Mỹ vẫn khá nhũn nhặn trước một Trung Quốc ngày càng ngang ngược và không có dấu hiệu lùi bước, bất chấp dư luận quốc tế đang “sôi sùng sục” trước các thông tin nước này đang gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang lắp đặt các trạm radar tại bãi Đá Châu Viên. Ảnh: CSIS
Dồn dập thông tin Trung Quốc “quân sự hóa” Biển Đông
Dư luận quốc tế vẫn tiếp tục “nóng” lên trước những thông tin về các động thái quân sự hóa của Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông, sau khi thông tin Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất – đối – không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) được Mỹ, Đài Loan xác nhận và Bắc Kinh cũng chính thức thừa nhận.
Theo một phúc trình của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra hôm 23/2, các ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang lắp đặt một hệ thống radar tần số cao ở quần đảo Trường Sa.
Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS cho hay, các bức ảnh cho thấy việc xây dựng các trạm radar tại bãi Đá Châu Viên dường như đã gần hoàn tất và đảo nhân tạo này có diện tích khoảng 21 hecta.
Phúc trình cho biết 2 cột radar cơ động được dựng ở phía bắc của thực thể này, và một số cột 20 mét đã được dựng trên một phần đất lớn ở phía nam.
Phúc trình nói thêm: “Đây có thể là một cụm radar tần số cao, có thể tăng đáng kể năng lực của Trung Quốc theo dõi việc đi lại trên biển và trên không ở phía nam Biển Đông”.
Ngoài ra, theo nhận định của CSIS, hình ảnh về các bãi đá nhỏ quanh đó, cũng đã được Trung Quốc biến thành các đảo nhân tạo, như Ga Ven, Tư Nghĩa và Gạc Ma, cho thấy có thể có các cột radar, ụ súng, lô cốt, bãi đáp trực thăng và cầu cảng. Tuy việc triển khai HQ-9 tuy đáng chú ý song không làm thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông, nhưng các đơn vị radar mới đang được triển khai ở Trường Sa có thể làm thay đổi đáng kể cuộc diện của những hoạt động tác chiến.
Tiếp đó, Đài Fox News ngày 23/2 dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).
Một trong hai quan chức Mỹ tiết lộ số máy bay chiến đấu được Trung Quốc triển khai không quá 10 chiếc nhưng không rõ con số cụ thể. Quan chức còn lại cho biết hoạt động này “diễn ra thường xuyên”.
Trong vài ngày qua, tình báo Mỹ phát hiện Trung Quốc điều các máy bay Shenyang J-11 và Xian JH-7 tới đảo Phú Lâm, cũng là nơi hai khẩu đội gồm 8 bệ phóng tên lửa HQ-9 được Bắc Kinh tập kết ở đây hồi tuần trước.
Trước đó, hồi tháng 11 năm ngoái, truyền thông Trung Quốc công bố hình ảnh cho thấy máy bay chiến đấu J-11 được nước này triển khai cũng tại hòn đảo này. Tuy nhiên, lần triển khai hiện nay là lần đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh cho máy bay thương mại hạ cánh tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) vào tháng 1 vừa qua.
Mỹ “lép vế”?
Người ta vốn tưởng Washington sẽ có cuộc nói chuyện “nghiêm khắc” với Bắc Kinh như lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố với truyền thông sau vụ Trung Quốc triển khai tên lửa ở Hoàng Sa và chuyến thăm Washington của ông Vương Nghị sẽ là cơ hội để thực hiện việc đó.
Tuy nhiên, trước ngày ông Vương Nghị lên đường sang thăm Washington, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tỏ thái độ cứng rắn, mang tính “chặn họng” Mỹ khi tuyên bố: Việc Trung Quốc triển khai quân sự ở Biển Đông không có khác gì việc Mỹ triển khai quân sự ở Hawaii, đồng thời cảnh báo Washington không nên sử dụng vấn đề những cơ sở quân sự trên các đảo như một “cái cớ để kiếm chuyện” với Bắc Kinh.
“Mỹ không dính dáng vào tranh chấp Biển Đông, và điều này không phải và không nên trở thành một vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết một cuộc họp báo hằng ngày.
Bà Hoa nói Trung Quốc hy vọng Mỹ giữ lời hứa của mình không đứng về phía nào trong tranh chấp và ngưng “thổi phồng” vấn đề và những căng thẳng, đặc biệt là về những vị trí quân sự, mà bà gọi là “hạn chế” của Trung Quốc ở đó.
