Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngTàu Mỹ thách thức TQ là tính toán chiến lược của Washington?

Tàu Mỹ thách thức TQ là tính toán chiến lược của Washington?

Giới phân tích cho rằng, bất chấp đe dọa của Trung Quốc, Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ lợi ích chiến lược ở Biển Đông.

Tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển USS Curtis Wilbur của Mỹ. (Ảnh: wtkr.com) 

Lần thứ hai trong những tháng gần đây, hôm 30/1/2016, tàu khu trục USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là thực sự Washington đang muốn thể hiện điều gì qua hành động này?

Mỹ không từ bỏ lợi ích chính đáng ở Biển Đông

Đảo Tri Tôn là một trong số những hòn đảo có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vốn đã và đang là yếu tố gây căng thẳng giữa Trung Quốc với các quốc gia khác trong khu vực. Mỹ đương nhiên cũng có lợi ích trong khu vực, không chỉ vì mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc mà còn vì Biển Đông là tuyến đường biển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với thương mại toàn cầu.

Vì vậy, việc tuần tra ở Biển Đông, trong đó tập trung vào khu vực vùng biển quanh đảo Tri Tôn là một phần trong chiến lược của Mỹ để giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông và đảm bảo Bắc Kinh phải tuân thủ các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Những tuyên bố phi lý của Trung Quốc ở đảo Tri Tôn là không phù hợp với luật pháp quốc tế, không tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển”.

Căng thẳng ở Biển Đông gia tăng khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trong việc khẳng định chủ quyền mà họ đơn phương tuyên bố ở Biển Đông, thông qua việc đẩy mạnh việc cải tạo các bãi đá ở vùng biển này thành các đảo nhân tạo.

Thậm chí, Bắc Kinh còn xây dựng cả các đường băng có khả năng đáp ứng nhu cầu hạ cánh của máy bay quân sự trên những hòn đảo mà họ bồi lấp trái phép ở Biển Đông.

Tạp chí Economist bình luận: “Điều đáng lo ngại là Trung Quốc đang dần mở rộng sự hiện diện của họ cho đến khi sự chiếm đóng phi lý của họ trở thành một thực tế không thể chối cãi”.

Trong khi đó, một chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: “Chính phủ Mỹ không đứng về phía bất kỳ bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Trường Sa nhưng mạnh mẽ phản đối tuyên bố chủ quyền với các vùng biển xung quanh thực thể này”.

Ngoài ra, tình trạng này còn là một phần của bức tranh phản ánh nỗ lực trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc thế giới, thách thức sự thống trị của Mỹ. Mỹ có nhiều đồng minh trong khu vực và một phần trong số đó có các hiệp định Quốc phòng với Mỹ, bởi vậy, bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng có thể đòi hỏi Mỹ cần phải đưa ra phản ứng phù hợp.

Trong khi những kỳ vọng về việc giải quyết những xung đột dựa trên con đường ngoại giao, hòa bình đang ngày càng bị thu hẹp thì có lẽ điều cuối cùng mà Tổng thống Barack Obama muốn làm trước khi rời nhiệm sở đó là kích động một cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Kế hoạch tuần tra của Mỹ ở Biển Đông đã có từ lâu

Theo Reuters, trên thực tế, vài tháng trước khi tàu chiến Mỹ thực hiện cuộc tuần tra đầu tiên hồi tháng 10/2015, Lầu Năm Góc đã tuyên bố sẵn sàng triển khai những hành động cụ thể, tuy nhiên Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ lại liên tục tỏ ra chần chừ.

tau my thach thuc trung quoc la tinh toan chien luoc cua washington? hinh 1
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur. (Ảnh Daily Mail)

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, “Mối quan tâm đặt ra là nếu chúng ta tỏ ra hài lòng với những gì mà Trung Quốc đã thực hiện, thì điều đó chẳng khác nào tự làm suy yếu những tuyên bố trước đây của chúng tôi khẳng định rằng đây là một vấn đề của luật pháp quốc tế, và rằng chúng tôi có quyền lợi không phải bàn cãi ở vùng viển này”.

Các chuyên gia Michael J. Green, Bonnie S. Glaser, và Gregory B. Poling trong một bài phân tích viết cho CSIS đã lưu ý đến chiến lược của Mỹ hiện tại. Họ cho rằng, mục đích của việc Mỹ triển khai các cuộc tuần tra trên biển là vừa để khẳng định “quyền tự do hàng hải”, vừa “để đảm bảo rằng các tàu hải quân, tàu tuần tra và tàu dân sự của Mỹ cũng như của các quốc gia khác có quyền đi lại hợp pháp trên biển”, vừa làm thế nào để tránh xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc.

Trong khi đó, chuyên gia John Garnaut trong bài viết được đăng tải trên tạp chí The Age cho rằng: “Trung Quốc muốn chúng ta tin rằng họ sẵn sàng thách thức một cường quốc hạt nhân để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Họ nói sẵn sàng tấn công phủ đầu bất kỳ tàu nước ngoài nào thách thức, đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc khi tiến sát 5 hòn đảo mà họ cải tạo trái phép ở Biển Đông”.

Trung Quốc sẽ không thể “làm quá” ở Biển Đông?

Tuyên bố này của Trung Quốc trên thực tế cũng chỉ là lời “đe dọa suông” khi mà Chính quyền Tổng thống Obama sau các bước đi thận trọng đã cho tàu chiến Mỹ lần đầu tiên thực hiện cuộc tuần tra ở khu vực đảo Tri Tôn hồi tháng 10 năm ngoái. Sau sự kiện này, Trung Quốc chẳng thể đưa ra phản ứng đáng kể nào mà chỉ thông qua Tân Hoa xã để đưa ra tuyên bố chỉ trích.

tau my thach thuc trung quoc la tinh toan chien luoc cua washington? hinh 2
Hoạt động bồi lấp trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa bị cộng đồng quốc tế cực lực phản đối. (Ảnh: Reuters)

 Và sau lần thứ hai tàu chiến Mỹ thực hiện nhiệm vụ tương tự ở khu vực nói trên, phản ứng của Trung Quốc một lần nữa được đưa ra rất giới hạn. Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi “hành động của Mỹ là vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc, phá hoại an ninh, trật tự vùng biển này, làm xói mòn hòa bình và ổn định trong khu vực. Bộ Quốc phòng Trung Quốc mạnh mẽ phản đối hành động này”.  

Phản ứng của Trung Quốc được đánh giá là cách tiếp cận thận trọng bởi họ cho rằng, chắc chắn, Mỹ dù có phản đối hoạt động trái phép của họ ở Biển Đông thì cũng chỉ ở mức độ giới hạn, theo cách mà Washington mong muốn nhằm tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp.

Giám đốc Chương trình An ninh Quốc gia tại Viện Lowy Sydney trả lời tờ Japan Times cho rằng, “Việc Mỹ lựa chọn đảo Tri Tôn để thực hiện việc tuần tra có thể là bởi khu vực này ít nhạy cảm hơn Đá Vành khăn (ở khu vực quần đảo Trường Sa), vốn là nơi theo dự đoán sẽ là địa điểm diễn ra cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trong tương lai”.

Nhận định của ông John Garnaut trên tạp chí The Age cho rằng, “Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tuyên bố chủ quyền phi lý, họ sẽ tiếp tục lớn tiếng dọa dẫm nhưng sẽ dừng lại ở chừng mực mà họ cho là không gây ra sự phản kháng quá mức. Theo quan điểm của tôi, Bắc Kinh sẽ không mạo hiểm tất cả để chống lại sức mạnh quân sự của Mỹ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới