Ngày 17/02/2016, Fox News đưa tin Trung Quốc đưa hai khẩu đội tên lửa tầm xa đất đối không Hồng Kỳ-9 (HQ-9) bao gồm 8 bệ phóng cùng hệ thống ra-đa ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa của Việt Nam, dấy lên lo ngại quân sự hoá ở Biển Đông.
Công nghệ và sức mạnh của HQ-9
HQ-9 là hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến do Trung Quốc chế tạo theo công nghệ tên lửa S-300 của Nga và tên lửa Patriot của Mỹ. Năm 1993, Trung Quốc mua loạt tên lửa S-300 của Nga, sau đó nghiên cứu và chế tạo ra HQ-9. Tên lửa HQ-9 dài 6,8 mét, trang bị ra-đa điện tử, đầu đạn nặng 180kg, tốc độ tối đa Mach 4.2 (khoảng 1.400 mét/phút), tầm xa 200km và tầm cao hơn 80.000 bộ (khoảng 24.300 mét). HQ-9 sử dụng hệ thống điều khiển kết hợp lái tự động và dẫn đường từ mặt đất, khá giống với hệ thống dẫn đường của tên lửa Patriot của Mỹ, có thể nổ gần mục tiêu hoặc tiêu diệt trực tiếp tên lửa đang tiến đến. Dù bằng cách nào, mục tiêu sẽ bị tiêu diệt hoặc bị đánh chệch khỏi hướng đi.
Theo đó, HQ-9 có thể tấn công và tiêu diệt máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay trinh sát ở cả tầm thấp và tầm cao, có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa không đối hải, và tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Ý đồ của Trung Quốc
Bước đi này của Trung Quốc nhằm các mục tiêu: Thứ nhất, Trung Quốc thách thức nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn cản việc quân sự hoá Biển Đông, mà trực tiếp nhất là việc Mỹ và ASEAN lần đầu tiên tổ chức cuộc họp cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN tại Sunnylands, California, Mỹ trong đó có bàn về Biển Đông. Tổng thống Obama phát biểu trước báo chí sau hai ngày hội nghị, ám chỉ Trung Quốc khi ông nhấn mạnh rằng phải có những bước đi rõ ràng (tangible steps) để giảm căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm dừng cải tạo, xây mới và quân sự hoá các khu vực tranh chấp. Thứ hai, Trung Quốc cũng muốn cảnh báo các nước ASEAN không tiến quá gần với Mỹ. Mặc dù không chỉ thẳng Trung Quốc và nêu rõ Biển Đông nhưng Tuyên bố chung Mỹ-ASEAN tại Sunnylands khẳng định Mỹ và các nước ASEAN cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải… và phi quân sự hóa.” Thứ ba, hành động này nhằm trả đũa lại việc Mỹ điều khu trục hạm tên lửa USS Curtis Wilbur (DDG-54) thực hiện quyền tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Xa hơn, Trung Quốc muốn răn đe Mỹ nếu triển khai các hoạt động tự do hàng hải và hàng không gần Hoàng Sa cũng như các khu vực khác trên Biển Đông. Thứ tư, đây có thể là bước khởi đầu cho việc đưa hệ thống tên lửa tương tự ra các đảo nhân tạo ở Biển Đông trong các năm tới, nhất là khi các sân bay trên các đảo đó hoàn tất, tạo thành mạng lưới chống tiếp cận/phong toả (A2/AD). Hay nói cách khác, HQ-9 có thể hợp với các hệ thống khác để tạo thành các điểm phòng thủ ở các đảo tranh chấp, làm cho các máy bay nước ngoài, đặc biệt là Mỹ luôn trong tình trạng bất an và cảm thấy bị đe doạ khi bay qua khu vực này.
Mỹ lên án và quyết không lùi bước
Trước hành động khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc, các quan chức Mỹ lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên án và cho rằng hành động này đã đi ngược lại cam kết không quân sự hoá Biển Đông mà Tập Cận Bình tuyên bố trong cuộc gặp với Tổng thống Obama ở Washington hồi tháng 9 năm ngoái, cũng như cam kết của Vương Nghị với Ngoại trưởng John Kerry tại Bắc Kinh ngày 27/01/2016. Ông Kerry sẽ trao đổi nghiêm túc với Bắc Kinh về việc này.
Trong tuyên bố tương tự, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 17/2 nói rằng sự hiện diện của các tên lửa trên đảo Phú Lâm rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông. Chủ tịch Uỷ ban quân vụ thượng viện Mỹ John McCain cũng cho rằng hành động của Trung Quốc chứng tỏ tham vọng quân sự hoá và cưỡng ép để đạt các mục tiêu chủ quyền biển của nước này. Những gì đang diễn ra là ví dụ xác thực về sự sáo rỗng trong lời nói của Bắc Kinh.
Trong khi đó, trả lời Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên khẳng định Mỹ có năng lực để đối phó với tên lửa đất đối không loại này của Trung Quốc như sử dụng tên lửa hành trình Tô-ma-hốc (Tomahok), chiến đấu cơ tàng hình tối tân như F-22 và F-35, trực thăng Apache, v.v.
Như vậy, việc Trung Quốc đưa tên lửa HQ-9 ra Hoàng Sa là bước đi nhằm chống lại việc Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, và mở đầu cho việc triển khai các hệ thống tên lửa ra các đảo ở Biển Đông. Hành động này rất nguy hiểm cho không chỉ riêng Mỹ mà ảnh hưởng đến cả an ninh, hoà bình của cả khu vực, cho nên cộng đồng thế giới cần lên án mạnh mẽ và gây sức ép để Trung Quốc dừng các hành động quân sự hoá Biển Đông.