Yonhap dẫn lời các nhà ngoại giao Hàn Quốc tại Bắc Kinh cho hay, sự phản đối của Trung Quốc với việc triển khai hệ thống THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc và việc Bắc Kinh tăng cường các hành động quyết đoán trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông đang tự mâu thuẫn với nhau, bởi những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông làm tổn hại lợi ích an ninh của các nước láng giềng, trong đó có Hàn Quốc.
Ở phía nam, Trung Quốc được cho là đã đặt các radar trên một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của họ. Trong khi đó, ở phía đông, Bắc Kinh phản đối khả năng triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc.
Đối với Hàn Quốc, quyết định đặt lá chắn tên lửa của Mỹ (THAAD) dựa trên các lợi ích an ninh quốc gia để nâng cao tư thế phòng thủ đối phó với những bước tiến của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân và tên lửa.
Ở Biển Đông, việc Trung Quốc triển khai radar và tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo đã làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng và Mỹ.
Trung Quốc lập luận rằng, hệ thống radar mạnh của THAAD có thể nhắm mục tiêu vào lãnh thổ nước này nếu nó được triển khai ở Hàn Quốc.
Cả quan chức Seoul và Washington đều bác bỏ những quan ngại trên, nói rằng lá chắn tên lửa của Mỹ về bản chất chỉ mang tính phòng thủ và tập trung vào các hoạt động của tên lửa Triều Tiên.
Khi được hỏi lý do tại sao Trung Quốc phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, trong khi vẫn xây dựng cơ sở cho radar tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhắc lại, việc triển khai các thiết bị quân sự của Bắc Kinh sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của các nước láng giềng.
“Việc triển khai của Trung Quốc là cần thiết và các cơ sở quốc phòng có hạn của chúng tôi sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của các nước khác”, ông Hồng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm: “Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc sẽ vượt xa các yêu cầu quốc phòng cần thiết của Mỹ. Nó sẽ gây tổn hại cho các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc”.
Một nhà ngoại giao Hàn Quốc giấu tên cho hay: “Những phát biểu của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy lập trường tự mâu thuẫn của Trung Quốc về hai vấn đề trên”.
Trưởng phái đoàn hạt nhân của Trung Quốc, Wu Dawei, đã đến Seoul hôm 29.2 để thảo luận về nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc, liên quan đến việc trừng phạt Triều Tiên do các vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây.
Người phát ngôn Hồng Lỗi cho biết, trong cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc, ông Wu đã bày tỏ “quan điểm nghiêm túc” với việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc.
“Hy vọng Hàn Quốc có thể thực sự coi trọng những quan ngại của Trung Quốc và giải quyết tốt các vấn đề có liên quan”, ông Hồng nói.