Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChỉ là hành động chiếu lệ

Chỉ là hành động chiếu lệ

Ngày 28/2, International Business Times đưa tin, trước việc Trung Quốc đang nhanh chóng quân sự hóa Biển Đông, 3 Đô đốc Mỹ đều muốn tăng tàu ngầm và chiến hạm tới khu vực này nhằm “chặn đứng” hành động bá quyền của Bắc Kinh.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho biết, hoạt động của lực lượng này tại Thái Bình Dương đang thay đổi vì sự “đổi thay” của Trung Quốc ở Biển Đông. Đô đốc Harry Harris cũng nhận định, Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát Biển Đông trên thực tế, khi xây dựng đường băng sân bay, hầm ngầm, các trạm radar trên các đảo nhân tạo và triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm.

Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson và Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ, tướng Robert Neller đều muốn có nhiều hơn một nửa tổng số 308 tàu chiến được lên kế hoạch ở Thái Bình Dương vào năm 2020. Đô đốc John Richardson cảnh báo, sự tích tụ quân sự của Trung Quốc có thể buộc Mỹ phải xem lại đội tàu ngầm của mình, bởi 48 tàu ngầm tấn công để khẳng định sự hiện diện của Mỹ trong khu vực có thể không đủ.

Trước đó (26/2), Hãng USNI News đưa tin, việc Trung Quốc có khả năng đơn phương áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sẽ khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực, nhưng Đô đốc Harry Harris lại tuyên bố “Mỹ sẽ bỏ qua như từng bỏ qua ADIZ ở biển Hoa Đông”. Đô đốc Harry Harris còn dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry yêu cầu Trung Quốc không tuyên bố ADIZ ở Biển Đông. Ông Harry Harris còn khẳng định, Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông và đã bồi đắp gần 3.000 mẫu Anh ở Biển Đông.

Ngày 26/2, Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Dan Kritenbrink, đã hối thúc ông Tập Cận Bình mở rộng cam kết phi quân sự hóa ra phạm vi toàn bộ Biển Đông. Và lời kêu gọi của ông Dan Kritenbrink được đưa ra sau một tuần Washington và Bắc Kinh “khẩu chiến” liên quan tới việc Trung Quốc triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu và radar tại Biển Đông.

Cùng ngày 26/2, Không quân Mỹ công bố thiết kế cùng kế hoạch đặt mua 100 siêu máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-21. Thông tin này được người đứng đầu lực lượng Không quân Mỹ Deborah James công bố tại hội thảo thường niên về tác chiến trên không của Hiệp hội Không quân Mỹ. Và đây được coi là nỗ lực nhằm ứng phó với chiến lược phòng thủ A2/AD đang được Trung Quốc sử dụng. Bởi B-21 sẽ là chiến đấu cơ ném bom tầm xa tàng hình thế hệ mới của Mỹ, thay thế cho máy bay B-2 và B-52.

Và cuộc đua giành quyền thiết kế máy bay ném bom tầm xa (LRS-B) cho quân đội Mỹ từng là sự cạnh tranh quyết liệt giữa Northrop Grumman và liên minh Lockheed Martin – Boeing. Và Northrop Grumman đã chính thức được trao hợp đồng thiết kế, sản xuất mẫu máy bay này hồi tháng 10/2015 với chi phí cho giai đoạn phát triển và sản xuất B-21 vào khoảng 21,4 tỉ USD theo thời giá năm 2010.

chi la hanh dong chie u le
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris

Ngày 25/2, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông James Clapper, khi Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ nói với báo giới rằng, có thể khẳng định, Trung Quốc sẽ tránh để xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ.

Trước đó (24/2), tờ The Diplomat cho biết, Mỹ đã phát hiện Trung Quốc triển khai bất hợp pháp tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm. Và theo ông Doãn Trác, Thiếu tướng về hưu, chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, bức tranh vùng trời, vùng biển của các đảo đá trên Biển Đông sẽ khác rất nhiều so với 10 năm trước, thậm chí 5 năm trước. Trong khi đó, Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh, tình hình chính trị và quân sự ở biển Hoa Đông và Biển Đông đã thay đổi, các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông đã trở thành tiền đồn quân sự, do đó Mỹ sẽ tiếp tục nhiệm vụ tại khu vực này.

Cũng trong ngày 25/2, Hãng Reuters dẫn xác nhận từ quan chức Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ cử tàu chiến tham dự cuộc tập trận hải quân quy mô lớn do Mỹ chủ trì vào mùa Hè 2016, bất chấp căng thẳng giữa 2 nước. Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), được đánh giá là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, diễn ra 2 năm/lần ở Hawaii và Trung Quốc lại được mời, bất chấp sự phản đối trước đó của Thượng nghị sĩ John MacCain.

Cùng ngày 25/2, tờ Nhân dân Nhật báo đã kêu gọi các lực lượng vũ trang nước này “nhả đạn” hoặc “đâm vào tàu chiến Mỹ” ở Biển Đông “để dạy cho Washington một bài học”… Đồng thời cho rằng “mạnh tay với những kẻ xâm phạm Biển Đông là điều tốt cho hòa bình ở khu vực tranh chấp”.

Trước đó (23/2), tờ South China Morning Post đăng cảnh báo của học giả Michael Tim, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế của Cộng hòa Czech, trong đó đề cập tới thủ đoạn “cắt xúc xích” của Trung Quốc ở Biển Đông. Cách “cắt xúc xích” của Trung Quốc là thông qua các biện pháp “không gây ra phản ứng mạnh mẽ” từ đối phương, nhưng về tổng thể “làm thay đổi tình hình” theo ý đồ của Bắc Kinh. Và mục đích của cách làm này không phải là tạo ra đối đầu, mà tạo ra “sự thực đã rồi”.

Và điều đáng nói là mặc dù Mỹ đã triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nhưng vẫn chưa khiến Bắc Kinh phải cân nhắc lại việc làm của họ. Do đó, Washington cần xem xét lại “hành động chiếu lệ” của mình bởi Trung Quốc đang vin vào cớ này để đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.

Trong khi đó, tờ Defense One của Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách để Mỹ rơi vào tình cảnh hoặc thừa nhận yêu sách vô lý, bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc công khai coi Trung Quốc là kẻ thù.

RELATED ARTICLES

Tin mới