Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngLiệu Mỹ có đủ tàu để “chơi” TQ trên Biển Đông?

Liệu Mỹ có đủ tàu để “chơi” TQ trên Biển Đông?

Sau sự kiện USS Lassen, Mỹ đã từng hé lộ ý định sẽ tiếp tục tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức yêu sách chủ quyền quá mức của Trung Quốc ở khu vực. Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có đủ tàu để đối phó với những thách thức đặt ra bởi một lực lượng Hải quân phát triển nhanh chóng và ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, điều đang khiến một số nước láng giềng khỏi lo lắng?

Nói cách khác, cán cân quân sự trong khu vực đang nghiêng về bên nào – Washington hay Bắc Kinh?

Trung Quốc vừa qua đã công bố nước này sẽ đóng tàu sân bay thứ hai bằng công nghệ trong nước. Trong khi đó, Hải quân Mỹ nói chung và đơn vị đảm trách vùng biển này là Hạm đội Thái Bình Dương nói riêng đều có ít tàu hơn so với thời điểm giữa những năm 1990.

Giới chức Hải quân Mỹ cho biết, công nghệ được cải tiến lớn trên các tàu này có thể bù đắp những bất lợi từ tình trạng số lượng tàu giảm.

Theo Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương – Đô đốc Scott Swift, những thắc mắc về việc Hạm đội Thái Bình Dương có đủ nguồn lực hay không phản ánh những lo lắng của khu vực hơn là quan tâm đến năng lực thực tế của Hải quân Mỹ. Thậm chí, ngay cả khi toàn bộ hạm đội này được triển khai tại Biển Đông, vẫn có nghi vấn liệu Mỹ có điều thêm lực lượng tới khu vực này hay không.

Peter Jennings, chuyên gia của Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI), cho rằng vấn đề đặt ra trong thời bình là liệu Mỹ có đủ tàu chiến để trấn an các bạn bè và đồng minh, cũng như chứng tỏ khả năng huy động sức mạnh khi cần thiết. Còn trong thời chiến, câu hỏi là liệu các tàu của Mỹ có chống chọi được các cuộc tấn công bằng tên lửa để có thể tiếp tục nhiệm vụ.

Ông Jennings nhận định về lâu dài đây là một vấn đề nghiêm trọng.

Theo Đại tá Clay Doss, Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, hạm đội này hiện có 182 tàu, trong đó có các tàu chiến như tàu sân bay, cũng như tàu bổ trợ và tàu hậu cần… ít hơn so với số lượng 192 chiếc cách đây gần 2 thập kỷ.

Trên toàn thế giới, Hải quân Mỹ có 272 tàu có thể sử dụng trong chiến đấu hoặc hỗ trợ các tàu tham chiến, ít hơn gần 20% so với thời điểm năm 1998. Hiện Hải quân Mỹ có tổng cộng 10 tàu sân bay.

 Đô đốc Swift cho biết ông thích lực lượng Hải quân do ông chỉ huy ngày hôm nay – với công nghệ tiên tiến – hơn là lực lượng Hải quân cách đây gần 2 thập kỷ.

Ông Swift nêu ví dụ với tàu USS Benfold, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường được nâng cấp bằng hệ thống phòng thủ tên lửa mới, cũng như 3 tàu khu trục tàng hình mới lớp DDG-1000 sắp được triển khai.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là việc có một hạm đội quy mô nhỏ hơn sẽ khiến việc triển khai trên biển mất thêm thời gian.

Đô đốc nghỉ hưu Zap Zlatoper, nguyên Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cho biết quy định triển khai trong vòng 6 tháng được áp dụng “bất di bất dịch” bởi nếu kéo dài hơn sẽ khiến Hải quân khó duy trì lực lượng thủy thủ hơn.

Hiện tại việc triển khai tàu bình quân từ 7 – 9 tháng, mặc dù Hải quân Mỹ có kế hoạch giảm xuống 7 tháng.

Bên cạnh đó, tình trạng của tàu cũng là vấn đề. Tàu USS Essex đã phải rời cuộc tập trận với Hải quân Australia vào đầu năm 2011 và bỏ lỡ cuộc tập trận khác với Thái Lan vào năm sau đó do gặp trục trặc kỹ thuật sau khi trì hoãn bảo dưỡng để tiếp tục hoạt động trên biển.

Ông Bryan Clark, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) có trụ sở tại Washington (Mỹ), nhận định đây là các dấu hiệu cho thấy một thực trạng không bền vững.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 11/2015, ông Clark đã phác thảo một số lựa chọn thay thế: đóng thêm tàu (mặc dù việc này cần thêm ngân sách và Quốc hội Mỹ có thể không đáp ứng cho Hải quân) hoặc hạn chế triển khai (mặc dù Lầu Năm Góc đã miễn cưỡng chấp nhận việc giảm bớt sự hiện diện ở các vùng biển xa).

Những lựa chọn khác là: tăng số lượng tàu tại các căn cứ nước ngoài để chúng có thể triển khai tới điểm nóng nhanh hơn hoặc thay đổi cách thức triển khai các tàu, ví dụ như giảm số tàu hộ tống đi theo tàu sân bay, qua đó một số tàu có thể được “giải phóng” để thực hiện các nhiệm vụ độc lập.

lieu my co du tau de choi trung quoc tren bien dong
Hải quân Trung Quốc hiện có hơn 300 tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tiễu

Theo báo cáo “Chiến lược An ninh biển châu Á – Thái Bình Dương” của Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 8/2015, Hải quân Trung Quốc hiện có hơn 300 tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tiễu.

Trong khi đó, lực lượng tuần duyên và đội tàu chấp pháp của Trung Quốc lên tới 200 chiếc, nhiều hơn tổng số tàu của các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông với Bắc Kinh.

Lực lượng tuần duyên của Mỹ có khoảng 289 tàu nhỏ có chiều dài từ 20 mét trở lên, mặc dù chúng chủ yếu hoạt động quanh bờ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng ngày càng hung hăng hơn trong việc khẳng định chủ quyền tại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Từ tháng 12/2013, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông sử dụng cát hút từ dưới đáy biển, với diện tích theo ước tính của Mỹ là khoảng 3.000 mẫu Anh (khoảng 12,14km2). Trung Quốc nói rằng các đảo này để hỗ trợ các tàu, ngư dân và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng các đảo này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc mở rộng hoạt động trên biển, cũng như tăng cường sự hiện diện của Hải quân sâu xuống phía Nam. Washington lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng các đảo này để cản trở việc qua lại của tàu thuyền các nước khác trên Biển Đông, nơi có tới 30% tổng lượng hàng hóa thương mại của thế giới được vận chuyển qua.

Mặc dù một số tàu của Trung Quốc còn “thô sơ”, giống như chiếc tàu sân bay Liêu Ninh – chiếc tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của Bắc Kinh ở thời điểm này, nhưng Narushige Michishita, một học giả Nhật Bản tại Trung tâm Woodrow Wilson có trụ sở ở Washington, cho rằng người dân không biết đến điều đó nên những chiếc tàu này có hiệu ứng tâm lý tương tự với công chúng chẳng khác gì những con tàu hiện đại hơn.

Hơn nữa, các lực lượng Mỹ bị dàn trải trên toàn thế giới, trong khi Trung Quốc đặt trọng tâm vào khu vực xung quanh.

Vì vậy, theo học giả Michishita, “ngay cả khi Mỹ chi tiêu quốc phòng nhiều hơn Trung Quốc thì điều này không có nghĩa là cán cân quân sự trong khu vực vẫn giữ nguyên. Cán cân sức mạnh tại châu Á đang thay đổi nhanh chóng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới