cơ sở, để phần lớn chuyển sang học nghề kết hợp với văn hóa, chỉ có một tỷ lệ nhỏ học tiếp lên đại học. Mô hình này nước Đức đã áp dụng nhiều năm qua và rất thành công, chúng ta nên nghiêm túc học tập họ”, PGS.Nhã nêu quan điểm
Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều không đơn thuần do đào tạo, mà còn vì tâm lý sính bằng cấp của người Việt. Rất nhiều gia đình quyết tâm cho con chọ đại học để lấy cái danh hão huyền, nhưng không biết học để làm công việc gì?
Thực tế hiện nay ở Việt Nam cũng cho thấy, nhiều cử nhân đã phải dấu cả bằng đại học để tìm việc. Có nhiều trường hợp đầu tư cả trăm triệu đồng cho 3 năm trời học cao đẳng rồi đi… làm công nhân.
225.000 cử nhân thất nghiệp và cái giá phải trả của một nền giáo dục ì ạch |
PGS.Nhã chia sẻ: “Tôi còn nhớ một chuyên gia giáo dục nước ngoài đã hỏi: Có phải người Việt Nam chỉ lo đầu tư cho con ăn học và tốn kém mấy cũng chấp nhận, mà không tính khi nào con em mình sẽ trả nợ được khoản đầu tư đó? Nhất là cho con đi du học tại Anh, Mỹ với chi phí hàng chục ngàn đô la Mỹ/năm học.
Nhiều gia đình thắt lưng buộc bụng, dành dụm từng đồng đưa con lên thành phố học đại học cho bằng anh bằng em, cũng với hy vọng ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’. Điều đó cũng không có gì sai, không có gì đáng chê trách!
Nhưng vấn đề là từng gia đình, từng phụ huynh và đặc biệt là từng bạn trẻ phải cân nhắc để đặt mục tiêu phấn đấu cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, sở trường của mỗi người.
Tôi thấy, nhiều bạn trẻ đăng ký nguyện vọng học đại học là theo ý bố mẹ hoặc a dua theo bạn bè, mà không biết mình có thật yêu ngành đó không? Tôi rất mong các bạn suy ngẫm thật kỹ, vì đó là tương lai của chính bạn, mọi quyết định sai lầm đều phải trả giá”.
60% số người thất nghiệp tại TP.HCM là cử nhân, thạc sĩ. ảnh: SGGP. |
Bài toán chất lượng giáo viên vô cùng nan giải
Một vấn đề vô cùng quan trọng đó là dù đổi mới thế nào thì cũng phải quan tâm tới chất lượng người thầy. Tuy nhiên, do đãi ngộ kém và khả năng tìm việc làm cũng rất khó khăn nên những năm qua đầu vào sư phạm rất thấp, đó quả thực là một nỗi lo lớn cho đất nước.
Vậy thì làm cách nào giải quyết bài toán chất lượng giáo viên? Trước tình hình chất lượng đào tạo của giáo dục Việt Nam hiện nay còn thấp, các trường Đại học Sư phạm, Đại học Giáo dục, Viện Nghiên cứu giáo dục đã có nhiều hội nghị bàn về đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo thấy, cô giáo.
Còn bệnh thành tích, còn nặng về hình thức thì đổi mới thế nào? |
Bộ Giáo dục có yêu cầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 của các trường Sư phạm 10% so với năm trước.
Cục Nhà giáo – Bộ Giáo dục cũng đang dự thảo bộ chuẩn tiêu chí đánh giá giáo viên mới với 3 nhóm năng lực, 12 tiêu chí và 3 bậc đánh giá chất lượng (thay vì 6 tiêu chuẩn, 25 tiêu chí trước đây, theo Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT).
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã chia sẻ: “Tôi vẫn muốn nói rằng, trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam thì có rất nhiều giải pháp từ các góc độ khác nhau của mỗi cương vị công tác của mỗi người.
Nhưng giải pháp hữu hiệu nhất, tác động và ảnh hưởng mạnh nhất là cơ chế, chính sách của các cấp lãnh đạo. Tôi rất mong sẽ có những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, động viên đội ngũ các thầy cô giáo và hỗ trợ họ hoàn thành được trách nhiệm trồng người”.
Cũng theo PGS.Nhã, Thông tư 32 có hiệu lực chính là một động lực để các trường đại học bao gồm cả công lập và tư thục phải điều chỉnh lại đội ngũ giảng viên.
“Xu hướng hiện nay là các trường công lập sẽ dần được giao cơ chế tự chủ, hầu như không còn được nhà nước hỗ trợ kinh phí nữa, cho nên buộc phải nâng học phí để đảm bảo hoạt động đào tạo.
Học phí thấp lâu nay vẫn là lợi thế của nhiều trường công lập, nay học phí tăng lên thì người học sẽ có điều kiện cân nhắc lại xem khoản tiền phải bỏ ra cho 4-5 năm ấy, trường sẽ cung cấp cho họ những gì, liệu có đủ kỹ năng để tìm được việc làm không? Đây chính là vấn đề rất lớn mà bản thân các trường công lập phải nỗ lực thay đổi”, PGS.Nhã chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thông tư 32 hạn chế các trường theo 3 tiêu chí, hạn chế quy mô, chỉ tiêu tuyển sinh… lại mở ra cơ hội mới với nhiều trường đại học ngoài công lập. Nhưng vấn đề đặt ra là các trường tư thục phải tự khẳng định mình trước xã hội: Chất lượng đào tạo ra sao, đội ngũ giảng viên thế nào, có thực sự gắn kết với doanh nghiệp hay không?
PGS.Nhã nhận định: “Đào tạo là sự nghiệp lâu dài, nếu các trường tư thục chỉ quan tâm lợi nhuận, chỉ lo sao không bị lỗ vốn bỏ ra, chỉ chú ý thu học phí mà không chăm lo đội ngũ, không chú trọng môi trường đào tạo và dịch vụ dành cho sinh viên thì chính trường đó đã tự đóng cửa cơ hội của mình.
Theo tôi, giải pháp ‘sâu rễ bền gốc’ chính là chất lượng đội ngũ giảng viên, chính sách và môi trường đào tạo, chất lượng và dịch vụ đào tạo của nhà trường. Sinh viên yêu trường, ra trường được các doanh nghiệp đón nhận sẽ là những thông tin quan trọng để nhiều thí sinh đến với nhà trường”.