Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNước mắt rơi bên 'lò vôi thế kỷ'

Nước mắt rơi bên ‘lò vôi thế kỷ’

Cách đây hơn 30 năm, những núi đá vôi trên các Cao điểm mang tên: Đồi Đài, Cô Ích, Pa Hán, Minh Tần… của tỉnh Hà Giang đã bị pháo cối Trung Quốc cày xới ngày đêm. Nhiều cán bộ, chiến sĩ từng gọi các cao điểm ấy là “lò vôi thế kỷ”, bởi đá trên các ngọn núi đã bị đạn pháo địch găm vào, vỡ ra trắng xóa như những lò vôi đang nung.

Chúng tôi đã tìm gặp Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (người từng phụ trách tác chiến ở Mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang) để được nghe ông kể lại những năm tháng sát cánh cùng đồng đội trong cuộc chiến chống quân xâm lược phương Bắc.

Tháng 3-1985, Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô Nguyễn Đức Huy nhận lệnh lên tăng cường cho mặt trận Vị Xuyên làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc.

Khi được cấp trên hỏi ý kiến về sự điều động này, ông đã trả lời mình sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tuy nhiên nếu trong chiến đấu mà là cán bộ tăng cường thì sẽ rất khó làm việc, vì vậy ông đã đề nghị cấp trên ra quyết định điều động ông về hẳn Bộ tư lệnh Quân khu 2.

Nguyện vọng của người lính trận mạc đã được chấp thuận. Ông được điều về làm Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2 và phụ trách tác chiến tại Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.

nuoc mat roi ben lo voi the ky

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.

“Ngày đó, chỉ với chính diện khoảng 10km và chiều sâu 5km, Trung Quốc đã huy động lần lượt hàng chục vạn quân ở các đại quân khu ra lấn chiếm vào đất ta. Có đợt, trong 3 ngày lấn chiếm, đối phương đã bắn tới 3 vạn quả pháo cối/ngày. Tại những cao điểm: Đồi Đài, Cô Ích, Pa Hán, Minh Tần…, núi đá vôi đã bị bắn pháo tới mức nhìn không khác những lò vôi đang nung”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại.

Ông cho biết, sau này, khi chiến tranh biên giới kết thúc, ta có đo đạc lại địa hình thì nhận thấy có rất nhiều ngọn núi đã bị bạt đi tới 2-3m, và ông ngậm ngùi so sánh: “Tính riêng về hỏa lực pháo cối, phía Trung Quốc đã sử dụng lượng vũ khí không thua kém hỏa lực của Mỹ và Quân đội Sài Gòn đánh vào thị xã Quảng Trị năm 1972!”.

nuoc mat roi ben lo voi the ky

Tướng Nguyễn Đức Huy (ngoài cùng, bên phải) tại Sở chỉ huy tác chiến Quân khu 2 (Thị xã Hà Giang) – ảnh do nhân vật cung cấp.

Ở chiến trường mới, người lính trận mạc Nguyễn Đức Huy lại có dịp làm việc cùng các thủ trưởng cũ: Nguyễn Hữu An, Lê Duy Mật, An Nguyên… Tình hình mặt trận Vị Xuyên lúc đó rất khó khăn, bởi trong năm 1984, ta đã tổ chức phản kích đánh địch ở một số điểm cao và không thành công, bởi vậy ta rơi vào thế bất lợi: địch ở trên cao, ta ở dưới thấp, có nơi ta và địch chỉ cách nhau 30-40m.

Tướng Huy kể: “Giữa lúc khó khăn ấy, tôi lại thêm một lần chứng kiến tài “xoay chuyển tình thế” của Thượng tướng Nguyễn Hữu An. Để giải quyết vấn đề tư tưởng của bộ đội, Tư lệnh Mặt trận Nguyễn Hữu An đưa ra chủ trương cần chọn một điểm vừa phải nào đó, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt rồi tiến công đánh chiếm và trấn giữ bằng được. Nếu thành công, đây sẽ là nguồn động viên lớn để vực dậy tinh thần chiến đấu của bộ đội”.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy bảo rằng, mục tiêu “vừa phải” được chọn lúc đó là một điểm đá vôi trên vùng biên giới thuộc huyện Vị Xuyên. Lực lượng nhận nhiệm vụ đánh chiếm là một đại đội bộ binh của Sư đoàn 313. Để chuẩn bị, 40 cán bộ, chiến sĩ đã được lựa chọn để tập trung huấn luyện nhiều tháng liền trên một địa hình tương tự.

Phó Tham mưu trưởng Nguyễn Đức Huy được giao nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị, Tư lệnh mặt trận Nguyễn Hữu An cũng trực tiếp xuống hướng dẫn những động tác leo trèo núi đá và cách đánh vào các hang hốc…

Ngày nổ súng, trong vòng 30 phút, quân ta đã làm chủ mục tiêu và kịp thời tăng cường quân số, bổ sung đạn dược, lương thực, đưa bao cát đã đóng sẵn từ căn cứ lân cận sang để củng cố công sự. Sau trận đánh, tư tưởng bi quan trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đã được giải quyết.

“Khi tới Cao điểm 685 để kiểm tra việc tổ chức phòng ngự của một đơn vị, tôi được anh em tâm sự: “Thủ trưởng ơi, chúng em là lính Hà Nội, bị mang tiếng là “lính cậu” nhưng bọn em sẽ kiên quyết giữ vững trận địa, địch sẽ không làm gì được, thủ trưởng cứ yên tâm!”. Rõ ràng, sau trận thắng của Sư đoàn 313, tinh thần chiến đấu của anh em đã tốt hơn trước rất nhiều”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy bộc bạch.

nuoc mat roi ben lo voi the ky
Tướng Huy thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Giang (tháng 4-2013) – ảnh do nhân vật cung cấp.

Hơn 5 năm cùng đồng đội tham gia chiến đấu chống lại sự lấn chiếm của quân bành trướng phương Bắc, tướng Nguyễn Đức Huy đã chứng kiến cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Các đơn vị đã bẻ gãy nhiều cuộc tiến công của địch và đối phương đã không thể thực hiện được âm mưu tiến sâu vào đất ta.

Nhớ lại những năm tháng gian khổ ở Mặt trận Vị Xuyên, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy bảo rằng, vất vả nhất vẫn là việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bộ đội, bởi đó là thời điểm cả nước đang tập trung vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, nền kinh tế bao cấp của chúng ta còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hằng ngày, bộ đội phải thường xuyên ăn độn bo bo thay cơm, trong khi thực phẩm chủ yếu chỉ là món cá khô và mắm ruốc.

“Việc ăn uống thiếu thốn tới mức có lần một đồng chí cán bộ cao cấp tới thăm chiến sĩ Mặt trận Vị Xuyên đã hứa là sẽ tăng cường vào khẩu phần ăn của mỗi chiến sĩ nửa cân thịt. Sau đó, không hiểu vì lý do gì mà anh em chờ vài tháng, rồi cả năm vẫn không thấy “tiêu chuẩn” của mình đâu”.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cho biết, lời hứa của vị cán bộ nọ sau này đã trở thành câu chuyện tiếu lâm được lan truyền trong cánh lính trẻ, để rồi mỗi khi gặp ông, các chiến sĩ lại tếu táo: Thủ trưởng ơi, bao giờ thì bọn em được ăn “thịt cấp trên”?

Hỏi xong, anh em lại nở nụ cười tươi rói trên khuôn mặt khắc khổ, những khuôn mặt đang ngày càng sạm đi vì đói, rét, bệnh tật…

nuoc mat roi ben lo voi the ky
Không thể lãng quên! (Bút tích phía sau một tấm ảnh của Tướng Nguyễn Đức Huy).

Có một kỷ niệm làm Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ mãi. Một hôm, ông tới kiểm tra việc phòng thủ của chiến sĩ ta ở trận địa Pa Hán. Đêm ấy, ông vô tình chứng kiến hai chiến sĩ không hiểu vì chuyện gì mà xảy ra to tiếng, cãi vã. Cả hai sau đó được đồng chí Đại đội trưởng gọi lên gặp.

“Tôi cứ lặng lẽ đứng ngoài xem cậu Đại đội trưởng kia giải quyết ra sao. Một lúc sau, thấy giọng Đại đội trưởng ôn tồn: “Anh nói với các em rồi, gia đình chúng ta thì ở xa, chỉ còn đồng chí, đồng đội hằng ngày sát cánh và coi nhau như anh em ruột thịt. Chúng mình từng xác định sẵn sàng hy sinh để giữ vững trận địa, vậy thì vì lẽ gì mà các em lại cãi nhau rồi gây ra những mâu thuẫn không đáng có, sao các em không bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt ấy đi để mà yên tâm chiến đấu?”. Nghe đại đội trưởng giải thích, hai chiến sĩ nọ liền đứng dậy bắt tay giảng hòa, rồi cả hai cùng ôm nhau khóc”, tướng Huy xúc động kể. 

Sau hơn chục năm xa vùng biên cực bắc, tháng 4-2013, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy và đồng đội lại có dịp trở lại thắp hương, tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Giang, nơi quy tập phần mộ của hơn 1.000 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ chống quân bành trướng xâm lược.

Lần trở lại năm ấy, những giọt nước mắt ngậm ngùi lại tiếp tục lăn trên gò má nhăn nheo của vị tướng trận mạc.

Trong ký ức người lính già đầu bạc, người từng trải qua 3 cuộc chiến tranh vệ quốc, hơn 1.000 đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây khi họ chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu ông. Và những người lính trẻ ấy đã sớm gánh vác sứ mệnh bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng trong một cuộc chiến ít ai ngờ tới…

RELATED ARTICLES

Tin mới