Gần đây, truyền thông Trung Quốc Đại Lục đã kiểm lại tình hình hoạt động của Thủ tướng đương nhiệm Trung Quốc là ông Lý Khắc Cường kể từ khi ông này nhậm chức vào tháng 3/2013 đến nay, theo đó cho rằng ông Lý từng nhiều lần nổi cơn thịnh nộ vì mệnh lệnh của mình không thể ra khỏi Trung Nam Hải.
Có thông tin chỉ ra, phe cánh của ông Giang Trạch dân hiện đã liên kết thành “Đảng Lão Hổ,” vì thế mà có nhiều hiện tượng khinh nhờn mệnh lệnh, đối đầu với ông Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định nhiều chính sách luôn bị một thế lực ngầm gây cản trở.
Khó trị quan chức nhờn lệnh, ông Lý Khắc Cường nhiều lần phẫn nộ
Ngày 17/2 vừa qua, mục “Chính sự” trên Weixin của báo Tân Kinh ở Trung Quốc Đại Lục đăng bài “Nguyên nhân ông Lý Khắc Cường nhiều lần phẫn nộ?”, theo đó bài viết chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là tình trạng quan chức “uể oải việc công.”
Vào ngày đầu tiên làm việc sau kỳ nghỉ Tết, ông Lý Khắc Cường khi chủ trì buổi họp công việc đầu năm của chính phủ đã thẳng thắn phê phán các cơ quan cấp dưới uể oải trong công việc. Ông Thủ tướng thẳng thắn: “Tôi đã nhiều lần phê bình một số cơ quan uể oải trong công việc. Tình trạng này không nên tiếp tục kéo dài!” Ông Lý còn cho rằng đây là một trong những lý do khiến vấn đề thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, vì các cơ quan phụ trách không quan tâm để ứng phó kịp thời.
Tại một buổi họp điều hành chính phủ vào ngày 30/5/2014, ông Lý Khắc Cường nói: “Cấp dưới không nghe lệnh, vậy thì giữ chức để ngồi hưởng thụ à?”
Trong một buổi họp khác vào năm 2013, ông Lý Khắc Cường nhắc đến sự kiện một cán bộ địa phương vì muốn lấy lòng một quan chức cấp Phó tỉnh, đã thường xuyên thanh toán các khoản phụ cấp sinh hoạt phí cho cha mẹ quan chức này. Ông phê phán: “Không lẽ một vị quan cấp cao như thế lại không có tiền phụng dưỡng cha mẹ mình?”
Ngày 6/5/2015, ông Lý nhắc đến sự cố “chứng minh mẹ bạn là mẹ của bạn” trong một buổi họp điều hành chính phủ gây chú ý. Ông nói: “Chuyện này có cần chứng minh? Đúng là trò cười! Người ta đi du lịch thư giãn mà cũng bị gây khó khăn như thế à?” Ông Lý Khắc Cường lên án đây là biểu hiện cố ý gây khó khăn cho người dân.
Ngoài ra còn nhiều lần khác ông Lý Khắc Cường nổi cơn thịnh nộ vì “chính sách không ra khỏi Trung Nam Hải.” Vào ngày 15/4/2015, trong buổi họp điều hành công việc thường ngày của chính phủ, ông Thủ tướng đã lên án tình trạng nhiều chính sách bị tắc lại trong văn phòng của các lãnh đạo thuộc cấp, không được triển khai thực hiện.
Ngày 10/4 năm ngoái, tại Hội nghị Kinh tế 3 tỉnh đông bắc, ông Lý Khắc Cường nói: “Tôi cảm thấy ‘lo lắng’ về tính chính xác trong số liệu của các đồng chí!”…
Vấn đề “chính lệnh không ra khỏi Trung Nam Hải”
Vấn đề “chính lệnh không ra khỏi Trung Nam Hải” đã có từ lâu, đặc biệt nghiêm trọng vào thời ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Do ông Giang Trạch Dân nghỉ hưu nhưng vẫn thường xuyên can thiệp vào chính sự, kiểm soát quyền lực thông qua những thân tín cũ nên đã gây ra tình trạng này.
Sau khi ông Tập Cận Bình nắm quyền đã cho thành lập nhiều tổ lãnh đạo như Ban Cải cách chuyên sâu, Ban Quốc an… và đích thân làm Trưởng ban, qua đó đẩy mạnh việc thanh trừng thế lực phái Giang và xây dựng hệ thống thân tín của riêng mình.
Ngày 28/9/2015, báo mạng Thời báo New York (bản tiếng Trung) có bài “Tập đoàn nòng cốt của ông Tập Cận Bình”, theo đó phân tích về những thành viên thân tín nhất của ông Tập, bài viết chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình đã học được bài học quan trọng trước khi tiếp quản quyền lực từ ông Hồ Cẩm Đào: ông Giang Trạch Dân thao túng quyền hành, khống chế ông Hồ Cẩm Đào.
Có thể thấy, kế hoạch chống tham nhũng của ông Tập có liên quan đến việc “khai thông chính lệnh.” Vào ngày 31/10 năm ngoái, Ban Kỷ luật Trung ương đã tấn công vào 14 đơn vị của Bộ Giáo dục. Thời báo Tân Hoa (Jinghua.cn) bình luận, phải chăng lần kiểm tra này có sự “thống nhất cao độ của Trung ương,” bảo đảm khai thông chính lệnh, thống nhất quyền lực…
Nhưng có phân tích cho rằng, ván cờ ở Trung Nam Hải vẫn đang rất căng thẳng.
Tạp chí Tranh Minh ở Hồng Kông số tháng 2/2016 đưa tin, vào ngày 8/1 năm nay, ông Tập Cận Bình đã gửi thư tới những lãnh đạo cấp cao đã về hưu, trong thư nhắc đến thế lực tiêu cực gây cản trở công việc, được cho là ám chỉ một nhân vật to thuộc thế hệ trước. Ông Tập kể rõ, trong thời gian 3 năm cầm quyền của mình “thường xuyên bị cản trở vì thế lực do người này đứng sau.”
Tạp chí Tiền Tiêu ở Hồng Kông số mới nhất gần đây đã có bình luận cho rằng, thế lực cản trở kế hoạch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình hiện nay đã hình thành “Đảng Lão Hổ” do ông Giang Trạch Dân cầm đầu, dù thế lực này không chống đối công khai, nhưng không ngừng âm thầm gây trở ngại. Bài viết nhận định, không ai dại lại đi phản đối công khai việc chống tham nhũng, vì thế tham quan trong “Đảng Lão Hổ” dùng hai kiểu chiến thuật: một là “không làm,” hai là “làm không bình thường.” “Không làm” tức là “uể oải việc công”: trước đây làm việc có thu phí, hiện nay không cho thu phí thì không làm việc…
Gần đây liên tục xảy ra những thảm họa về kinh tế, đặc biệt là thảm họa thị trường chứng khoán, có phân tích cho rằng, tất cả những sự cố này là do “Đảng Lão Hổ” gây ra.