Cứ sau mỗi kỳ nghỉ Tết hay nghỉ lễ dài, khó khăn lắm người ta mới bắt nhịp lại công việc bình thường trước đó. Cái gọi là “hậu nghỉ lễ” đã trở thành “căn bệnh” khó chữa và đang dần ăn sâu vào tính cách của không ít người.
Đã quá quen với những ngày Tết rảnh rỗi, chỉ việc ăn, ngủ, đi chơi, rồi lại ăn, ngủ… chẳng thế mà những ngày sau Tết Bính Thân, dù nhiều lệnh cấm được đưa ra song người ta vẫn thấy các xe biển xanh xuất hiện dày đặc ở đền, chùa; công chức vẫn đi lễ như trẩy hội còn sinh viên, học sinh thì uể oải đến trường.
Chị Minh, 35 tuổi, kế toán của một công ty chuyên về cho thuê căn hộ trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) chia sẻ, mặc dù công ty đã bắt đầu đi làm lại từ ngày mồng 8 (tức thứ 2, ngày 15/2), nhưng đến tận hôm nay công sở cũng mới loe hoe vài người. Vài chị em thì kể nhau nghe về chơi Tết, chăm sóc nhan sắc sau Tết, còn các anh thì… lướt facebook.
“Do phải vào để làm bảng lương nửa tháng 2 còn lại cho nhân viên, nên tôi mới đi làm đúng vào ngày mồng 8, chứ nhiều anh chị em xin nghỉ thêm đến tuần sau mới vào làm”, chị Minh chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Lê Ngọc Tâm (Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết: “Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người khi vào làm việc lại thấy rất ngán, uể oải, chỉ muốn được nghỉ tiếp. Ngay cả bản thân mình cũng… ngán việc”. Không chỉ riêng gì Tâm, nhiều dân văn phòng khác đều thừa nhận mắc “hội chứng lười” vì dư âm của Tết.
Hầu hết các cơ quan đã bắt đầu làm việc từ mùng 8 Tết. Thế nhưng, cũng có nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp đã “khéo thu xếp làm bù” nên lịch nghỉ có khi tới gần nửa tháng. Vậy nên, có nhiều vị công chức, viên chức giờ chưa “hạ được cây nêu”. Năm nào cũng có tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, họ đủng đỉnh hoặc đi lễ này, hội nọ. Rủ rỉ hoặc công khai, tin nhắn hoặc email, Facebook, nhiều cán bộ công chức, viên chức những ngày đầu năm đang đánh cắp thời gian nhà nước để đi lễ chùa, nhậu nhẹt, đi chăm sóc sắc đẹp,…
Lý giải hiện tượng bất thường đang được “bình thường hóa” này, ông Giản Tư Trung, chuyên gia giáo dục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) cho rằng, do thời gian nghỉ kéo dài nên sau Tết, nhiều người rất dễ có thói quen lười biếng, chưa trở lại với nền nếp sinh hoạt như thường ngày. Nhiều công chức nhà nước đổ cho lý do đầu năm chưa có việc gì cụ thể. Sếp cũng còn bận đi chúc Tết, du xuân. Không có áp lực cho những đầu việc cụ thể, không có kế hoạch phải hoàn tất những sản phẩm cụ thể, vậy là dẫn đến việc các cán bộ công chức đến cơ quan cũng chỉ ngồi trà nước nhìn nhau. Đây đa phần đều là những người chẳng cần sau mỗi kỳ nghỉ mà ngay cả trong năm, họ cũng không có kế hoạch, mục tiêu gì cả. Khi con người không có ý chí phấn đấu, không có mục tiêu cuộc sống thì chuyện làng nhàng, đủng đỉnh trong công việc cũng là điều dễ hiểu.
Phải chăng kinh tế thị trường cùng với sự phát triển công nghệ, một mặt tạo điều kiện cho con người có cuộc sống, việc làm tốt hơn thì mặt khác lại dễ khiến người ta trở nên nhác việc hơn do nhiều cám dỗ xung quanh dẫn dụ. Đời sống kinh tế khá giả hơn, điều kiện phát triển tốt hơn thì con người lại dễ dàng bằng lòng với cuộc sống, “an phận thủ thường” với những gì đã có, không có chí tiến thủ.Từ điều này dẫn đến sự lười nhác, thiếu năng động… của một bộ phận lao động hiện nay.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng có những người đầy ắp kế hoạch, hoài bão, tìm thấy ý nghĩa trong công việc lại thường thấy mỗi kỳ nghỉ như nghỉ Tết vừa rồi là quá dài, mong sao qua đi nhanh để có thời gian sớm quay lại công việc. Điều này chính là nằm trong cách nghĩ của từng người. Cũng như với một học sinh, nếu đi học là “phải học” thì thì bình thường cũng đã uể oải chứ chưa nói là sau kỳ nghỉ Tết. Nhưng nếu mỗi ngày đến trường là một ngày vui, là “được học” thì ai cũng mong sao mau hết Tết để được quay lại trường.