Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngTQ gia tăng gây hấn: Việt Nam cẩn trọng, vững bước

TQ gia tăng gây hấn: Việt Nam cẩn trọng, vững bước

Ông Lê Việt Trường cho rằng Việt Nam cần thận trọng quan sát đối phó nguy cơ các nước lớn bắt tay nhau trong vấn đề biển Đông.

Những ngày qua, tình hình biển Đông trở nên căng thẳng hơn khi Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây hấn như: xây trạm radar trên đá và rạn san hô, điều tên lửa phòng không tới Đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Dù bị các nước lên án và chỉ trích nặng nề nhưng Bắc Kinh vẫn có những tuyên bố đầy thách thức về chủ quyền tại khu vực này.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn những động cơ và toan tính của Trung Quốc trong việc này, Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội.

Trung Quốc muốn dằn mặt Mỹ

Theo ông Trường, việc Trung Quốc liên tiếp thực hiện các hành vi gây hấn với tốc độ dồn dập trên biển Đông là để tiếp tục củng cố tham vọng làm bá chủ trên vùng biển cũng như chính thức dằn mặt Mỹ sau nhiều nỗ lực hợp tác với khối ASEAN về vấn đề biển Đông.

“Trung Quốc có một toan tính chiến lược về biển, bằng chứng là họ có một nghị quyết của Đại hội 18 đã xác định sẽ xây dựng để biến Trung Quốc thành cường quốc biển.

Tôi cho rằng việc họ chọn thời điểm này đưa các phương tiện ra biển Đông cũng có lý do, khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa 10 nước ASEAN với Mỹ. Trung Quốc muốn khẳng định rằng các nước bàn thì cứ bàn còn việc của nước này trên biển Đông thì họ vẫn cứ làm

Những hành động này nhiều khi chúng tôi đã nhận định không loại trừ tiến tới thành lập một vùng nhận diện phòng không để cuối cùng phục vụ cho mục đích đường 9 đoạn của vùng biển đó. Trung Quốc muốn có quyền kiểm soát, cái đó là cái chính”, ông Trường khẳng định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đánh giá những tuyên bố cứng rắn của Trung Quốc được đưa ra trước thời điểm chuyến thăm Mỹ của ông Vương Nghị cũng mang đậm màu sắc chính trị và nằm trong toan tính của Bắc Kinh. Theo ông Trường, chắc chắn Washington sẽ có những phản ứng thích hợp để đáp lại hành động gây hấn của Trung Quốc.

“Mỹ chắc chắn sẽ có một số hoạt động như có thể tiếp tục đưa thêm các khí tài quân sự có giá trị răn đe đến khu vực biển Đông, có thể đưa các tàu chiến, tàu khu trục, máy bay trinh sát có thể tham gia hoạt động ở khu vực này”, ông Trường khẳng định.

Nguy cơ các nước lớn bắt tay nhau

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, Mỹ lên tiếng tại biển Đông nhằm động cơ chủ yếu của Nhà Trắng là nhằm cụ thể hóa tham vọng xoay trục của nước này tại châu Á.

“Mỹ đang bị mất  rất nhiều những vị trí đóng quân tại 1 số nước ở khu vực Đông Nam Á. Và khi đã hết hiệp ước ký kết thì Mỹ buộc phải rút quân về nước. Việc xảy ra tranh chấp trên biển Đông này đã khiến 1 số nước phải mời họ quay trở lại”, ông Trường chỉ rõ.

Ngoài ra, ông Trường còn cho rằng khi các nước lớn đang tiến hành con bài về biển Đông thì những nước như Việt Nam phải theo dõi một cách thận trọng.

“Lịch sử chúng ta đã có rồi. Năm 1972, cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng Mỹ và lãnh đạo Trung Quốc đã diễn ra và sau đó rất nhiều vấn đề bất lợi cho chúng ta đã xảy ra”, ông Trường nêu dẫn chứng.

Dựa vào tình hình hiện nay trên biển Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh chỉ ra rằng cuộc gặp giữa Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ John Kerry là bước đệm để hai bên thăm dò thái độ của nhau và sẽ quyết định các bước đi tiếp theo trên biển Đông.

“Với Trung Quốc nếu họ muốn thống trị trên 80% diện tích biển Đông không thể chỉ làm việc tôn tạo mấy đảo, đưa mấy dàn tên lửa kéo ra đấy mà phải có cả một kế hoạch, một chiến lược rất lớn và nó tham vọng và động chạm đến nhiều mặt của đời sống chính trị, an ninh khu vực và thế giới.  Đây là một phép thử để Mỹ và Trung Quốc quyết định bước theo sẽ làm gì:, ông Trường khẳng định.

Việt Nam không chùn bước

Về phía Việt Nam, theo ông Trường, chúng ta cần phải có tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của đất nước.

“Thứ nhất, cần tranh thủ sự ủng hộ của các nước, tích cực đẩy mạnh đấu tranh phương tiện ngoại giao pháp lý.

Thứ hai là cần phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và tạo ra sự thống nhất trong nhận thức về biển Đông qua đó tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân, của các cấp các ngành về vấn đề chủ quyền của đất nước.

Thứ ba là phải tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác các hoạt động kinh tế trên biển có tổ chức và phải làm tích cực hơn để đảm bảo mọi việc diễn ra bình thường với tư thế của một người làm chủ theo công ước của Liên hợp quốc”, ông Trường nêu ý kiến.

Ông Trường nhấn mạnh, không phải vì Trung Quốc tăng cường gây hấn mà chúng ta lại được chùn bước, chỉ có việc đấu tranh một cách kiên cường, linh hoạt mới vạch mặt được âm mưu và toan tính của kẻ thù xâm lược.

“Cần tăng cường hơn nữa các hoạt động khai thác, đánh bắt, kinh tế biển một cách bình thường, qua đó sẽ bộc lộ rõ bản chất của kẻ thù. Nếu Trung Quốc dùng tên lửa mà bắn vào cá của ngư dân ta thì đó là bản chất của kể xâm lược và chúng ta sẽ có đầy đủ bằng chứng để tố cáo lên Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế”, ông Trường cho biết thêm.

Việt Nam phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông lên Liên hợp quốc

Ngày 19/2, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước thông tin của một số kênh truyền hình và hãng thông tấn nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh như vậy.

“Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó” – ông Lê Hải Bình phát biểu.

Ngày 19/02/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

Cùng ngày, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc cũng đã có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới