Wednesday, January 22, 2025
Trang chủThâm cung bí sửNhững xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc...

Những xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông (Kỳ 1)

Trước sự quan tâm của thế giới và các nước trong khu vực, Luật sư Brice M.Claget thuộc Văn phòng Luật sư Covington & Burling của Mỹ đã đưa ra tài liệu nghiên cứu phân tích về mặt pháp lý liên quan đến khu vực này đăng trên tạp chí Dầu mỏ và khí đốt của Anh (các số 10 và 11 năm 1995). Bằng phương pháp phân tích khách quan thực tiễn quốc tế và thông qua việc vận dụng các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế hiện nay, bao gồm cả Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, của Tòa án quốc tế, ông đã chứng minh rõ ràng “yêu sách của Trung Quốc… là bất hợp lý”, đối lập sâu sắc với những nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế điểu chỉnh quyền đối với thềm lục địa và hoạch định ranh giới biển và “sẽ bị bất kỳ một tòa án nào bác bỏ khi áp dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển hay luật tập quán quốc tế”

Năm 1996, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã xuất bản cuốn: Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong biển Đông của Luật sư Brice M.Claget, để có thêm căn cứ hiểu rõ quan điểm lập trường đúng đắn phù hợp với luật pháp của nước ta trong việc xác định phạm vi chủ quyền các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, giải quyết các tranh chấp trên biển trong tình hình hiện nay thông qua đàm phán hòa bình.


\

I – VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ LỊCH SỬ CÁC YÊU SÁCH Ở BIỂN ĐÔNG

  1. 1.Mô tả vị trí địa lý của Biển Đông và quần đảo Trường Sa

Biển Đông là một biển nửa kín và là một trong những bồn chiến lược quan trọng bậc nhất trên thế giới. vùng biển này trải rộng từ khoảng vĩ tuyến 30 Nam tới vĩ tuyến 230 Bắc và do các nước (và vùng lãnh thổ). Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) bao quanh. Với bề mặt rộng 1.148.500 hải lý vuông, Biển Đông là một biển lớn nhất trên thế giới. Chiều rộng của biển, tính từ Việt Nam ngang qua quần đảo Trường Sa đến đảo Balabac nằm trong vùng biển Philippines, vào khoảng 600.000 hải lý. Vùng biển này đáp ứng các tuyến hàng hải quan trọng cho các đội tàu thương mại và đánh cá của Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Hơn 70% lượng dầu khí nhập khẩu của Nhật từ Trung Đông, Brunei, Indonesia và Malaysia đi ngang qua vùng biển này. Biển này còn có nhièu tài nguyên hải sản có giá trị. Từ năm 1969, một vài công trình nghiên cứu dự đoán đáy biển ở đây có thể có những mỏ dầu khí to lớn.

Phần lớn Biển Đông nằm trên một thềm nông và bị nhiều cồn, bãi đá, đảo nhỏ và các bãi cát nằm dưới hay nổi trên mặt nước chia cắt. Mặc dù nhiều khu vực biển nằm trên một đồng bằng sâu thẳm (trải rộng ra tới độ sâu trên 5.000m ở máng sâu Palawan nằm phía ngoài bờ biển Philippines), còn lại hầu hết một nửa vùng biển có độ sâu dưới 200m.

Quần đảo Trường Sa nằm ở phía Đông Nam của vùng biển này, điểm gần nhất cách lục địa Trung Quốc hơn 600 hải lý, trong khi chỉ cách Việt Nam 200 hải lý. Trên nhiều hải đồ, quần đảo Trường Sa được đánh dấu bằng các tên “Khu vực nguy hiểm” hay “Cụm đảo nguy hiểm”, vì có vô số mối nguy hiểm đối với tàu thuyền, nằm ngầm dưới mặt nước. Trong số đó, nhiều đá ngầm đâm thẳng từ bồn “Nam Trung Hoa” lên và thường đột ngột tụt xuống tới độ sâu 1.000m, đôi khi tới 3.000m. Rất khó đánh giá số lượng các đảo nhỏ và thành hệ tạo nên quần đảo Trường Sa.Van Dyke và Bennet ước tính có “33 đảo, bãi và đá hoàn toàn nổi trên mặt nước” trong quần đảo Trường Sa. Symmons mô tả nhóm đảo Trường Sa như “một chuỗi trải rộng gồm 200 đá san hô, rạn san hô, cồn cát và bãi ngầm”. Giáo sư Prescott xác định có 26 đảo và 7 đá “được biết đến”, nhưng trên thực tế một vài địa điểm mà Prescott đặt tên không phải là các bãi lúc nào cũng nổi trên mặt nước và sẽ được phân tích chi tiết ở phần sau. Trong năm 1992, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã xác định có 191 địa điểm có tên riêng trong quần đảo Trường Sa, không nêu rõ chúng có hoàn toàn nổi trên mặt nước hay không. Theo ý kiến tư vấn của người lập bản đồ (Giáo sư Joseph Widel ở trường Đại học Maryland và Cơ quan Đồ bản Maryland đã độc lập nghiên cứu) và căn cứ vào những bản đồ chi tiết DAM khác nhau, đã xác định tổng số có 26 bãi hoàn toàn nổi trên mặt nước trong quần đảo Trường Sa. Theo Michael Bennet và cả Dieter Heinzig, chỉ có 20 bãi.

Những nhà bình luận không chính thức mô tả quần đảo Trường Sa như một khu vực mà bản thân nó không có khả năng duy trì cuộc sống con người hay đời sống kinh tế riêng. Ví dụ, cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Philippines giải thích rằng “quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp hoàn toàn là đá san hô và nó chỉ có các cây tràm, cây bụi và thực vật cằn cỗi mọc thưa thớt. Khu vực này hoàn toàn không thể đáp ứng cho con người đến ở”. Van Dyke và Bennet, gộp chung cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phát biểu rằng: “hầu như chúng không có môi trường sống cho con người và không thể bảo đảm cho một đời sống kinh tế riêng”. Đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa là đảo Ba Bình (hiện nay do Đài Loan chiếm giữ) có diện tích nhỏ hơn 0,4 hải lý vuông. Một học giả Trung Quốc kết luận rằng những đảo nhỏ này “rõ ràng là quá nhỏ bé để cho phép sử dụng lâu dài”. Đứng sau đảo này là đảo cũng mang ten Trường Sa chỉ rộng 0,15 hải lý vuông. Toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa, phần hoàn toàn nổi trên mặt nước, có diện tích nhỏ hơn 5km2. Daniel Dzurek, cố vấn của Công ty Crestone, gọi các đảo nhỏ này là “li ti” và “hầu như không có giá trị về kinh tế”.

  1. 2.Tóm tắt các yêu sách của các nước trong Biển Đông

Từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các yêu sách đối với các khu vực trong Biển Đông do 6 nước đưa ra, bao gồm:

Trung Quốc, Việt Nam, Phi, Malaysia, Brunei và Indonesia. Các ranh giới biển do Philippines, Malaysia và Indonesia đòi hỏi đã được biết đến và được coi là ổn định.

Yêu sách của Trung Quốc đặc biệt khái quát. Mặc dù chưa bao giờ Trung Quốc công bố rõ các tọa độ ranh giới yêu sách của họ ở Biển Đông, một bản đồ độ sâu với tỷ lệ 1:3.000.000 do Viện Biển Nam Trung Hoa, Bắc Kinh, phát hành năm 1984 (phần sau gọi là “bản đồ của Viện Nam Hải”), có thể hiện chín đoạn đứt quãng, dường như là khởi đầu cho cái mà ngày nay Trung Quốc coi là thể hiện yêu sách của họ đối với Biển Đông. Một khi xem xét riêng các đoạn đứt quãng này thì dễ có nhiều cách hiểu khác nhau, nếu chúng được coi là biên giới biển, thì chúng cho thấy Trung Quốc yêu sách toàn bộ Biển Đông, trừ một dải hẹp (với bề rộng thay đổi từ 12 đến 80 hải lý) nhường lại cho các nước khác bao quanh vùng biển này. “Biên giới” yêu sách đó gần như bám theo đường đẳng sâu 200m cho dù nó thường xuyên đi chệch khỏi đường này. Các đường nối liền các đoạn đứt quãng này trên các bản đồ của Trung Quốc thường xuyên được thể hiện trong các tài liệu, và nhìn chung, ngày nay được hiểu như để phân định khu vực biển mà Trung Quốc yêu sách (theo nghĩa chưa được xác định rõ ràng), dẫu cho nó có nguồn gốc rất gần đây.

Để hiểu được các yêu sách đối nghịch và cuộc xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc, việc tóm tắt lịch sử gần đây của cuộc tranh chấp là một vấn đề cần thiết.

  1. 3.Cơ sở về chủ quyền và những cuộc tranh chấp ranh giới biển giữa Việt Nam và Trung Quốc

Trước năm 1969

Cả Trung Quốc và Việt Nam đều yêu sách về chủ quyền lịch sử lâu đời đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc quả quyết rằng, quần đảo Trường Sa đã là một bộ phận lãnh thổ của họ ngay từ đầu thời Tam Quốc (220-265 sau CN). Chính phủ Trung Quốc nhắc đi nhắc lại rằng, họ đã kiểm soát và phát triển buôn bán ở các đảo nhỏ này trong vòng một nghìn năm sau đó. Các nhà khảo cổ Trung Quốc cho biết đã tìm thấy các đồ vật cổ ở quần đảo Hoàng Sa, bao gồm đồ gốm, dụng cụ, dao nồi nấu ăn và các di tích nhà ở, và rằng những cái đó là bằng chứng về sự chiếm hữu từ lâu đời của người Trung Quốc. Thật mỉa mai, yêu sách của Trung Quốc đòi chiếm hữu quần đảo Trường Sa trong gần 20 thế kỷ qua lại hoàn toàn dựa vào sự bành trướng do đế chế Trung Nguyên tiến hành, đã từng xâm lược và kiểm soát cái gọi là lãnh thổ Việt Nam ngày nay (trước đây gọi là An Nam). Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, đưa ra yêu sách chiếm hữu quần đảo Trường Sa từ lâu đời trên cơ sở thu thập các tài liệu và các bản đồ lịch sử. Cả hai nước đều tham gia vào cuộc tranh luận về ý nghĩa và tầm quan trọng của các bản đồ và các văn kiện cổ, nhằm tạo cơ sở cho các yêu sách của mỗi bên.

Cuộc tranh cãi hiện nay về các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được khởi đầu bằng sự chiếm đóng của Pháp ở Đông Dương trong thế kỷ XIX và việc Chính phủ Anh mở rộng yêu sách ra quần đảo Trường Sa. Vào cuối thế kỷ XIX, Pháp và Anh đã trao đổi công hàm về quyền đối với các đảo nhỏ này. Pháp vừa đòi quyền vừa thực hiện sự kiểm soát của mình đối với quần đảo Trường Sa trong những năm 1930, và dường như không có bất kỳ một sự phản đối nào từ phía Trung Quốc – là quốc gia cho đến thời điểm đó không đưa ra bất kỳ một yêu sách nào của mình. Trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ hai, người Nhật đã chiếm đóng vài đảo trong quần đảo Trường Sa để làm các cứ điểm quân sự. Vào cuối cuộc chiến tranh, Nhật đã từ bỏ yêu sách của họ đối với các đảo nhỏ này. Từ thời điểm đó, tất cả các nước Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Malaysia và Việt Nam đã đưa ra các yêu sách đối với các đảo nhỏ này. Mặc dù giá trị của các yêu sách của các bên liên quan không giống nhau, vấn đề này vẫn chưa được coi là mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ quốc gia nào.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới