Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc chiến với tiền bẩn, tiền tham nhũng bắt đầu nóng

Cuộc chiến với tiền bẩn, tiền tham nhũng bắt đầu nóng

Để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn, một số ngân hàng tại Thụy Sỹ phát hành thẻ ghi nợ trả trước khó lần theo dấu vết. Ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Thụy Sỹ là BSI SA ở Lugano yêu cầu khách hàng cần tiền mặt gửi email mã hóa với các cụm từ như “bình xăng vẫn đang trống rỗng”.




 

Bóc trần màn rửa tiền và trốn thuế của ngân hàng HSBC

Theo Boston Consulting Group, nghiệp vụ ngân hàng của Thụy Sỹ giúp họ giữ được vị trí trung tâm của cải nước ngoài lớn nhất với 2,4 nghìn tỉ USD năm 2014. Kho của cải an toàn nhất thế giới đã bộc lộ những lỗ thủng lớn sau khi HSBC – một ngân hàng có trụ sở tại London và có văn phòng tại 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên 6 lục địa, bị phanh phui giúp khách hàng trốn thuế.

Năm 2008, Hervé Falciani, cựu nhân viên của chi nhánh Ngân hàng HSBC tại Thụy Sỹ đã tiết lộ thông tin liên quan đến trốn thuế của các chủ tài khoản, số tiền lên đến 100 tỉ USD. Lúc đầu, ngân hàng này khăng khăng rằng, Hiệp hội Các nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ) đã phá hủy dữ liệu. Nhưng sau đó, phóng viên của ICIJ đã lột bỏ lớp vỏ bí mật của các tài khoản ngân hàng dành cho bọn tội phạm buôn người, người trốn thuế, các chính trị gia và người nổi tiếng. Báo cáo của ICIJ và một nhóm các tổ chức truyền thông từ 45 quốc gia đi sâu vào những góc tối của HSBC còn hơn cả cuộc điều tra năm 2012 của Thượng viện Mỹ, cho thấy các ngân hàng đã kiểm soát lỏng lẻo và cho phép các tập đoàn ma túy Mỹ Latinh rửa hàng trăm triệu đôla tiền bẩn. Tài liệu bí mật tiết lộ rằng, ngân hàng HSBC hưởng lợi từ việc kinh doanh với những tay buôn bán vũ khí ở châu Phi, những nhà độc tài, những kẻ buôn bán kim cương máu và những kẻ ngoài vòng pháp luật quốc tế.

Tờ Le Monde của Pháp đưa ra các bằng chứng cho thấy các giao dịch của HSBC với khách hàng có nhiều hành vi bất hợp pháp, che giấu các cơ quan thuế hàng trăm triệu đôla. Hồ sơ cá nhân của các ngôi sao bóng đá và quần vợt, vận động viên đua xe đạp, ca sĩ nhạc rock, diễn viên Hollywood, hoàng gia, chính trị gia, giám đốc điều hành công ty và nhiều gia đình giàu có đã bị tiết lộ. Các tài liệu đã làm sáng tỏ giao điểm giữa tội phạm quốc tế và kinh doanh hợp pháp, mở cánh cửa thông tin về hành vi mang tính bất hợp pháp hoặc phi đạo đức trong những năm gần đây tại HSBC, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới. Tài liệu rò rỉ cho biết, một số khách hàng đã công du đến Geneva để rút những khoản tiền mặt rất lớn, đôi khi là những tờ tiền đã qua sử dụng. Những khoản tiền khổng lồ được kiểm soát bởi những tay buôn bán kim cương mà người ta cho là đang hoạt động trong các khu vực chiến sự, thậm chí họ còn bán đá quý để tài trợ cho các lực lượng nổi dậy.

Từ năm 2010, khi nhà cầm quyền ở Pháp bắt đầu chia sẻ dữ liệu từ Ngân hàng HSBC với các nước khác, khoảng 1,36 tỉ USD tiền nợ thuế và tiền phạt đã được thu hồi. Sau đó, vào năm 2012, HSBC đã đồng ý trả hơn 1,9 tỉ USD để dàn xếp vụ điều tra hình sự và dân sự của Mỹ và đồng ý một thỏa thuận chậm khởi tố 5 năm. Tiểu ban Thường trực Thượng viện Mỹ báo cáo mở rộng điều tra về HSBC cũng cho biết, một số chi nhánh ngân hàng đã lách lệnh cấm của Chính phủ Hoa Kỳ đối với các giao dịch tài chính với Iran và các nước khác.

Chi nhánh tại Mỹ của HSBC cung cấp tiền bạc và các dịch vụ ngân hàng cho các ngân hàng ở Arập Xêút và Bangladesh, trong khi những ngân hàng này được cho là giúp đỡ tài chính cho Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác. Bây giờ với việc công bố dữ liệu về cách thức các ngân hàng giúp khách hàng trốn thuế, nhiều quốc gia đang yêu cầu Pháp cung cấp dữ liệu. Chính phủ các quốc gia Hy Lạp, Áo, Phần Lan, Đan Mạch đang tích cực tìm kiếm thông tin liên quan đến gian lận thuế của các khách hàng HSBC. Argentina nhận được các dữ liệu tháng 9 năm ngoái và đã buộc tội HSBC giúp hơn 4.000 khách hàng trốn thuế bằng cách sử dụng tài khoản của ngân hàng này.

Thủ đoạn đa dạng của ngân hàng

Các ngân hàng ở Thụy Sỹ nổi tiếng với các chiêu rửa tiền, lách luật để giúp khách hàng trốn thuế. Nhờ đóng góp đến 11% GDP của Thụy Sỹ, cho nên trong một thời gian dài các ngân hàng được nhiều thế lực che chở bảo vệ. Theo Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ, năm 2014, các ngân hàng phát hiện 1.753 trường hợp giao dịch bị nghi ngờ rửa tiền với tổng số tiền là 3,5 tỉ USD. Số tiền này chủ yếu là tiền trốn thuế. Có khoảng 10% giao dịch liên quan đến các cá nhân và tổ chức từng bị kết án vì những sai phạm tài chính, 40% liên quan đến cá nhân, tổ chức đang bị điều tra các hành vi tham nhũng, hối lộ, biển thủ. Tuy nhiên, kết quả đó là do tự kiểm soát của các ngân hàng chứ không phải các cơ quan của chính phủ, số liệu thật ra lớn hơn nhiều.

Nhiều khách hàng lớn của HSBC không hiểu vì lý do gì tài khoản họ mở tại chính quốc như Mỹ hay Anh lại bị chuyển sang các ngân hàng ở Thụy Sỹ. Chẳng hạn như diễn viên Hollywood John Malkovich hay nữ diễn viên người Anh Joan Collins đều tỏ ra khó hiểu với quyết định đó vì tài khoản ở đâu thì họ vẫn phải nộp số tiền thuế đó. Ngân hàng này vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ cho các khách hàng mà Liên Hiệp Quốc đã bêu tên trong các tài liệu tòa án và trên các phương tiện truyền thông do liên quan đến buôn bán vũ khí, kim cương và hối lộ. Khách hàng HSBC tại Thụy Sỹ đến từ nhiều quốc gia như Anh, Nga, Ukraine, Georgia, Kenya, Romania, Ấn Độ…

Hàng chục ngân hàng Thụy Sỹ đã tiết lộ cách thức họ khuyến khích các khách hàng Mỹ để giấu tiền ở nước ngoài nhằm tránh bị Bộ Tư pháp truy tố. Mỹ đã tiến hành một chiến dịch thẳng tay trừng trị các tài khoản ở nước ngoài không khai báo, một số ngân hàng lớn của Thụy Sỹ đã bị phạt như UBS Group AG. Nhiều công ty Thụy Sỹ đã cung cấp cho khách hàng các tài khoản đánh số hoặc tên mã hóa chỉ có một vài nhân viên biết được định danh. Một số ngân hàng Thụy Sỹ nạp tiền vào thẻ ghi nợ không thể lần theo dấu vết. Theo một cách khác, những khách hàng muốn chuyển đổi tiền mặt sử dụng cụm từ mã hóa như “bạn có thể tải về một số giai điệu cho chúng tôi?”.

Các công ty cũng giúp đỡ những khách hàng sợ quy định về chống rửa tiền và rà soát các giao dịch chuyển khoản trên 10.000USD. St. Galler Kantonalbank AG, một ngân hàng khu vực được kiểm soát bởi bang St. Gallen của Thụy Sỹ, nói rằng họ cho phép 9 khách hàng Mỹ rút tổng cộng 3 triệu USD nhiều lần với số lượng mỗi lần ít hơn 10.000USD, nhờ đó tránh được kiểm tra. Ngân hàng này từng cho phép một khách hàng sử dụng 400.000 franc trong tổng tài khoản 1 triệu franc để mua vàng. Vàng và số franc còn lại sau đó được đặt trong một két an toàn tại ngân hàng dưới tên của một người họ hàng của khách hàng đó nhưng không phải công dân Mỹ. Nhiều ngân hàng thừa nhận đã chuyển tài sản của khách hàng Mỹ sang các ngân hàng khác ở Hongkong, Israel, Lebanon, Liechtenstein và Síp.

Nhiều ngân hàng thừa nhận với Bộ Tư pháp Mỹ đã mở các tài khoản có đánh số để ẩn các chủ sở hữu thực sự, dùng thư điện tử để tránh giấy tờ và để cho khách hàng tiếp cận các tài khoản bí mật của họ thông qua thẻ tín dụng. Các ngân hàng cũng giúp khách hàng thực hiện rút tiền mặt để tránh các yêu cầu báo cáo tiền tệ của Mỹ hoặc chuyển đổi tài sản sang vàng giữ trong két an toàn.

Kỹ thuật trốn thuế và các phương pháp giữ tài khoản khách hàng của các công ty nước ngoài được che đậy rất kỹ. Người phạm tội đa dạng, từ các ngân hàng quốc tế đến những người cho vay thế chấp ở các thị trấn.

Truy thu đến cùng tiền thuế

Các quan chức Mỹ cho biết họ đang khai thác mở rộng dữ liệu bị che giấu, bao gồm cả điểm đến của các khoản tiền được chuyển ra khỏi tài khoản ở Thụy Sỹ.

Cựu Giám đốc UBS – ngân hàng hàng đầu của Thụy Sỹ, Raoul Weil ngày 14-10 đã phải ra hầu tòa án liên bang ở Florida (Mỹ) với cáo buộc tiếp tay cho hàng nghìn khách hàng Mỹ trốn thuế. Ngân hàng UBS phải trả 780 triệu USD và thừa nhận hành vi sai trái trong một vụ việc để tránh bị nhà chức trách Mỹ truy tố. Tương tự, Ngân hàng Credit Suisse Group AG nhận tội năm 2014 và đồng ý trả 2,6 tỉ USD.

Tháng 3-2013, Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jérôme Cahuzac bị ngã ngựa do trốn thuế. Ông này mở tài khoản 600.000 euro ở ngân hàng Thụy Sĩ mà không báo cáo cơ quan thuế. Nếu ông Cahuzac không rút khỏi chính trường rất có thể ông sẽ bị truy tố. Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou cũng bị cáo buộc giúp người thân giấu tiền ở Thụy Sỹ. Một số nhân vật tiếng tăm khác liên quan đến các scandal trốn thuế như ứng viên tổng thống Mỹ Mitt Romney với tài khoản 3 triệu USD ở Ngân hàng UBS ở Thụy Sỹ và nhiều khoản đầu tư đứng tên người khác ở quần đảo Cayman.

Tháng 3-2015, Thượng viện Brazil thông báo sẽ thành lập một ủy ban điều tra 8.860 tài khoản bí mật bị tình nghi trốn thuế bằng cách chuyển tiền sang Thụy Sỹ thông qua chi nhánh của Ngân hàng HSBC. Trung Quốc công bố gần 18.000 quan chức tham ô trốn ra nước ngoài, mang theo 800 tỉ nhân dân tệ, tương đương 123 tỉ USD. Chỉ riêng vợ của Trương Thụ Quang, một quan chức cao cấp trong Bộ Đường sắt Trung Quốc đã sở hữu tới 3 biệt thự sang trọng ở Los Angeles (Mỹ) và gửi tiết kiệm 2,8 tỉ USD ở các ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sỹ.

Dữ liệu trực tiếp từ các ngân hàng Thụy Sỹ cho biết có 50.000 người nộp thuế Mỹ đã tiết lộ các tài khoản ở nước ngoài của họ và trả 7 tỉ USD tiền thuế còn thiếu và các khoản tiền phạt từ năm 2009. Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố sẽ lần theo đường lưu chuyển tiền đến cùng. Phó tổng chưởng lý James M. Cole cho biết đã tiến hành một cuộc điều tra mở rộng vào các tài khoản ngân hàng che giấu ở Israel. Ngân hàng Leumi Le-Israel Ltd. của Israel đã đồng ý trả 400 triệu USD để dàn xếp vụ án hình sự liên quan.

Mới đây, Thụy Sỹ đã đồng ý chia sẻ thông tin tài chính với Liên minh châu Âu. Theo Hiệp định mới được thông qua, trong tương lai các nước châu Âu sẽ tự động nhận được tên, địa chỉ, mã số thuế và ngày sinh của người có tài khoản trong các ngân hàng Thụy Sỹ. EU hoan nghênh thỏa thuận, coi đó như là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống trốn thuế.

Tiếc rằng, cuộc chiến với các tài khoản bí mật của người tham nhũng mới nóng lên ở phương Tây, chứ chưa lan đến Đông Nam Á và Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới