Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm Chủ nhật (21/2) cho biết Mỹ đã từ chối yêu cầu đàm phán hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên từ phía Bắc Triều Tiên bởi vì Bình Nhưỡng không có ý định giải giáp vũ khí hạt nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ra thông báo này trong phản ứng đáp lại một bài viết trên tờ Nhật báo Phố Wall trong đó tiết lộ Nhà Trắng đã bí mật đồng ý đàm phán hòa bình với Bình Nhưỡng ngay trước khi chính quyền Kim Jong-un loan báo thử thành công bom kinh khí hôm 6/1.
Ông Kirby nhấn mạnh Bắc Triều Tiên là nước khởi xướng đề xuất đàm phán hòa bình.
“Chúng tôi đã cân nhắc đề xuất của họ một cách kỹ càng và nói rõ quan điểm rằng phi hạt nhân hóa phải nằm trong nội dung của bất kỳ một thảo luận nào. Bắc Hàn đã từ chối đòi hỏi của chúng tôi,” ông Kirby nói. Ông cho rằng yêu cầu của Washington nhất quán với trọng tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà Mỹ theo đuổi từ lâu.
Cuộc chiến hai miền Triều Tiên tạm ngừng năm 1953 nhưng không đạt một hòa ước ngừng chiến, tức là hai bên, theo lý thuyết, vẫn trong tình trạng chiến tranh. Mỹ luôn đưa ra cam kết bảo vệ đồng minh phía nam của mình bằng 28.500 lính đóng ở Hàn Quốc cùng các cuộc tập trận hằng năm.
Bắc Triều Tiên, quốc gia có tới hơn 1 triệu lính trong khi thường dân thì kiệt quệ để nuôi bộ máy quan liêu và quân đội khổng lồ, đã nhiều lần tìm các đạt một hiệp ước hòa bình với Mỹ và Hàn Quốc.
Bắc Hàn dựa vào các vụ thử hạt nhân và để gây sức ép đòi Mỹ ngừng hoạt động quân sự ở Hàn quốc. Hôm 16/1, sau vụ thử bom hạt nhân, Bình Nhưỡng đòi Mỹ chấm dứt hoạt động tập trận với Hàn Quốc để đổi lấy việc nước này ngừng thử bom.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói rằng Bình Nhưỡng phải chứng minh bằng hành động rằng chính quyền này nghiêm túc về việc phi hạt nhân hóa trước khi bất cứ cuộc đối thoại nào có thể diễn ra.
Sau đó, sang tháng 2/2016, Bình Nhưỡng lại tiếp tục cho phóng tên lửa tầm xa khiến nước láng giềng phía nam chỉ trích và cho đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong, biểu tượng hợp tác kinh tế duy nhất giữa hai miền.