Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinTrung Quốc “tự đắc” với các đảo nhân tạo của mình trên...

Trung Quốc “tự đắc” với các đảo nhân tạo của mình trên Biển Đông

Gần đây, một số kênh truyền thông của Trung Quốc đã tung ra hàng loạt hình ảnh vệ tinh cho rằng các đảo Việt Nam bồi đắp trên khu vực bãi đá Trường Sa đã bị “cuốn bay” sau cơn bão. Theo một nhận định trên tạp chí The Diplomat, phía Trung Quốc muốn thông qua những hình ảnh này để đạt mục đích khoe mẽ về khả năng xây đắp đảo của mình, đồng thời, cáo buộc một cách phi lý Việt Nam cũng có các hành động tương tự trên Biển Đông.

Hoạt động tôn tạo và bồi đắp các đảo đá của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa cho đến thời điểm hiện nay vẫn là mối quan ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực cũng như các nước bên ngoài có lợi ích hàng hải liên quan như Mỹ, Ấn Độ, Úc… Mặc dù vấp phải vô vàn sự phản đối từ những quốc gia này, và chính Trung Quốc cũng đã từng tuyên bố ngừng các hoạt động xây đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông [1] nhằm xoa dịu phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế, nhưng đâu lại vào đấy, chỉ sau được 04 tháng, Trung Quốc lại tiếp tục “mạnh ai nấy làm”. Không những có thái độ và hành động vô trách nhiệm, Trung Quốc còn trắng trợn tìm cách tự biện hộ và có những lời lẽ đầy khiêu khích, vừa ăn cướp vừa la làng nhằm vu cáo cho Philippines và Việt Nam, các bên còn lại trong tranh chấp, mới là những bên xây đắp trái phép trên Biển Đông [2]. Và mới đây, một Trung Quốc hiếu chiến lại tiếp tục đánh lạc hướng dư luận bằng cách dựa vào một vài kênh truyền thông (chủ yếu là các trang báo điện tử như tờ Nhân dân Nhật báo [3], Chinese Youth Net [4], Baidu [5], Sputnik News International [6]) để tung ra những hình ảnh vệ tinh với những thông tin thiếu chính xác và không đầy đủ về việc “các đảo nhân tạo của Việt Nam” đã bị bão “thổi bay” trong tháng 12 vừa qua; mà theo bài viết “Truyền thông Trung Quốc: các đảo nhân tạo của Trung Quốc tốt hơn các đảo nhân tạo của Việt Nam” [7] trên tờ The Diplomat nhận định những hình ảnh này không nhằm chỉ trích hành động của Việt Nam mà tập trung thể hiện “niềm tự hào” của Trung Quốc về các công trình lớn họ xây dựng trên Biển Đông. Tuy nhiên việc Trung Quốc ra sức bồi đắp các đảo đá ở Biển Đông từ trước đến nay vốn chẳng có gì đáng hoan nghênh, thậm chí còn liên tục bị các quốc gia chỉ trích và lên tiếng phản đối một cách mạnh mẽ.

Những bài báo trong các trang kể trên đã đưa ra những lập luận vô căn cứ khẳng định Việt Nam đã xây đảo nhân tạo “bất hợp pháp” trên một hòn đảo tên là “Đá Nanhua của Trung Quốc” (tiếng Việt gọi là Đá Núi Le, tên tiếng Anh là Cornwallis South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Ngay trong các bài báo này, các tác giả cho hay phần lớn cát đã bị biển rửa trôi sau một cơn bão vì “kỹ thuật thấp kém của Việt Nam trong tiến trình cải tạo đất”. Để chứng minh, những hình ảnh vệ tinh của “hai đảo đá không rõ tên” từ tháng 8 và tháng 12/2015 được đưa ra, và chủ yếu nhấn mạnh vào phần lớn cát đã bị rửa trôi hoàn toàn như đã được thể hiện trong ảnh tháng 12. Báo chí Trung Quốc ngang nhiên vu khống Việt Nam đã nạo vét biển lấy cát để xây “hai đảo nhân tạo trên Biển Đông” nhưng không chỉ rõ được cụ thể vị hay đưa ra một mô tả rõ ràng nào mà chỉ căn cứ vào đường rãnh mà họ cho là được gây ra do quá trình nạo vét của Việt Nam trên vùng nước xung quanh thực thể này. Không rõ mục đích phía sau là gì nhưng những hình ảnh được China Youth Net đã được phóng lên ở cỡ rất lớn khiến việc xác nhận công việc bồi đắp được thực hiện như thế nào trên thực địa ở khu vực Đá Núi Le không phải là một điều dễ dàng. Tuy nhiên, ảnh vệ tinh riêng của Đá Núi Le chụp vào ngày 07/12/2015 được trang web của Trung Quốc Baidu [8] đăng tải lên cho thấy hình ảnh toàn thể khu vực địa lý này với hai khu vực đã được bồi đắp. Toàn bộ thực thể này là đảo san hô vòng, có hình dạng hơi giống hình ô van dài – được Việt Nam tôn tạo ở hai điểm riêng biệt ở hai cực cuối phía Tây Nam và Đông Nam, theo như hình ảnh Baidu đưa lên. Ngoài ra, mặc dù không đưa ra thêm được thông tin nào để làm cơ sở song truyền thông Trung Quốc đã quá vội vàng khi nhanh chóng kết luận một cách rất mơ hồ rằng cơn bão Jasmine tháng 12 đã “làm đảo lộn những tính toán của Việt Nam” do đã “thổi bay” các đảo nhân tạo này.

Đá Núi Le (Nanhua Jiao) trên Biển Đông: trước và sau cơn bão Jasmine, hình ảnh được The China Youth Net công bố

Tuy nhiên, trọng tâm của các bài báo này lại là sự ngông nghênh của Trung Quốc về việc “xây đắp đảo nhìn bề ngoài thì có vẻ đơn giản nhưng không phải vậy. Đó là một dự án đòi hỏi kỹ thuật tích hợp cực kỳ phức tạp và qua đó nhằm kiểm nghiệm sức mạnh toàn diện của một quốc gia. Không phải ai cũng có thể biến một rạn san hô nhỏ thành một sân bay giữa đại dương như Trung Quốc”. Trung Quốc đã vỗ ngực tự đắc mà khoe khoang rằng chỉ có nước này có đủ khả năng sử dụng công nghệ hút cát chứ không phải nhọc sức nạo vét cát từ đáy biển lên theo cách đã lỗi thời (ám chỉ Việt Nam), vì phương pháp vượt trội hơn nhiều khi nó giúp tạo ra những đảo cao hơn và do đó sẽ có khả năng chịu được sóng tốt hơn. Thế nhưng, dù “nỗ lực” đến mấy chăng nữa, bất cứ ai đã có hiểu biết nhất định về tranh chấp Biển Đông rồi đều có thể nhận ra bản chất đằng sau, cũng như bộ mặt thật của một nước lớn nhưng luôn luôn ỷ mạnh hiếp yếu, không có hành xử đáng được các quốc gia khác tôn trọng, và hơn hết, những hành động của nước này đang làm gia tăng thêm căng thẳng, làm xói mòn lòng tin và đe dọa đến hòa bình, ổn định của khu vực.

Về bản chất, các hoạt động cải tạo và xây đắp các đá trên Biển Đông, Trung Quốc khiến các quốc gia lo ngại trước tiên là bởi những tác động mà những hoạt động đó gây ra cho khu vực và thế giới, như hòa bình, ổn định, tự do lưu thông hay môi trường, do quy mô và tốc độ thực hiện quyết định. Dưới chiêu bài “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, Trung Quốc đã ráo riết hút cát và bồi đắp trên các đá, tạo ra 07 đảo nhân tạo mới trong khu vực, khiến cho tình hình trên Biển Đông mỗi lúc một căng thẳng. Tốc độ và quy mô xây đắp đảo của Trung Quốc đã ở mức báo động đối với nhiều quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Rõ ràng, nếu quá trình bồi đắp xây dựng đảo được hoàn thiện nhanh chóng, Trung Quốc sẽ càng được có được ưu thế lớn cả về mặt chiến lược lẫn khả năng trên thực tế trong khu vực quần đảo Trường Sa, khu vực tranh chấp đan xen nhiều đảo và đá lớn nhỏ ở Biển Đông nằm cách xa hơn 500 dặm ngoài Đại lục. Trung Quốc đã bất chấp hòa bình, ổn định và phát triển của các nước láng giềng, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế để đạt được mục đích của riêng mình. Tờ The Guardian ngày 17/09 [9] đã công bố một số hình ảnh vệ tinh về Biển Đông cho thấy sự tàn phá nhanh đến chóng mặt đối với một trong số những rặng san hô mang tính đa dạng sinh học nhất thế giới bởi hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc, cụ thể là do cát bị hút trực tiếp từ các rặng san hô. Những hoạt động tôn tạo trên quần đảo tranh chấp Trường Sa nhằm xây dựng nên những đường băng, những cơ sở quân sự hay thậm chí chỉ là những thị trấn nhỏ đang đe dọa sự an toàn của hệ sinh thái vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ các đàn cá và đa dạng sinh học của thế giới. Phương pháp mà Trung Quốc đang tự tin vỗ ngực cho rằng nhờ nó có thể có được giành thêm một cách trái phép các vùng biển liệu có thuyết phục được dư luận rằng mức độ hiện đại hơn hẳn của nó sẽ đảm bảo giảm thiểu những tác động đến các rặng san hô, đến môi trường của khu vực và thế giới, khi mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại cuộc họp Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu toàn cầu ngày 30/11/2015 rằng sẽ không để việc chống biến đổi khí hậu làm giảm đà phát triển kinh tế? [10]

Sự quan ngại của thế giới càng gia tăng khi Trung Quốc đã bất chấp mọi sự phản đối từ các quốc gia trong và ngoài khu vực để thúc đẩy nhanh tốc độ và quy mô xây dựng, bồi đắp các đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa, cũng như Hoàng Sa. Trung Quốc chỉ mất chưa đến một năm để biến một đá hoặc bãi cạn nửa nổi nửa chìm thành một đảo nhân tạo, theo bài viết “Trung Quốc đang xây gì ở Biển Đông” [11] đăng tải trên trang điện tử của tờ The New York Times.

Việt Nam, Malaysia, Philippines cũng đã có những hoạt động cải tạo, củng cố các công trình xây dựng vốn đã tồn tại từ rất lâu, trước khi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thông qua, nhưng không nước nào có một tốc độ và quy mô như Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc sở hữu rất nhiều lợi thế so với nhiều quốc gia trong khu vực. Hơn nữa, các hoạt động của các nước này không gây hủy hoại đến môi trường biển và hệ sinh thái biển trong khu vực do quy mô sửa chữa, cải tạo là quá nhỏ. Trung Quốc có thể giễu võ giương oai với những phương tiện kỹ thuật vô cùng hiện đại, lực lượng hải quân PLAN tinh nhuệ và hàng loạt cơ sở vật chất lớn để mong có tiếng nói lớn hơn, khiến các nước khác phải nể sợ nhưng e rằng điều này có thể đem lại hiệu ứng phản tác dụng, bởi các nước vẫn quan niệm, “những ý định” đằng sau những hoạt động này của Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn là một điều “bí ẩn”. Theo Hãng Thông tấn REUTERS [12], Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này coi việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi đắp trên Biển Đông là hành động “làm gia tăng nhiều hơn lo ngại” trong khu vực. Thật vậy, hành động của Trung Quốc, được thực hiện với quy mô và tốc độ “không ai sánh nổi” hoàn toàn có thể gây ra nguy cơ đe dọa đến hòa bình, ổn định và tự do lưu thông trong khu vực, nhất là với những động thái gây hấn, làm căng thẳng tình hình Biển Đông gần đây của Trung Quốc. Những động thái đó không thể được bào chữa bằng những tuyên bố và phát biểu suông rằng đó thuộc nghĩa vụ của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế, Trung Quốc có trách nhiệm duy trì an toàn hàng hải, rằng Trung Quốc đóng góp cho khoa học nghiên cứu….Theo bà Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ nhận định [13], sự cương quyết của Trung Quốc khi tiến hành nạo vét, xây dựng và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc đang cho thấy rõ ràng hơn bao giờ hết, Trung Quốc đang tỏ ra rất không thiện chí thực hiện nghĩa vụ tự kiềm chế, tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để làm giảm căng thẳng. Điều này cũng đồng nghĩa Trung Quốc đang đi ngược lại với tất cả các cam kết đã thỏa thuận ký kết với các quốc gia, nhất là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002 (DOC), dù Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn luôn lặp lại những luận điệu xưa cũ với phóng viên [14] rằng lập trường của Trung Quốc là không thay đổi, Trung Quốc cương quyết với lập trường giải quyết tranh chấp Trường Sa với các nước láng giềng bằng tham vấn song phương và hữu nghị.

Hơn nữa, các báo của Trung Quốc đã không đưa ra được bất cứ bằng chứng gì để chứng minh Việt Nam tiến hành bồi đắp trái phép như đã nêu ra trong các bài viết. Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nhiều lần phản đối những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Trước đó, ngày 08/05/2015 [15], Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ phản đối của Trung Quốc về các hoạt động bồi đắp, mở rộng đất đai của Việt Nam ở Biển Đông và phản pháo ngược lại rằng các dự án khai hoang lấn biển của Bắc Kinh tại vùng biển này “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền” Việt Nam. Trong công hàm số 344/HC – 2015 đề ngày 29/12/2015, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nêu rõ [16] Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam cương quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông, cũng như lập luận của Trung Quốc rằng chủ quyền và những quyền liên quan của Trung Quốc ở Biển Đông đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử. Những lời tuyên bố và khẳng định của Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế.

