Tổ chức này được quyết định bởi sự đồng thuận, có nghĩa là chỉ cần một thành viên ASEAN có thể “hạ” bất kỳ tuyên bố nào bất lợi cho Trung Quốc.
Daily Star Lebanon ngày 15/2 bình luận, bất chấp những cái bắt tay mang tính biểu tượng cho đoàn kết, hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN tại California hôm nay nhằm mục đích tăng cường áp lực chống lại các hành vi ngày càng đáng lo ngại của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn đang gặp khó khăn.
Cổ vũ lập trường chung thống nhất trong toàn khối cũng như khuyến khích các thành viên ASEAN phát biểu chống lại những thách thức từ Trung Quốc nhưng không chỉ đích danh đã trở thành hiện tượng trong các hội nghị khu vực Đông Nam Á những năm gần đây.
Tuy nhiên quyết định cuối cùng của ASEAN lại thường bị đình trệ. Tổ chức này được quyết định bởi sự đồng thuận, có nghĩa là chỉ cần một thành viên ASEAN có thể “hạ” bất kỳ tuyên bố nào bất lợi cho Trung Quốc.
Tiến sĩ Malcolm Cook từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nhận xét: “Tôi nghĩ rằng sẽ khó khăn cho Mỹ để thuyết phục 10 nước ASEAN đi xa hơn những tuyên bố đã nói trong quá khứ về vấn đề Biển Đông”.
Đặc biệt là giờ đây khi ông Obama sắp rời nhiệm sở, các nước ASEAN có thể sẽ không mạo hiểm nêu ra vấn đề đối kháng với Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao Đông Nam Á nói với AP rằng, phái viên của chính phủ Mỹ tại Jakarta, nơi đặt trụ sở ASEAN, đã thương lượng về dự thảo tuyên bố chung sẽ được ban hành bởi Tổng thống Obama và lãnh đạo 10 nước ASEAN ngày 16/10.
Đã có những sự khác biệt ban đầu giữa các chính phủ về mặt ngôn từ của bản tuyên bố chung. Việt Nam và Philippines muốn có nội dung đề cập chi tiết hơn đối với vấn đề Biển Đông. Philippines muốn nhắc đến vụ nước này kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 như một giải pháp tiến bộ để giải quyết xung đột.
Trong khi đó Campuchia và Lào có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, hai nước lại yêu cầu tuyên bố chung xóa các nội dung về trọng tài, nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết.
Tuyên bố chung có đưa Biển Đông vào hay không và đưa mức độ nào là đề tài đang gây tranh cãi, có hạn chế. Tuy nhiên các nhà ngoại giao cho rằng bất kỳ đại biểu nào cũng có quyền phát biểu tự do tại hội nghị thượng đỉnh Sunnylands.
Căng thẳng leo thang trên Biển Đông trong 2 năm qua sau khi Trung Quốc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa (bất hợp pháp) ít nhất 7 rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm thành đảo nhân tạo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam)