Mặc dù Tân Hoa xã không trả lời đề nghị bình luận của hãng AP, nhưng việc ông Dương Kế Thằng, 76 tuổi, nhà báo từng công tác tại Tân Hoa xã, và là tác giả cuốn “Mộ bia” dày 1.200 trang, vừa bị cấm đi Mỹ để nhận giải thưởng Nieman Fellows của Đại học Harvard, càng khiến dư luận quan tâm hơn tới những thông tin nói rằng, Thủ tướng Chu Ân Lai là người đã hủy số liệu người chết đói trong thời kỳ “Đại nhảy vọt” diễn ra trong 3 năm (1958-1961), đồng thời ủng hộ nhiệt tình Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động “Cách mạng Văn hóa” diễn ra khoảng 10 năm (1966-1976).
Thậm chí tờ Le Monde, số ra ngày 3 và 4/1/2016 còn có bài đề cập tới chuyện, Thủ tướng Chu Ân Lai có phải là người đồng tính?
Điều đáng nói là những thông tin kể trên diễn ra đúng thời điểm Trung Quốc kỷ niệm 40 năm ngày mất của Thủ tướng Chu Ân Lai (8/1/1976-8/1/2016), sẽ có những tổng kết nhân kết thúc 40 năm ngày bắt giữ “bè lũ 4 tên” (6/10/1976-6/10/2016), và 50 năm phát động “Cách mạng Văn hóa” (1966-2016).
Nhân dịp này, PetroTimes mời độc giả tham khảo một số tư liệu từng được giới truyền thông đăng tải.
Kỳ I: Những con số biết nói
Trong bài viết trên trang mạng Bowen với tiêu đề “Tội ác ít người biết của ông Chu Ân Lai” hồi tháng 11/2013, blogger Chung Sơn Tiều Phu từng thẳng thắn nói rằng, nạn đói trong thời kỳ “Đại nhảy vọt” là một trong những sự kiện nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng Thủ tướng Chu Ân Lai lại không để lại một chữ nào cho hậu thế. Cuối bài viết trên Bowen, tác giả cho rằng, ông Chu Ân Lai đã phạm tội ác tày trời và nếu có xử thì cả vạn lần tử hình cũng khó xua tan nỗi hận của hơn 500 triệu nông dân Trung Quốc từng phải sống trong thời kỳ “Đại nhảy vọt”.
Bởi tác giả đã dẫn lại bài báo với tựa đề “10 năm vĩ đại” của ông Chu Ân Lai viết trên tờ Nhân dân nhật báo số ra ngày 6/10/1959. Trong đó, ông Chu Ân Lai đã “bốc thơm” những thành tựu kinh tế mà Trung Quốc đạt được, thậm chí còn coi 1958 là năm “Đại nhảy vọt” về sản xuất công nông nghiệp – tổng sản lượng công nông nghiệp tăng 66% so với năm 1957…
Nhưng chỉ sau 2 tháng bài báo “10 năm vĩ đại” tới tay bạn đọc, cũng là thời điểm đỉnh cao của nạn đói. Blogger Chung Sơn Tiều Phu cho rằng, rõ ràng ông Chu Ân Lai hiểu rất rõ đời sống khi đó của người dân, trong đó có hàng chục triệu nông dân đang hàng ngày phải vật lộn để sinh tồn, nhưng Thủ tướng vẫn viết bài nói về vụ mùa bội thu. Tới ngày 26/1/1960, sau khi hơn chục triệu nông dân bị chết đói, Chính phủ lại tuyên bố: Năm 1958 và năm 1959, tình hình lương thực được mùa bội thu, thực trạng vô cùng khả quan. Theo những tư liệu được công bố, từ năm 1960, mặc dù có vô số người chết đói ở khắp nơi, nhưng ông Chu Ân Lai vẫn quyết định lấy lương thực để đổi lấy vàng.
Còn theo bài viết “Đại đói khổ” trong cuốn “Lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” của Nhà xuất bản Hồng Kỳ, xuất bản tháng 2/1994, số nhân khẩu sinh ra giảm bất thường trong khoảng thời gian từ 1958 đến 1961 là 40 triệu người. Và nguyên nhân của việc giảm 40 triệu người này có thể đến từ hệ quả của nạn đói lớn nhất thế giới trong thế kỷ XX.
An táng Chu Ân Lai |
Bài viết của blogger Chung Sơn Tiều Phu chỉ cung cấp cho độc giả một lượng thông tin khiêm tốn. Bởi theo cuốn “Mộ bia” dày 1.200 trang của nhà báo Dương Kế Thằng, tác giả đã đề cập chi tiết về thực trạng của nạn đói trong thập niên 60 của thế kỷ trước ở Trung Quốc, và dự kiến đã có 36 triệu người chết đói trong thời kỳ “Đại nhảy vọt”. Và nguyên nhân của nạn đói trong 3 năm (1958-1961) hoàn toàn là do con người gây ra.
Có lẽ nhận thấy giá trị chân thật của cuốn “Mộ bia” xuất bản năm 2008 tại Hongkong nên cuối năm 2015, ban tổ chức giải thưởng Nieman Fellows của Đại học Harvard đã quyết định trao giải thưởng danh giá này cho nhà báo Dương Kế Thằng. Nhưng cuốn “Mộ bia” của nhà báo Dương Kế Thằng bị cấm lưu hành ở Trung Quốc. Và đó là nguyên nhân khiến tác giả cuốn “Mộ bia” bị cấm tới Mỹ nhận giải thưởng Nieman Fellows của Đại học Harvard.
Giới truyền thông cho biết, trong tháng 11/2015, nhà báo Dương Kế Thằng từng tới Thụy Điển nhận giải Stieg Larsson. Nhưng sau khi chính quyền biết về quyết định của Đại học Harvard – trao giải thưởng Nieman Fellows cho cuốn “Mộ bia”, nhà báo Dương Kế Thằng đã bị cấm xuất cảnh.
Bìa cuốn Mộ bia và tác giả Dương Kế Thằng |
Tuy nhiên, thông qua cuốn “Mộ bia”, độc giả thấy được hậu quả của “Đại nhảy vọt” – một chủ trương do Chủ tịch Mao Trạch Đông đưa ra, khiến hàng chục triệu người chết đói, nhưng vẫn được Thủ tướng Chu Ân Lai ca ngợi trong bài “10 năm vĩ đại”, đăng trên tờ Nhân dân nhật báo số ra ngày 6/10/1959.
Theo giới truyền thông, hiện nay học sinh Trung Quốc chỉ được biết tới “Đại nhảy vọt” thông qua bài học về “3 năm khó khăn”, không hề được nói tới nạn đói, dẫn tới cái chết của hàng chục triệu người. Sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc không cho biết có bao nhiêu người chết đói, cũng không giải thích nguyên nhân tại sao lại có thảm cảnh này.