Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngNhững xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc...

Những xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông (Kỳ 2)

Trước cuối những năm 1960, không có một nước nào trong số các nước bao quanh Biển Đông đưa ra bất kỳ một yêu sách nào về thềm lục địa. Vào ngày 4-9-1958, khi Trung Quốc đưa ra Tuyên bố về lãnh hải của họ, mặc dù Công ước về thềm lục địa vừa được ký kết tại Giơnevơ, họ cũng không chú ý đến thềm lục địa hoặc không có một đòi hỏi nào về thềm lục địa.

Từ 1969-1985

Trong năm 1969, đã xuất hiện một sự thay đổi lớn. trong năm đó, Ủy ban Kinh tế châu Á – Viễn Đông của Liên Hợp Quốc báo cáo rằng “hiện có một khả năng rất cao cho rằng thềm lục địa giữa Đài Loan và Nhật Bản có thể là một trong số các mỏ dầu phong phú nhất trên thế giới…”. Từ thời điểm đó cho đến nay, các nước trong khu vực này bắt đầu tăng cường chú ý không chỉ đến việc đưa ra các yêu sách về thềm lục địa, mà còn đưa ra các yêu sách đó tới vô số các đảo nhỏ, đá, các bãi cạn lúc nổi lúc chìm và các đá ngầm nằm rải rác, lấm chấm trong toàn bộ bức tranh của Biển Đông.

Trong tháng 9-1973, Chính phủ Nam Việt Nam đưa quân tới đóng tại 5 vị trí trong quần đảo Trường Sa và tuyên bố rằng 11 vị trí trong quần đảo này sẽ thuộc quyền quản lý hành chính của tỉnh Phước Tuy. Vào ngày 11-1-1974, một thời gian ngắn sau khi Chính phủ Việt Nam thông báo ý định của họ tiến hành thăm dò dầu mỏ ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa là nơi họ đang đóng giữ vài đảo, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố đòi chủ quyền đối với khu vực đó. Sau khi chính phủ Nam Việt Nam bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, ngày 20-1-1974, Trung Quốc đã điều động máy bay chiến đấu MIG, tàu chiến và vài trăm quân tới đánh đuổi một số lính bảo vệ ít ỏi của Việt Nam ở quần đảo này. Vài người lính bị chết hoặc bị bắt (có một cố vấn Mỹ). Cả Mỹ và Liên Xô đều không tham gia vào vụ tranh chấp này.

Vài ngày sau đó, ngày 30-1-1974, Nam Việt Nam đã điều 120 lính ra một số đảo chưa có người ở quần đảo Trường Sa. Cùng với sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn trong năm 1975, Hà Nội đã trở thành người sở hữu các vị trí đồn trú ở quần đảo Trường Sa và đòi quyền đối với cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trong năm 1979, Trung Quốc mời các công ty dầu khí nước ngoài vào tham gia hoạt động khảo sát địa vậy lý thềm lục địa với Công ty phát triển thăm dò dầu khí quốc gia Trung Quốc. Đến năm 1984, đã có hơn 31 công ty nước ngoài ký kết hơn 20 hợp đồng với Trung Quốc, tất cả các hoạt động theo các hợp đồng này đều được thực hiện trên các vùng biển sát ngay bờ biển Trung Quốc và không có một hoạt động nào được tiến hành trên Biển Đông ở phía Nam vĩ tuyến 160 Bắc.

Từ 1985-1991

Trong 10 năm qua, các quốc gia bao quanh Biển Đông đã tăng cường nỗ lực đưa các yêu sách tới quần đảo Trường Sa, lập các đơn vị đồn trú đóng đối diện nhau và tiến hành các công trình khảo sát khoa học trên các đảo nhỏ này. Trong năm 1985, Giáo sư Prescott đã xác định có 13 đảo của quần đảo Trường Sa bi chiếm đóng; Việt Nam chiếm 5 (bao gồm cả đảo có tên là Trường Sa), Philippines chiếm 7, và Đài Loan chiếm 1.

Việc Trung Quốc đưa quân xuống quần đảo Trường Sa vào mùa xuân 1988 là sự kiện quan trọng nhất. Ngày 14-3-1988, các pháo hạm của Trung Quốc đã tấn công vào một đoàn tàu hộ vệ của Việt Nam. Như thông báo hơn 70 lính Việt Nam bị mất tích và 3 tàu vận tải bị chìm. Sau đó, Trung Quốc đã chiếm một số đá ngầm hay các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, tôn tạo bãi đá Chữ Thập thành một đảo nhân tạo hoàn chỉnh có một sân bay. Trong việc giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cam kết bảo vệ sự chiếm đóng của Đài Loan ở đảo Ba Bình một khi sự chiếm đóng này bị Việt Nam thách thức.

Năm 1992, chỉ 7 năm sau thời điểm Giáo sư Prescott xác định có 13 vị trí bị chiếm ở quần đảo Trường Sa, CIA đã xác định có 42 nơi bị chiếm đóng ở các khu vực quần đảo Trường Sa và Tư Chính. Trung Quốc chiếm 6, Việt Nam chiếm 24 (bao gồm cả các bãi Tư Chính, Phúc Nguyên và Quốc Đường – là các bãi đá ngầm nằm trong khu vực Trung Quốc cấp giấy phép cho Crestone); Philippines chiếm 8; Malaysia chiếm 3, và Đài Loan vẫn chỉ chiếm một đảo Ba Bình. Dĩ nhiên, việc đẩy mạnh các hoạt động chiếm đóng các bãi đá ngầm, các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, và các đá li ti hay các đảo nhỏ, đó không phải là bất kỳ một giá trị thực chất nào của các bãi đá ẩm ướt, bụi cây còi cọc và phân chim ở một vài nơi lấp xấp trên mặt biển, mà chính là do tiềm năng nằm dưới đáy biển bao quanh khu vực đó.

