Những dự án có mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng khi vừa công bố đã nhận được “mưa” ý kiến trái chiều từ dư luận.
1. Tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La
Trong năm 2015, một công trình nghìn tỷ khiến dư luận bức xúc vì cho rằng quá lãng phí tiền của của người dân đó là xây tượng đài Hồ Chí Minh tại Sơn La.
Theo ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa cho biết, tỉnh Sơn La đã lập và thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP. Sơn La, công trình có tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng.
Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc được đặt tại quảng trường Tây Bắc nằm ở phường Chiềng Cơi, phường Tô Hiệu, phường Quyết Thắng – TP. Sơn La. Tượng đài sẽ có quy mô diện tích khoảng 10 – 15ha, thuộc quy hoạch lô số 01, 02 khu đô thị mới gắn với dự án thoát lũ suối Nậm La, TP. Sơn La.
Công trình sẽ bao gồm các hạng mục chính như đền thờ Bác Hồ (trong đó có tượng Bác Hồ cao từ 5m-8m); đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; bảo tàng tổng hợp; khu điều hành và đón tiếp; khuôn viên cây xanh, quảng trường có sức chứa 20.000 người…
Công trình dự kiến sẽ được khởi công vào dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Sơn La (11/10/2015) và được thực hiện trong 5 năm từ 2015 – 2019.
Ngay sau khi số tiền đầu tư được công bố, dự án này đã nhận được không ít ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, nhà quản lý và dư luận.
Ông Tráng A Pao – nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho biết: “Bác Hồ được nhân dân tôn kính nhưng không phải vì thế mà xây tượng đài thật hoành tráng. Theo tôi nghĩ tôn kính Bác, phải học tập làm theo tấm gương của Bác đó là giản dị, tiết kiệm, biết lo cho dân”.
Theo ông, tỉnh Sơn La nên chi 1.400 tỷ đồng đó vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Hiện giờ, đường sá xuống nhiều thôn, bản còn chưa có, do vậy một phần số tiền đó có thể xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nhân dân bớt khổ là tốt nhất.
Ngay sau khi bị dư luận phản đối, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh lại lên báo báo giải thích: “Trên thực tế, không có chuyện xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc trị giá 1.400 tỷ đồng, tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ, với mức kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng”.
Về con số 1.400 tỷ đồng trong đề án nhắc tới, người đứng đầu UBND tỉnh Sơn La lý giải là bao gồm việc xây dựng một loạt công trình với diện tích khoảng 20ha bao gồm: Quảng trường, tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, xây mới Trung tâm hành chính của tỉnh, khu tái định cư và giải phóng mặt bằng, đền thờ Bác Hồ (dự kiến sẽ dùng nguồn vốn xã hội hóa) và bảo tàng (sau năm 2020)…
2. Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tổng mức đầu tư lên đến 11.277 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày…cũng từng nhận được nhiều sự phản đối của dư luận vì nhiều ý kiến cho rằng, số tiền xây dựng như vậy là quá lớn và việc đầu tư xây dựng có thể gây lãng phí.
Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu – giảng viên khoa văn hóa học (ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) – cho rằng mục đích xây dựng bảo tàng là tốt, mang ý nghĩa nhân văn nhưng ở thời điểm hiện tại, khi nguồn vốn đầu tư lấy từ ngân sách thì đất nước sẽ càng thêm nặng gánh.
“Người dân có thể cùng chung tay xây dựng một Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đầu tư cho văn hóa – lịch sử là đầu tư mang tính lâu dài, đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ở thời điểm kinh tế còn khó khăn, hệ thống bảo tàng hiện có vẫn chưa phát huy giá trị thì việc tiếp tục xây dựng một công trình quy mô là chưa cần thiết”, ông Hiếu khẳng định.
Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử, tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng đồng quan điểm. Ông Nhã cho biết bên cạnh kinh phí xây dựng cần quan tâm đến cách thức hoạt động của bảo tàng làm sao để thu hút người dân, khách du lịch. Có như vậy, việc đầu tư với mức kinh phí cao mới mang lại ý nghĩa thực sự. Nếu không đây sẽ là sự lãng phí rất lớn.
Tuy nhiên, sau đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ (ngày 13/8/2015), Thủ tướng Chính phủ kết luận: Việc đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là cần thiết. Đây là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta từ nhiều năm nay.
Thủ tướng yêu cầu từ nay đến năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng cần tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư Dự án, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, để có thể khởi công Dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào năm 2021.
3. Trụ sở nghìn tỷ của tỉnh Hải Dương
UBND tỉnh Hải Dương từng khiến dư luận xôn xao khi xin ý kiến Thủ tướng về dự án khu hành chính tỉnh rộng 19,15ha tại khu đô thị mới phía Đông TP Hải Dương với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng, cao không quá 20 tầng, trong đó ngân sách tỉnh chi khoảng 1.000 tỉ đồng…
Khu hành chính này sẽ là nơi làm việc tập trung của 19 cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền thuộc tỉnh Hải Dương, bao gồm 5 khu: khu trụ sở của HĐND, UBND, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; khu làm việc khối các sở, ngành thuộc UBND tỉnh; trung tâm hội nghị…
Đại diện tỉnh Hải Dương lý giải hiện nay nhiều công trình thuộc khối hành chính của tỉnh đã xuống cấp, có công trình có từ thời Pháp, đến nay cũng hơn trăm năm, so với các tỉnh khác thì quá sập xệ.
Trong bối cảnh nền kinh tế, ngân sách đang rất khó khăn như hiện nay lại liên tục xuất hiện những công trình sử dụng nguồn vốn công lên đến hàng nghìn tỉ đồng, giờ tỉnh Hải Dương lại xin xây trung tâm hành chính với số vốn ngân sách và tiền bán, cho thuê công sản lên tới hơn 2.000 tỷ đồng đã khiến dư luận không khỏi lo âu, hồ nghi.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho hay: “Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hết xót xa khi nghĩ về hình ảnh Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam ở Sơn Tây (Hà Nội) – một dự án có vốn đầu tư lên tới 3.200 tỷ đồng bị hoang tàn, bỏ không, vắng khách, nhiều công trình mới xây dựng được vài năm đã xuống cấp, xập xệ.
Trở lại dự án xây dựng trụ sở hơn 2.000 tỷ đồng của tỉnh Hải Dương, trong điều kiện ngân sách đang “giật gấu vá vai”, việc xin xây dựng trung tâm hành chính với số vốn lớn như vậy là chưa hợp thời điểm, gây phản cảm trong dư luận.