Việc Trung Quốc tận dụng các kênh truyền thông để công bố một số hình ảnh vệ tinh không được kiểm chứng nhằm thể hiện việc bồi đắp, xây dựng đảo mà nước này tiến hành trong thời gian qua là việc làm bình thường, trong khi không hề nhắc tới những hệ quả khôn lường phát sinh do hoạt động tôn tạo bồi đắp trái phép của mình trong khu vực quần đảo Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung. Theo thông tin mới được đăng trên REUTERS ngày 09/02, [17] Nhà trắng cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ chuyển đến Trung Quốc một thông điệp cứng rắn qua Hội nghị thượng đỉnh với các nước Đông Nam Á tại Sunnylands, rằng tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết hòa bình, chứ không phải với một nước lớn luôn “bắt nạt” các quốc gia láng giềng nhỏ hơn. Trung Quốc đang đánh đổi sự bền vững của môi trường, hòa bình, ổn định của khu vực, thậm chí uy tín của mình, sẵn sàng dùng sức mạnh và ưu thế để lấn lướt, bắt nạt các quốc gia láng giền để có được ưu thế độc tôn, đạt được tham vọng bá quyền ngông cuồng.

[1] Trung Quốc tuyên bố chấm dứt các hoạt động xây đắp đảo trên Biển Đông <http://www.reuters.com/article/us-asean-malaysia-idUSKCN0QA05U20150805>

[2] Trung Quốc đáp trả các bên tranh chấp Biển Đông bằng các cáo buộc về hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo <http://www.reuters.com/article/us-china-southchinasea-idUSKBN0NK0VB20150429>

[3]  Bão thổi bay đảo nhân tạo xây dựng trái phép của Việt Nam <http://en.people.cn/n3/2016/0202/c90000-9012940.html>

[4] Các đảo nhân tạo của Việt Nam bị bão “cuốn bay” <http://mil.news.sina.com.cn/china/2016-02-02/doc-ifxnzanh0562964.shtml>

[5]<http://baike.baidu.com/picture/1585184/1585184/7423446/d000baa1cd11728bbb8f712dcafcc3cec3fd2c1b#aid=0&pic=d1a20cf431adcbefba47eb37abaf2edda3cc9f94>

[6] Các đảo nhân tạo của Việt Nam không có khả năng trụ bám được như các đảo của Trung Quốc xây  dựng <http://sputniknews.com/asia/20160205/1034267555/vietnam-china-manmade-islands.html>

[7] <http://thediplomat.com/2016/02/chinese-media-our-artificial-islands-are-better-than-vietnams/>

[8]<http://baike.baidu.com/pic/%E5%8D%97%E5%8D%8E%E7%A4%81/2424698/0/d000baa1cd11728b5a3c1b13cffcc3cec3fd2ce9?fr=lemma&ct=single#aid=0&pic=d000baa1cd11728b5a3c1b13cffcc3cec3fd2ce9>

[9] <http://www.theguardian.com/world/ng-interactive/2015/sep/17/south-china-sea-images-reveal-impact-on-coral-of-beijings-military-bases>

[10] <www.theguardian.com.environment/blog/live/2015/nov/30/paris-climate-summit-world-leaders-meet-for-opening-live?page=with:block-565c3e00e4b03bf401a0c090#block-565c3e00e4b03bf401a0c090

[11] <http://www.nytimes.com/interactive/2015/07/30/world/asia/what-china-has-been-building-in-the-south-china-sea.html?_r=0>

[12] Mỹ nói hoạt động của Trung Quốc làm gia tăng quan ngại trong khu vực <http://www.reuters.com/article/us-china-southchinasea-reef-usa-idUSKBN0N01YW20150410>

[13] Ý kiến chuyên gia: Trung Quốc tiếp tục thực hiện các hoạt động bồi đắp dù đã ra tuyên bố ngừng các hoạt động này <http://www.reuters.com/article/us-china-southchinasea-dredging-idUSKCN0RF2XQ20150916>

[14]<http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/t1337513.shtml>

[15]  Việt Nam mạnh mẽ bác bỏ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông <http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/viet-nam-manh-me-bac-bo-quan-diem-cua-trung-quoc-ve-bien-dong-20150508165441659.htm>

[16]  Việt Nam gửi công hàm về Biển Đông lên Liên Hợp quốc <http://m.vntinnhanh.vn/tin-24h/viet-nam-gui-cong-ham-ve-bien-dong-len-lien-hop-quoc-82444>

[17] Nhà Trắng: Tranh chấp Biển Đông sẽ không dính dáng đến “chèn ép” <http://www.reuters.com/article/us-usa-asean-china-idUSKCN0VI2AP>

RELATED ARTICLES

Tin mới