Từ 1992-1994: Khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long

Từ cuối những năm 80 cho đến đầu những năm 90 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được cải thiện rõ rệt, lên tới cao điểm tại Hội nghị Banđung tháng 7-1991, và quan hệ ngoại giao đã được thiết lập lại vào tháng 11-1991. Tuy nhiên, các sự kiện to lớn liên quan đến việc cấp các giấy phép thăm dò và khai thác dầu khí trong 3 năm sau đó, lại một lần nữa đẩy hai nước vào tình thế nguy hiểm.

Mặc dù Trung Quốc đã đưa ra những ý kiến mập mờ về việc cùng phát triển Biển Đông, nhưng ngày 25-2-1992, họ đã ban bố Pháp lệnh mới về lãnh hải và vùng tiếp giáp nhằm thay thế hoàn toàn Tuyên bố năm 1958 (không liên quan đến vấn đề này). Pháp lệnh năm 1992 nhắc lại yêu sách của Trung Quốc đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (điều 2), nhắc lại yêu sách lãnh hải 12 hải lý (điều 3), và bổ sung vùng tiếp giáp 12 hải lý (điều 4). Nhưng, giống như Tuyên bố năm 1958, nó không đề cập thềm lục địa hay bất kỳ một “vùng nước lịch sử” nào làm cơ sở cho yêu sách của họ ở Biển Đông. Tuy nhiên, có một số tài liệu nội bộ của Trung Quốc đã được Mỹ sưu tầm và dịch lại cho thấy, về vấn đề này, những quan chức của Trung Quốc bộc lộ nhu cầu của Trung Quốc về sheng cun keng jian – “không gian sinh tồn” – ở Biển Đông. Tài liệu trên nói rằng Biển Đông chứa đựng trữ lượng dầu khí có giá trị một nghìn tỷ đôla.

Bãi ngầm Tư Chính

Ngày 8-5-1992, Chính phủ Trung Quốc đã ký một hợp đồng thăm dò dầu khí với một công ty nhỏ của Mỹ có tên là Công ty Năng lượng Crestone. Các điều khoản của hợp đồng này dường như rõ ràng cho phép Crestone thăm dò một khu vực rộng 10.000 hải lý vuông trên bãi Tư Chính (Trung Quốc đặt tên là Vạn An Bắc – 21). Một quan chức của sứ quán Mỹ đã tham dự buổi ký kết trọng thể giữa Trung Quốc và Crestone. Lô này nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 160 hải lý và cách đảo Hải Nam – lãnh thổ gần nhất của Trung Quốc không có tranh chấp – trên 600 hải lý. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ sử dụng hải quân để bảo vệ lô này.

Hợp đồng Crestone đã làm cho một vài chính phủ lo lắng về yêu sách lãnh thổ quá khích này của Trung Quốc. Trong tháng 7-1992, Tổng thống Philippines, ông Ramos, đã phát biểu tại một cuộc hội nghị ASEAN rằng “chúng ta không thể trì hoãn các biện pháp khẩn cấp để thật sự tìm kiếm một giải pháp… e rằng tình trạng chưa được giải quyết này sẽ tạo ra những diễn biến nguy hiểm”, và các Ngoại trưởng của các nước ASEAN đã thông qua một tuyên bố kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, một hội nghị của Phong trào không liên kết được tổ chức tại Banđung (Indonesia) trong tháng 9-1992 cũng đã bày tỏ mối quan tâm của hội nghị đối với những diễn biến tại Biển Đông.

Trong năm 1994, được biết Việt Nam đang tiến hành khoan thăm dò ở khu vực bãi ngầm Tư Chính, và các tàu chiến của Trung Quốc đang giám sát chặt chẽ hoạt động này.

Khu vực Thanh Long

Vào cuối tháng 12-1993, công ty Mobil và vài công ty dầu khí khác, bao gồm cả Petrovietnam, đã đồng ý tiến hành thăm dò lô Thanh Long nằm gần với khu vực bãi ngầm Tư Chính về phía Tây. Thỏa thuận này là đỉnh cao của các hoạt động trong 2 năm qua, theo đó Việt Nam tìm kiếm các bên phương Tây vào tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển của họ. (Một hợp đồng giữa Petrovietnam và Công ty dầu khí Nopec của Na Uy đã được ký kết trong năm 1992 nhằm hỗ trợ cho việc chống lại Crestone). Vào ngày 19-4-1994, sau khi Mỹ bỏ cấm vận, Công ty Mobil đã chính thức hóa hợp đồng đã ký với Petrovietnam trong tháng 12-1994 để thăm dò lô Thanh Long.

Lô Thanh Long nằm cách đảo Trường Sa – điểm gần nhất hoàn toàn nổi của quần đảo Trường Sa khoảng 160 hải lý, hoàn toàn nằm ngoài lãnh hải và vùng tiếp giáp 24 hải lý theo như Pháp lệnh năm 1992 của Trung Quốc, và cách 688 hải lý tính từ lãnh thổ không có tranh chấp của Trung Quốc. Tuy nhiên, vừa rồi Trung Quốc đòi rằng: “Khu vực biển Thanh Long thuộc vùng nước tiếp giáp với quần đảo Nam Sa (Trường Sa)… Trong năm 1994, một số tin tức báo chí cho rằng Trung Quốc đã có các thiết bị đáp ứng cho mục đích khoan ở mỏ Thanh Long. Bất chấp những tình hình căng thẳng nói trên, Việt Nam đã ký kết được hơn 27 hợp đồng phân chia sản phẩm tính từ năm 1988 đến năm 1994.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới