Giới phân tích chiến lược nhìn nhận, Trung Quốc có 3 ngả đường để vươn ra thế giới: Hướng về phía đông qua Thái Bình Dương bằng đường biển, vươn sang phía Tây qua Trung Á bằng đường bộ và cuối cùng hướng tây qua Ấn Độ Dương sau khi thoát xuống phía Nam bằng ngả Biển Đông.
Yêu sách “đường 9 đoạn”…
Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược vươn xa và duy trì sự hiện diện thường trực tại các vùng biển theo cái gọi là “đường 9 đoạn” (được sửa thành đường 10 đoạn trong bản đồ lãnh thổ khổ dọc mới phát hành gần đây”). Đó là nhận định của Zachary Abuza, giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Simmons, Boston (Mỹ), một chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á.
“Tôi đồ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục có các hành động hiếu chiến, tăng cường hiện diện tại bãi cạn Scarborough, tiếp tục duy trì hiện diện thực tế tại các vùng thuộc đường 9 đoạn. Tại vùng biển phía tây ở Biển Đông trên thềm lục địa của Việt Nam – nơi có ít các đảo và cấu trúc tự nhiên, không loại trừ sẽ có thêm nhiều giàn khoan khác của Trung Quốc”, ông Abuza chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục có các hoạt động cải tạo đất đá tại Trường Sa. Dẫn nhiều nguồn tin, chuyên gia về Đông Nam Á này cho biết Bắc Kinh đang thực hiện dự án xây dựng tại bãi Gạc Ma với quy mô 24 hecta, vi phạm các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), trong đó cấm việc xây dựng đảo nhân tạo để từ đó đòi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay vùng lãnh hải.
Động cơ chủ yếu thúc đẩy hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh xuất phát từ những yếu tố chính trị trong nước. Giáo sư Abuza phân tích: Mục tiêu xuyên suốt của Trung Quốc là phải duy trì đà tăng trưởng kinh tế 7 – 8% năm để tránh gây ra bất ổn xã hội. Năng lượng cùng với lương thực-thực phẩm là yếu tố quan trọng trong vấn đề này. Hơn nữa, chính sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan là yếu tố buộc đẩy Trung Quốc tới lối hành xử “hiếu chiến”.
… và tham vọng siêu cường đại dương
Tham vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc không chỉ bó hẹp trong phạm vi “đường 9 đoạn”. Willy Wo-Lap Lam, giáo sư tại Trung Tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Hong Kong chia sẻ: Mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh là muốn đạt tới cân bằng tiềm lực hải quân ở Thái Bình Dương.
Giới phân tích chiến lược nhìn nhận, Trung Quốc có 3 ngả đường để vươn ra thế giới: Hướng về phía đông qua Thái Bình Dương bằng đường biển, vươn sang phía Tây qua Trung Á bằng đường bộ và cuối cùng hướng tây qua Ấn Độ Dương sau khi thoát xuống phía Nam bằng ngả Biển Đông. Giáo sư Mary C. Carras thuộc Đại học Rutgers cho rằng, một khi kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ có lợi thế áp đặt ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương, thông qua các eo biển chiến lược Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia, vốn được xem là “yết hầu của Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.
Trung Quốc không ngần ngại tuyên bố tham vọng xây “hải quân biển xanh” (tức khả năng có thể vươn tới các vùng biển xa), thách thức vị thế độc tôn của Mỹ – nước duy nhất được cho là có sức mạnh hải quân trên khắp đại dương. Chi tiêu cho lực lượng hải quân Trung Quốc (PLAN) liên tục gia tăng trong nhiều năm. Trung bình, mỗi năm PLAN đưa vào biên chế mới 3 tàu ngầm, đưa tổng số tàu ngầm của nước này lên 51 chiếc, trong đó có 28 tàu ngầm hạt nhân. Bắc Kinh dự tính đến năm 2020, PLAN sẽ có 3 tàu sân bay, với hai chiếc đang được đóng mới.
Không chỉ vậy, PLAN còn tăng cường biên chế nhiều tàu tấn công nhanh trang bị tên lửa chống hạm. Theo chuyên gia phân tích Christian Le Miere thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London, Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 65-85 tàu này. Với “tham vọng biển xanh”, Trung Quốc quyết có được lực lượng hải quân mạnh đủ sức “đẩy đuổi” Mỹ khỏi các vùng biển “tuyên bố chủ quyền”, tạo ra “vùng đệm an toàn” trước các cuộc tấn công của đối phương.
Xem xét các động thái gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, Rory Medcalf – Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Chính sách Quốc tế có trụ sở tại Sydney (Australia) – nhìn nhận: Có hai luồng quan điểm về điểm dừng của Trung Quốc trong tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông. Một số cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành vi hiếu chiến, ỷ vào bành trướng kinh tế, quân sự.
Số khác thì nhìn nhận, Bắc Kinh phải biết tiết chế tham vọng, nếu không muốn mạo hiểm kích động một cuộc xung đột mà có thể lôi kéo cả Mỹ nhảy vào tham chiến. Hiện chưa thể khẳng định quan điểm nào là đúng, vì “câu chuyện mới chỉ bắt đầu”, ông Medcalf chia sẻ.