Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Alexander Timonin phản đối kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên.
Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Alexander Timonin . Ảnh: EPA
Theo hãng tin Tân Hoa Xã, ông Timonin phát biểu trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Nga ở Hàn Quốc rằng kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ không giúp ích cho tiến trình hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á, cũng chẳng tác động đến giải pháp về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Ông kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, nhằm ngăn chặn các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama kêu gọi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại lãnh thổ Hàn Quốc sau vụ thử hạt nhân thứ tư của Triều Tiên đầu tháng 1 vừa qua. Washington kỳ vọng hệ thống này sẽ giúp Seoul chống lại các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Bình Nhưỡng. Triều Tiên hiện phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình tên gọi Korea Air and Missile Defense (KAMD).
Ông Timonin cho biết Mỹ và Hàn Quốc gần đây đang tăng cường các kênh liên lạc xoay quanh kế hoạch triển khai THAAD, đồng thời bày tỏ hy vọng điều đó không làm ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Nga và Hàn Quốc.
Đối với vụ thử hạt nhân thứ tư của Triều Tiên, ông Timonin gợi ý tổ chức các cuộc đàm phán sáu bên là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo và nhấn mạnh Nga gần chung quan điểm với Trung Quốc về cách thức và công cụ giải quyết vấn đề này.
Ông Timonin nói rằng Moscow luôn phản đối lệnh trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng vì khiến Triều Tiên bị cô lập hơn, tác động tiêu cực đến việc đề ra giải pháp hạt nhân. Cuộc đàm phán sáu bên, bao gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản bị đình trệ kể từ cuối năm 2008.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo ngày 1-2 cho biết quân đội Nhật Bản đang triển khai tên lửa đánh chặn trên biển và đất liền để đối phó tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, song song với việc sử dụng công cụ ngoại giao để xoa dịu tình hình.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã điều tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis tích hợp tên lửa đánh chặn SM-3 trong lãnh hải Nhật Bản và các vùng biển xung quanh. Trên đất liền, 34 tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) cũng trong trạng thái sẵn sàng khai hỏa.
Nếu vệ tinh cảnh báo sớm hoặc radar phát hiện tên lửa Triều Tiên bắn đến, hệ thống SM-3 sẽ hoạt động. Trong trường hợp đánh chặn không thành công, tên lửa PAC-3 sẽ làm nốt phần việc còn lại.
Nhật Bản và Hàn Quốc đang nghi ngờ Triều Tiên sắp phóng tên lửa đạn đạo.