Mỹ cơ bản sẽ không thay đổi chính sách của họ ở Biển Đông. Điều đó có nghĩa là Mỹ chỉ dừng lại ở việc thực hiện các biện pháp bảo vệ tự do hàng không hàng hải.
LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài phân tích của Tiến sĩ Lê Đình Tân – Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Quốc gia Chi Nan, Đài Loan. Bài viết thể hiện góc nhìn của ông về một số nhân tố ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ trên Biển Đông.
Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến quý bạn đọc bài viết này của Tiến sĩ Tân, ngõ hầu có thêm góc nhìn, tiếng nói đa chiều phân tích vấn đề, tìm ra giải pháp bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam cũng như hòa bình, ổn định ở Biển Đông và luật pháp, công lý quốc tế.
Tiêu đề và nội dung bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của cá nhân tác giả.
Trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông luôn thu hút sự chú ý của công luận quốc tế. Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và nêu yêu sách quá mức về vùng biển hiệu lực của các thực thể không những vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, mà còn đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước liên quan.
Trước hoàn cảnh đó, ngày 27/10/2015, Mỹ đã thực hiện một hành động mang tính biểu tượng là phái tàu khu trục USS Lassen-một trong những chiến hạm lớn và hiện đại của Hải quân Hòa Kỳ thực hiện tuần tra vùng 12 hải lý xung quanh bãi đá Xu Bi, Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) mà Trung Quốc chiếm đóng, bồi lấp bất hợp pháp.
Ngày 31/1/2016, Mỹ phái chiến hạm USS Crutis Wilbur tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) hiện cũng do Trung Quốc kiểm soát bất hợp pháp.
Động thái này của Hoa Kỳ nhằm thực hiện cam kết về tôn trọng và bảo vệ tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông. Tuy nhiên, ngoài sự kiện đó và một số tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ, thế giới vẫn chưa ghi nhận thêm những động thái quyết liệt của Hoa Kỳ đối với tình hình khu vực.
Tại sao Hoa Kỳ chỉ dừng lại ở các phản ứng như vậy? Và những yếu tố nào ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với Biển Đông trong tương lai?
Về vấn đề thứ nhất, sở dĩ Mỹ chỉ thể hiện sự phản ứng bằng các tuyên bố ngoại giao và thực hiện hoạt động tuần tiễu bằng máy bay và tuần tra qua khu vực 12 hải lý ở các bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Trường Sa như Xu Bi, Vành Khăn hay đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa là nhằm thể hiện sự không công nhận các yêu sách quá mức về các vùng biển hiệu lực của các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, bảo vệ các nguyên tắc do UNCLOS 1982 quy định.
Điều đó, cũng thể hiện lập trường xuyên suốt của Hoa Kỳ là, không quan tâm đến chủ quyền của các thực thể và không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Cho đến thời điểm này, Mỹ vẫn luôn giới hạn hoạt động của họ trong phạm vi đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và quyền qua lại không gây hại (inconcent passage) của Hạm đội 7 ở các thực thể có lãnh hải 12 hải lý, cũng như quyền đi lại tự do ở các thực thể không có lãnh hải 12 hải lý trên Biển Đông, được Trung Quốc và các bên tôn trọng.
Ngoài ra, Mỹ cũng chưa có động thái đứng về bên nào, kể cả đối với các đồng minh khác như Philippin và Đài Loan. Trong quá khứ, Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng, khu vực Philippine có yêu sách ở Biển Đông không nằm trong Hiệp ước quốc phòng song phương ký ngày 30/8/1951.
Chính vì điều đó, khi xảy ra sự kiện đối đầu nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Philippine ở bãi cạn Scarborough (4/2012), Mỹ đã không có phản ứng nào đáng kể, mặc dù cùng thời điểm đó hai nước này đang tập trận ở đảo Palawan.
Tương tự với Đài Loan, Mỹ cùng không can thiệp vào các tuyên bố của vùng lãnh thổ này đối với Hoàng Sa, Trường Sa hay đảo Ba Bình. Cũng tương tự như vậy, mặc dù quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ có sự phát triển mạnh mẽ, song hai bên vẫn chưa ký kết với nhau bất kỳ văn bản pháp lý nào thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với chúng ta ở Biển Đông.
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với Biển Đông trong tương lai?
Một là chính sách xoay trục và tái cân bằng của chính phủ Mỹ: Hiện nay, thế giới đang tồn tại trong tình thế “nhất siêu, đa cường”. Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế, quân sự số một thế giới và luôn tự coi họ là cường quốc Thái Bình Dương.
Chiến hạm Hoa Kỳ USS Lassen, ảnh: Philnews. |
Năm 2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii rằng: “Tương lai của Mỹ gắn liền với Châu Á-Thái Bình Dương và tương lai của khu vực này cũng phụ thuộc vào Mỹ”.
Sau đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ L.Panetta cũng tuyên bố, Washington sẽ phân bố lại 60% lực lượng hải quân của nước này sang Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020. Chính sách xoay trục và tái cân bằng của Mỹ này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến thái độ của Mỹ đối với Biển Đông.
Hai là, lợi ích của Mỹ và vai trò quan trọng của Biển Đông cũng như vị thế ngày càng lớn của các nước trong khu vực như ASEAN đối với kinh tế toàn cầu, cũng như các vấn đề chính trị, an ninh khác.
Tuyến hàng hải qua Biển Đông đang trở thành một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới; nền kinh tế mới nổi của các nước trong khu vực đang đóng vai trò động lực cho kinh tế thế giới phục hồi; sự thay đổi chính sách giúp các nước này đóng vai trò ngày càng lớn hơn, chủ động hơn trong các vấn đề khu vực và thế giới, đặc biệt là vai trò của Việt Nam, Singapore…
Ngoài ra, đương nhiên Trung Quốc là một cường quốc và vấn đề Biển Đông luôn là sự quan tâm của họ. Mỹ không thể bỏ qua được một khu vực có ý nghĩa sống còn đối với vị thế và vai trò của họ trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tháng 7-1993, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) họp ở Singapore đã thống nhất thành lập Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), với sự tham gia của hầu hết các nước lớn và nội dung thảo luận không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ các vấn đề an ninh ở Đông Nam Á, mà còn thảo luận các vấn đề an ninh ở các khu vực khác rộng lớn hơn như Đông Bắc Á và châu Á-Thái Bình Dương khiến Mỹ không thể không quan tâm.
Từ năm 2009 đến nay, Mỹ và các nước ASEAN cũng đã tổ chức đối thoại cấp cao thường niên để thảo luận các vấn đề trong khu vực. Hội nghị tại Sunnylands vừa qua cũng đã nâng cao hơn nữa vai trò của Mỹ tham gia vào giải quyết vấn đề ở Biển Đông.
Đến thời điểm hiện tại, khi chưa có được một thể chế hiệu quả hơn, các nước trong khu vực, Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc đang tạm coi ARF và ADDM+ là một trong những thể chế quan trọng để đối thoại.
Như vậy, một cách chính thức hay không chính thức, các nước đều phải thừa nhận vai trò của ASEAN trong những vấn đề mang tính sống còn của khu vực.
Thứ 3 là sự chia rẽ của các nước trong khu vực ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Trong suốt những năm 2008 đến 2011, khi mà Việt Nam và Indonesia làm Chủ tịch luân phiên ASEAN, một loạt các hoạt động ngoại giao, đặc biệt là cơ chế đối thoại tại ARF, các nhà lãnh đạo Mỹ và khu vực đã tìm thấy nhiều tiếng nói chung, gây sức ép đáng kể đối với giới cầm quyền ở Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp khu vực.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 tại Campuchia, ảnh: Tân Hoa Xã. |
Đặc biệt, tại Hội nghị cấp cao Đông Á tổ chức tại Ba Li (11/2011), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố, mặc dù không đứng về bên nào trong tranh chấp tại Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ cam kết mạnh mẽ về bảo vệ tự do hàng hải, hàng không, đảm bảo không để thương mại quốc tế bị ảnh hưởng bởi các hành động của các nước gây ra (ám chỉ Trung Quốc).
Tuyên bố đó được lãnh đạo 18 nước tham gia ủng hộ. Cũng ở Hội nghị này, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã tái khẳng định việc cần thiết phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông (điều mà Việt Nam đã nỗ lực làm từ năm 2009 tại ARF).
Tuy nhiên, đến giai đoạn Campuchia, Brunei và Myanma làm Chủ tịch luân phiên, cùng với những sự kiện diễn ra trên Biển Đông, Trung Quốc đã dùng các chính sách mua chuộc, tạo sức ép với các nước này, đặc biệt là Campuchia, ASEAN thực sự đã bị chia rẽ bởi vấn đề Biển Đông.
Đỉnh điểm là tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN vào tháng 7/2012, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại, các Bộ trưởng không thể ra được tuyên bố chung của cuộc họp.
Những mâu thuẫn, chia rẽ đó vẫn tiếp diễn thể hiện trong một loạt tuyên bố và hành động gần đây của một số lãnh đạo các nước phụ thuộc vào Trung Quốc đã làm xói mòn những nỗi lực của Hoa Kỳ trong việc giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Thứ tư là, sức mạnh ngày càng gia tăng và phản ứng cực đoan của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc mấy thập kỷ qua đã đưa nước này trở thành nền kinh tế số hai thế giới và ngày càng can dự vào nhiều hoạt động toàn cầu.
Mặc dù Trung Quốc còn lâu mới có thể so sánh được với Hoa Kỳ, song chắc chắn trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Biển Đông, Mỹ không thể không tính đến Trung Quốc như một thế lực đáng kể nhất.
Mọi hoạt động của Mỹ ở khu vực này đều phải được tính toán kỹ lưỡng để ngăn ngừa các rủi ro. Hơn thế nữa, mặc dù tham vọng bá chủ thế giới của Trung Quốc đã có từ lâu nhưng dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc càng lộ rõ tham vọng và thực hiện tham vọng đó một cách nóng vội, cực đoan.
Liên tục trong một thời gian ngắn, Trung Quốc gây hấn ở Scarborough với Philippine, đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bồi đắp bãi đá ở Trường Sa, đưa tên lửa, tàu chiến, ra đa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, tháng 5 năm nay, Toà Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Nước Cộng hòa Philippin khởi kiện Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tuy nhiên, ngày 7/2/2015, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục ra tuyên bố nhắc lại lập trường của họ không công nhận tính hợp pháp của PCA và “không tham gia tiến trình tố tụng dưới bất kỳ hình thức nào”.
Điều đó đã thể hiện sự ngang ngược, cực đoan và bất chất luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Mặc dù, trong Điều 296 của Công ước và Điều 11 của Phụ lục VII quy định, phán quyết của toà trọng tài là phán quyết tôi hậu và các bên dù tham gia hay không tham gia vào quá trình tố tụng vẫn phải thực hiện.
Có điều, Công ước La Hay lại không tổ chức cơ quan thực thi mà để các nước liên quan phải sử dụng các biện pháp khác để thực thi phán quyết này. Vì thế, rõ ràng mặc dù tòa án có thể ra phán quyết đứng về Philippin nhưng việc thực thi điều đó trong thực tiễn là một điều cực kỳ khó khăn.
Điều này không chỉ đặt ra thách thức đối với Philippin và các nước có tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực mà còn là một thách đố thực thi pháp lý đối với tòa án và cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.
Việc tham gia sâu vào những tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là các tranh cãi pháp lý, với tư cách là quốc gia không trực tiếp có tranh chấp ở vùng biển này rõ ràng không phải là điều mà Hoa Kỳ mong muốn.
Hơn nữa đến thời điểm này, các nước trong đó có Hoa Kỳ cũng chưa thể có được một cơ chế hữu hiệu nào để buộc Trung Quốc thực hiện phán quyết của Tòa.
Chính vì thế, Mỹ đương nhiên sẽ phải tính toán và cân nhắc kỹ trước khi có hành động can thiệp vượt quá những cam kết về bảo vệ các nguyên tắc của UNCLOS hay không?
Thứ năm là, đảng nào (và chính phủ nào) sẽ nắm quyền ở Mỹ vào cuối năm nay.
Mặc dù chính sách chiến lược của Mỹ đối với khu vực này cơ bản sẽ khó có những thay đổi mang tính đột biến, song kết quả bầu cử chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc Mỹ có can dự sâu hơn vào tình hình Biển Đông hay không.
Theo đó, nếu chính phủ của đảng Dân chủ (có thể đại diện là bà H.Clinton) thì dự đoán Mỹ sẽ có những hành động quyết liệt hơn đối với vấn đề Biển Đông.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa đang bị chia rẽ bởi các ứng cử viên và chính sách đối với Trung Quốc nói riêng và với vấn đề Biển Đông nói chung vẫn chưa rõ nét.
Trên cơ sở đó có thể thấy, Mỹ cơ bản sẽ không thay đổi chính sách của họ ở Biển Đông. Điều đó có nghĩa là Mỹ chỉ dừng lại ở việc thực hiện các biện pháp bảo vệ tự do hàng không hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục không đứng về bên nào trong các bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter vừa cảnh báo, Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu tiếp tục leo thang quân sự hóa Biển Đông, ảnh: AP. |
Tuy nhiên, nếu tình hình diễn biến theo hướng Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp cực đoan để áp đặt các yêu sách quá mức ở Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng sự ổn định khu vực; thách thức trực tiếp, đe dọa lợi ích, vai trò, vị trí siêu cường của Mỹ thì Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách từ không can dự đến can dự có chừng mực.
Nhưng một điều khá chắc chắn rằng, Mỹ sẽ không chủ trương một cuộc chiến tranh với Trung Quốc ở biển Đông để bảo vệ các nước có yêu sách.
Chính sách can dự có chừng mực của Mỹ có thể chỉ dừng lại ở mấy điểm sau:
(1), Mỹ thực hiện các phản đối ngoại giao thông qua các phát ngôn chính thức của Chính phủ, Bộ ngoại giao hay Lầu Năm Góc; thông qua các diễn đàn ngoại giao quốc tế;
(2), Thực hiện tuần tra hàng không, hàng hải ở những vùng mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái với UNCLOS và các cam kết quốc tế khác;
(3), Tiến hành viện trợ (chính thức hoặc không chính thức) cho các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước trực tiếp có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, xóa bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam…
(4), Tập hợp các nước đồng minh và các nước khác chống lại Trung Quốc về khía cạnh pháp lý, kinh tế và chính trị; tạo ra các thể chế trung gian để giải quyết tranh chấp/xung đột;
(5), Khả năng cuối cùng là thực hiện chính sách “bên miệng hố chiến tranh” với Trung Quốc (ít có khả năng xảy ra, nếu có cũng khó có thể diễn tiến thành một cuộc chiến tranh).
Việt Nam luôn kiên trì nguyên tắc kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn chủ trương không tham gia các tổ chức hay liên minh quân sự; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình và không để các nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình đế tấn công nước khác.
Chính vì vậy, người viết cho rằng Việt Nam cần hoan ngênh và ủng hộ Mỹ (cũng như các nước) thực thi các quyền mà UNCLOS và pháp luật quốc tế công nhận đối với Biển Đông.
Việt Nam cũng mong muốn rằng, Hoa Kỳ với tư cách là siêu cường của thế giới, phải hành động có trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo tự do hàng không, tự do hàng hải trên Biển Đông nói chung.
Đồng thời Hoa Kỳ nên ủng hộ các nước nhỏ yếu đấu tranh có hiệu quả với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải; ủng hộ các phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế về Biển Đông; tạo ra sức ép đủ mạnh để Trung Quốc thiện chí trong đàm phán và giải quyết tranh chấp theo phương hướng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và giải quyết tranh chấp tên cơ sở luật pháp quốc tế.
Mặt khác người viết cho rằng, Việt Nam cũng phải tránh bị các cường quốc “mặc cả” trên lợi ích quốc gia mình như Trung Quốc và Mỹ đã làm trước Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương và thỏa hiệp trong Tuyên bố Thượng Hải năm 1972.
Như vậy, Việt Nam vừa có thể đảm bảo tập hợp được sự ủng hộ quốc tế cho việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc vừa đảm bảo được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; không để các thế lực lợi dụng vấn đề Biển Đông để làm phức tạp hóa tình hình để trục lợi, lôi kéo vào các xung đột có thể xảy ra.