Sunday, November 17, 2024
Trang chủĐiểm tinTrung Quốc muốn thể hiện gì qua việc triển khai hệ thống...

Trung Quốc muốn thể hiện gì qua việc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tại đảo Phú Lâm, Hoàng Sa?

Ngày 17/2/2016, chỉ đúng một ngày sau Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ kết thúc tại Sunnylands, California, nơi mà các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ kêu gọi việc không quân sự hóa và tự kiềm chế trong các hoạt động gây căng thẳng trong khu vực Biển Đông, dư luận quốc tế lại nóng lên với tin tức về việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa hiện đại đất đối không tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm đóng trái phép bằng vũ lực từ tay Việt Nam.

Mức độ xác thực của việc Trung Quốc triển khai tên lửa đã được cả quan chức quốc phòng Đài Loan và Mỹ khẳng định, đồng thời, các hãng thông tấn quốc tế và nhiều tờ báo lớn cũng đã có nhiều bài viết và đăng các hình ảnh vệ tinh về việc này.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan, thiếu tướng David Lo nói với Reuter rằng các đơn vị tên lửa đã được lắp đặt trên quần đảo Hoàng Sa, đồng thời kêu gọi “các bên có liên quan cần hợp tác cùng nhau nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông và kiềm chế các hành động đơn phương có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng”. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định “rõ ràng đã có sự triển khai” hệ thống tên lửa tại đây.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy có hai đơn vị tên lửa với 8 bệ phóng cũng như một hệ thống ra đa đã được triển khai trong những tuần vừa qua. Hãng tin Foxnews của Mỹ nhận định, việc triển khai diễn ra trong tuần từ 4 – 14/2/2016. Trước đó, hình ảnh vệ tinh ngày 03/2/2016 cho thấy bãi biển vẫn trống vắng, tuy nhiên, đến ngày 14/2/2016, vệ tinh đã chụp được hình tên lửa. Các loại tên lửa được triển khai được cho là loại tên lửa có tầm bắn khoảng 200 km và có khả năng đe dọa đến bất cứ loại máy bay dân dụng hoặc quân sự nào bay gần khoảng cách trên.

Theo chuyên gia về Biển Đông thuộc Trung tâm an ninh mới của Mỹ Mira Rapp Hopper thì đây không phải là lần đầu Trung Quốc triển khai vũ khí tại quần đảo Hoàng Sa mà nước này dùng vũ lực chiếm đóng từ tay Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà thì “việc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không là một bước phát triển mới. Nếu những tên lửa này đã được triển khai thì đây có thể là các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đáp lại các chiến dịch tự do hàng hải”.

Việc Trung Quốc gấp rút triển khai hệ thống tên lửa đất đối không ở quần đảo Hoàng Sa một lần nữa cho thấy cách làm truyền thống của Trung Quốc là lợi dụng vào thời điểm các quốc gia trên thế giới và khu vực đón tết cổ truyền để tiến hành các hoạt động lén lút của mình (trước đây, nhân dịp năm mới Dương lịch 2016, Trung Quốc cũng đã tiến hành bay thử nghiệm ra đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa). Đồng thời, việc này diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến mới, phức tạp mà Trung Quốc muốn nhân cơ hội này để vừa tạo thêm lợi thế mặc cả, vừa thể hiện thái độ hiếu chiến, hung hăng, đe dọa các nước khác trong khu vực, cụ thể là:

1. Trước việc Triều Tiên tiến hành thử tên lửa lần thứ 5 ngày 7/2/2016 vừa qua, Mỹ và Hàn Quốc đã chính thức khởi động việc thảo luận lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Trung Quốc luôn coi việc lắp đặt THAAD của Mỹ là nhằm kiềm chế Trung Quốc, chứ không phải là nhằm vào Triều Tiên. Bởi vậy, trong suốt những năm gần đây, Trung Quốc luôn tìm cách ngăn cản Hàn Quốc thảo luận vấn đề triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Do đó, việc lắp đặt hệ thống tên lửa tại Hoàng Sa cũng là bước nhằm tạo thêm răn đe và lợi thế mặc cả với Hàn Quốc và Mỹ trong việc triển khai THAAD. Trung Quốc gửi tín hiệu đến Hàn, Mỹ là có thể có các căn cứ tên lửa ngoài lãnh thổ Trung Quốc có thể “tập hậu” các cơ sở tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc.

2. Như bà Mira đã nhận định ở trên, Trung Quốc thông qua việc này nhằm thể hiện thái độ phản ứng đối với chiến dịch qua lại vô hại mà Mỹ vừa tiến hành ở khu vực xung quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa vừa qua.

3. Trung Quốc phản ứng lại kết quả cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN vừa qua tại Sunnylands, California, thể hiện Trung Quốc “bất chấp” Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Đồng thời, đây cũng là bước thử Mỹ trong việc quyết tâm thực hiện các cam kết vừa qua.

4. Trung Quốc muốn thể hiện cho thế giới thấy khả năng Trung Quốc xây dựng và vận hành các cơ sở tên lửa ngoài lãnh thổ của mình. Với lợi thế chiến lược của quần đảo Hoàng Sa cùng với việc xây dựng và cải tạo trái phép 7 điểm trên quần đảo Trường Sa đi cùng với đó là khả năng quân sự hóa các điểm này, Trung Quốc đang từng ngày thay đổi cục diện chiến lược ở Biển Đông.

Biển Đông lại dậy sóng trong những ngày đầu năm mới 2016 và với những diễn biến mới này cho thấy Biển Đông lại sẽ có một năm đầy sóng gió, đặc biệt là khi Mỹ bước vào năm bầu cử 2016, khi mà các hoạt động nội bộ sẽ chiếm ưu tiên cao hơn. Điều này đòi hỏi các quốc gia trong và ngoài khu vực hết sức cảnh giác trước các hành động ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Mỹ và các nước lớn cần có các hành động kiên quyết hơn để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc, tránh để “sự đã rồi”. Nếu không Biển Đông và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ không sớm thì muộn trở thành khu vực thống trị của Trung Quốc./.

RELATED ARTICLES

Tin mới