Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐưa chiến tranh biên giới vào SGK: Kinh nghiệm Nhật, Hàn

Đưa chiến tranh biên giới vào SGK: Kinh nghiệm Nhật, Hàn

“Nếu chúng ta không đưa kiến thức về các cuộc chiến tranh này vào SGK, là có khuyết điểm, có lỗi với nhân dân, với đất nước”.

Cần đưa vào SGK

Trước việc, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét đưa các cuộc chiến tranh biên giới, kiến thức về hải chiến Hoàng Sa… vào SGK sắp biên soạn, trao đổi với Đất Việt, ngày 25/2, GS.TS Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một trong những người được mời vào đội ngũ biên soạn SGK mới cho biết: “Việc đưa kiến thức chiến tranh biên giới, chủ quyền biển đảo vào SGK là vô cùng cần thiết.

Bởi vì, cuộc chiến tranh biên giới ngày 17/2/1979, chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978, tính cho đến nay đã gần 40 năm, đủ độ chín để trở thành một sự kiện lịch sử, đó là điều tất yếu.

Hơn nữa, thế hệ trẻ không thể không biết đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, trong khi đây là thế hệ tiếp bước cha ông để làm nhiệm vụ này trong tương lai”.

Bên cạnh đó, theo ông Bình, cũng tùy theo từng mức độ lớp học mà lồng ghép đưa kiến thức vào, trước đây chúng ta mới chỉ đưa nội dung sơ lược, trong SGK lớp 12 các cuộc chiến tranh này được nhắc hơn 10 dòng. Điều đó, được đánh giá là chưa xứng tầm với sự hi sinh, của nhân dân, của bao thế hệ cha ông trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.

Kiến thức chủ quyền biển đảo lại càng phải đưa vào SGK, vì cha ông ta đã thực thi chủ quyền về Hoàng Sa, Trường Sa từ rất lâu rồi, từ thế kỷ trước, chứ không phải đến bây giờ.

“Nếu chúng ta không đưa kiến thức về các cuộc chiến tranh này vào SGK, là có khuyết điểm, có lỗi với nhân dân, với đất nước” – ông Bình nhấn mạnh.

Nên học kinh nghiệm Nhật Bản, Hàn Quốc

Về phương pháp thực hiện, theo ông Bình, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, họ đều là những nước có sự tranh chấp về lãnh thổ, nhưng những kiến thức về chiến tranh tại vùng tranh chấp vẫn được đưa vào SGK.

Cụ thể, Nhật Bản hiện nay họ vẫn đưa đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo vào SGK khẳng định chủ quyền. Hàn Quốc cũng ban hành chương trình học thêm về quần đảo Dokdo do Seoul kiểm soát.

Đối với những áp lực ngoại giao, theo ông Bình, trên thế giới, cả hai phía đều phân biệt rõ ràng chuyện quan hệ ngoại giao giữa hai nước và chuyện tranh chấp chủ quyền. Cho nên họ vẫn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của họ trong SGK, chỉ là đưa theo những cách khác nhau

Trở lại vấn đề đưa chiến tranh biên giới, hải đảo vào SGK, vị chủ nhiệm khoa nhấn mạnh: “Phải viết một cách khách quan về sự thật lịch sử, cung cấp cho học sinh đầy đủ kiến thức về cuộc chiến. Đồng thời, khẳng định vai trò đóng góp, hy sinh của quân đội, nhân dân để bảo vệ biên giới, chủ quyền biển đảo, không bóp méo, đưa đúng sự thật. Xuyên suốt là tinh thần khẳng định chủ quyền, lợi ích dân tộc, đó là quan điểm bất di, bất dịch.

Nhưng chúng ta giáp với Trung Quốc, một nước lớn, nên chuyện quan hệ hợp tác là không thể không duy trì. Hai bên cần lẫn nhau, trong giao lưu kinh tế – văn hóa nói chung, vẫn đưa đúng sự thật lịch sử nhưng ở mức độ cho phép, cách viết không cực đoan, nhẹ nhàng”.

Riêng về việc Bộ GD&ĐT đang lên kế hoạch đưa các kiến thức này vào sách, ông Bình cung cấp thêm thông tin: “Hiện nay, Bộ đang xúc tiến chương trình tổng thể, từ đó làm chương trình bộ môn rồi triển khai viết SGK.

Dự kiến sẽ đưa nội dung chủ quyền biển, đảo, chiến tranh bảo vệ biên giới vào cả ba cấp học. Tùy theo mỗi trình độ sẽ có nội dung cho phù hợp”.

Cũng đưa ra quan điểm về sự việc trên, GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục cũng cho rằng: “Chỉ cần đưa đúng, chính xác, đơn giản, mô tả lại cuộc chiến tranh, không nên đưa những từ ngữ như “xâm lược”.

Chúng ta có thể dành hẳn một chương nói về những chiến thắng chống quân xâm lược, những nhà vua đánh thắng quân Trung Quốc, rồi nêu lần lượt từng cuộc chiến.

Khi đó, sẽ không ai cãi được về lý, nhưng tinh thần thì ai cũng hiểu, nghĩa là phải đưa vào một cách tự nhiên. Phải giáo dục cho trẻ biết lịch sử của nước mình”.

RELATED ARTICLES

Tin mới