Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ kể quá khứ xâm lược của Nhật Bản

TQ kể quá khứ xâm lược của Nhật Bản

Trung Quốc cho rằng nên thận trọng khi tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật Bản vì quá khứ quân phiệt của nước này.

Lấy Nhật làm gương

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ở Bắc Kinh hôm 17/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khuyến cáo Australia nên nhớ lại quá khứ quân phiệt của Nhật Bản và những bài học lịch sử nếu muốn thúc đẩy quan hệ quốc phòng gần gũi hơn với Tokyo.

Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng Canberra nên giúp Nhật Bản không đi chệch hướng khỏi hòa bình sau Thế chiến II.

Ông Vương Nghị nói: “Chúng tôi hy vọng rằng trong hợp tác quân sự với Nhật Bản, Australia sẽ cân nhắc bối cảnh lịch sử và xem xét cả tình cảm của người dân các nước châu Á vì đó là một phần của lịch sử.

Hy vọng Australia sẽ có những hành động cụ thể để hỗ trợ sự phát triển hòa bình cũng như những nỗ lực của Nhật Bản trong việc duy trì hiến pháp hòa bình của nước này”.

Đáp lại, bà Bishop cho biết Australia thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản trên cơ sở đánh giá lợi ích hiện tại, chứ không dựa vào quá khứ.

Ngoại trưởng Australia nêu rõ: “Nhiều năm nay, Australia tiếp tục thúc đẩy quan hệ với cả Đức và Nhật Bản”.

Giới phân tích nhận định những phát biểu của ông Vương Nghị cho thấy sự “khó chịu” của Bắc Kinh khi Australia và Nhật Bản tăng cường quan hệ chiến lược quốc phòng.

Đáng chú ý là việc Nhật Bản đang tìm cách giành hợp đồng chế tạo tàu ngầm cho hải quân Australia. Nhật Bản hiện đang cạnh tranh với Pháp và Đức trong dự án này.

Trước đó, hôm 16/2, bà Bishop đã tới thủ Tokyo của Nhật Bản. Tại đây, bà nói rằng Australia sẽ tìm kiếm mối quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Nhật Bản và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác ba bên Australia-Nhật-Mỹ.

Trung Quốc quan ngại về mối quan hệ “tay ba” ngày càng được tăng cường giữa Australia, Nhật Bản và Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương vì cho rằng mối quan hệ này đe dọa cái mà Bắc Kinh gọi là “những lợi ích chiến lược của Trung Quốc”.

Trung Quoc ke qua khu xam luoc cua Nhat Ban
Binh sĩ Trung Quốc duyệt binh nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng trong Thế chiến II

Bà Bishop đã nói với ông Vương Nghị rằng Australia đang tìm cách tăng cường quan hệ chiến lược với một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Australia hoan nghênh mong muốn của Trung Quốc đóng vai trò chiến lược hàng đầu trong khu vực sao cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này.

Bà Bishop thanh minh rằng Australia chọn lựa đối tác sản xuất tàu ngầm trên cơ sở công nghệ, năng lực và chi phí, chứ không phải là những cân nhắc chiến lược.

Trung Quốc sẽ gây bất ổn?

Giới lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên đề cập tới quá khứ quân phiệt của Nhật Bản trong quan hệ song phương. Đây cũng là cái cớ để Bắc Kinh biện minh cho việc tăng cường sức mạnh quân sự, cảnh báo các nước hợp tác quân sự với Tokyo và khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong nước…

Tuy nhiên, giới phân tích Nhật Bản cũng chỉ ra rằng Trung Quốc có thể trở thành nhân tố gây bất ổn trong khu vực, nhất là sau khi tái cơ cấu quân đội.

Chuyên gia người Nhật Tetsuro Kosaka viết trên tạp chí “Nikkei Asian Review” số ra mới đây rằng Trung Quốc đã bắt đầu một đợt cải cách toàn diện các lực lượng vũ trang với mục tiêu là xóa sạch những tàn dư của một lực lượng quân đội lạc hậu, đưa quân đội nước này trở thành một lực lượng quân đội hùng mạnh, hiện đại, có khả năng tác chiến nhanh.