“Việc Trung Quốc triển khai những cơ sở phòng thủ hạn chế, cần thiết trên lãnh thổ của mình cơ bản không khác gì việc Hoa Kỳ phòng vệ Hawaii,” bà Hoa nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng quy kết rằng việc tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ thường xuyên thực hiện những cuộc tuần tra áp sát và giám sát trong những năm gần đây mới chính là điều làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Sau khi đặt chân đến Washington và có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại tiếp tục phát đi những thông điệp cho thấy lập trường ngoan cố, ngang ngược của Bắc Kinh về Biển Đông.
Theo tờ China Daily, trong cuộc họp báo chung với ông Kerry sau cuộc hội đàm song phương kéo dài hàng giờ đồng hồ, hôm 23/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhắc lại lập trường của Trung Quốc về Biển Đông và cho biết, ông và ông Kerry đã đồng ý đối thoại hơn nữa trên Biển Đông để làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, để ngăn chặn bất kỳ tính toán sai lầm nào.
Ông Vương vẫn trơ tráo “nhận vơ” rằng, “các đảo ở Biển Đông đã là “lãnh thổ” của Trung Quốc từ thời cổ đại và Trung Quốc có quyền bảo vệ “chủ quyền lãnh thổ” của mình.
Trong khi ông Kerry bày tỏ mối quan ngại về việc quân sự hóa ở Biển Đông thì ông Vương lại “lấp liếm” rằng, Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN đều đã cam kết phi quân sự, do đó, phi quân sự không phải là trách nhiệm của một bên mà là “cái gì đó mà chúng ta cùng chia sẻ”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng “bóng gió” cảnh báo rằng: Bắc Kinh không hi vọng sẽ nhìn thấy bất kỳ tàu khu trục tên lửa dẫn đường, máy bay ném bom chiến lược hay trinh sát quân sự ở Biển Đông.
Ông Vương khăng khăng khẳng định tình hình Biển Đông tổng thể là ổn định và không có vấn đề gì với tự do hàng hải ở vùng biển này, đồng thời “nhắc nhở” rằng: Lợi ích chung của Mỹ và Trung Quốc vẫn lớn hơn so với những bất đồng giữa đôi bên.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry tại cuộc họp báo chung ở Washington hôm 23/2/2016 |
Có thể thấy, trong khi Trung Quốc “dằn mặt” tới nơi tới chốn với Mỹ, thì thái độ của Washington vẫn khá dè dặt.
Hôm 23/2, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã bác bỏ ý kiến của Trung Quốc cho rằng những gì mà Bắc Kinh làm ở Biển Đông cũng giống như Washington làm ở Hawaii.
Ông Earnest nói: “Không nước nào khác có yêu sách chủ quyền đối với Hawaii, nhưng khi nói tới các thực thể đất đai ở Biển Đông, nhiều quốc gia đã đưa ra những yêu sách chủ quyền chống lấn nhau đối với các thực thể đó.”
Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc cho biết Washington hy vọng căng thẳng ở Biển Đông sẽ giảm bớt nếu các bên tranh chấp đưa ra những cam kết giống như cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở California hồi tuần trước.
Ông Earnest nói “Tại cuộc họp thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo ASEAN đã cam kết không gia tăng sự hiện diện quân sự tại những thực thể đất đai đang có tranh chấp ở Biển Đông.”
Trong khi đó, nhiều tờ báo lớn ở Mỹ đã lên tiếng hối thúc chính phủ có thái độ mạnh mẽ hơn để thách thức mưu toan của Trung Quốc nhằm quân sự hoá Biển Đông.
Tờ Washington Post hôm 23/2 bình luận rằng việc Trung Quốc bố trí tên lửa đất – đối – không ở quần đảo Hoàng Sa đe dọa nghiêm trọng tới mục tiêu chính sách cốt lõi của Mỹ trong khu vực là quyền tự do hàng hải, và diễn tiến này cho thấy Trung Quốc đang đe dọa giải quyết tranh chấp một cách đơn phương, chứ không phải thông qua đàm phán như Mỹ đã nhiều lần thúc giục.
Trước đó, tờ Wall Street Journal cũng hối thúc chính phủ Mỹ mạnh mẽ ứng phó với điều mà họ cho là Bắc Kinh tìm cách ép buộc các nước láng giềng chấp nhận vị thế bá chủ của Trung Quốc ở Biển Đông, nhằm thể hiện “giấc mơ Trung Hoa”, làm chủ châu Á của ông Tập Cận Bình.