Theo chuyên gia Nhật Bản, đợt tái cơ cấu lớn nhất trong lịch sử quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến khu vực châu Á bất ổn khi nhắm tới cả Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Nga, Ấn Độ và các nước láng giềng.

Trung Quốc khẳng định sẽ tiến hành cải tổ quân đội đến năm 2020, tập trung vào 3 ưu tiên, gồm: sáp nhập 7 quân khu thành 5 vùng tác chiến; lập các đơn vị mới có khả năng phối hợp giữa các quân chủng hải, lục, không quân tại các trung tâm đầu não của quân đội cũng như mỗi vùng tác chiến; củng cố các lực lượng tên lửa, vũ trụ và chiến tranh mạng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột quân sự ngày nay.

Trung Quoc ke qua khu xam luoc cua Nhat Ban
Máy bay J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Đợt cải cách quân đội mới nhất này của Trung Quốc nhằm tăng cường hiệu quả các chiến dịch chung của ba quân chủng hải-lục-không quân bằng việc lập ra một hệ thống chỉ huy tương tự để đảm bảo có một nền tảng quân đội đủ sức cạnh tranh với Mỹ trong tương lai.

Việc Trung Quốc tái cơ cấu quân đội không chỉ khiến Mỹ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á quan ngại mà cả Nga cũng dè chừng.

Nga liên tục cảnh giác trước nguy cơ Trung Quốc mở rộng. Hai nước có chung một đường biên giới dài, những di dân Trung Quốc có thể dễ dàng đi vào những tỉnh giáp biên thưa dân cư của Nga.

Theo nhận định của chuyên gia Nhật Bản, Vùng tác chiến Bắc Kinh (phía Bắc), có thể được thành lập sau khi sáp nhập hai quân khu Bắc Kinh và Thẩm Dương, nhiều khả năng là khu vực giải quyết các mối quan tâm của Trung Quốc đối với quân đội Nga.

Bộ Tư lệnh vùng tác chiến Thành Đô (phía Tây) sẽ phụ trách bảo vệ vũ trang, thiết bị như tên lửa đạn đạo xuyên liên lục địa có tầm bắn đến Mỹ, và các căn cứ quân sự bí mật mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sử dụng làm nơi ẩn nấp trong các tình huống khẩn cấp.

Bộ chỉ huy này cũng sẽ giám sát Ấn Độ, mà chuyên gia người Nhật bọi là kẻ thù tiềm năng khác của Trung Quốc.

Trung Quoc ke qua khu xam luoc cua Nhat Ban
Các loại tên lửa được Trung Quốc phô trương trong lễ duyệt binh hồi tháng 9/2015

Bắc Kinh cũng đổi tên Quân đoàn Pháo binh số 2, được thành lập vào thời điểm mà tên lửa vẫn được coi là vũ khí hỗ trợ pháo binh, thành Lực lượng tên lửa.

Ngoài ra, lực lượng hỗ trợ chiến lược cũng được thành lập bằng việc phối hợp các đơn vị thông tin điện tử (đơn vị phụ trách chiến tranh mạng) đã bị giải tán tại cả ba quân chủng, và các lực lượng chiến tranh không gian phụ trách các vụ tấn công vũ khí không gian của kẻ thù như các vệ tinh quân sự.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh khả năng triển khai tác chiến ở nước ngoài thông qua các đợt điều động binh sĩ tới châu Phi chống dịch Ebola.

Chuyên gia người Nhật cho rằng sau cải tổ, quân đội Trung Quốc được nhận định sẽ trở nên “dễ bảo” hơn và dễ dàng được Bắc Kinh sử dụng để đe dọa những nước xung quanh.

Chính vì vậy, bước đi của Trung Quốc còn đáng báo động hơn cả việc giới thiệu những mô hình vũ khí mới như máy bay tàng hình, tàu sân bay và tên lửa đạn đạo.

Dù chưa rõ kết quả cải cách ra sao, song những động thái của Trung Quốc sẽ tạo ra một nhân tố gây bất ổn tại khu vực châu Á.

RELATED ARTICLES

Tin mới