Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngNhững xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc...

Những xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông (Kỳ 10)

Như thể hiện trên bản đồ, một đường nằm phía ngoài cách đường này 60 hải lý là thể hiện cách xác định bảo thủ nhất chân dốc lục địa, nó sẽ đặt toàn bộ khu vực bãi ngầm Tư Chính (và Thanh Long) nằm hẳn vào trong thềm lục địa pháp lý của Việt Nam.

Ngày càng nhiều học giả Trung Quốc bác bỏ “đường lưỡi bò”

Sự kéo dài tự nhiên ra ngoài 200 hải lý

Chỉ cần nhìn thoáng qua bất kỳ một bản đồ độ sâu nào cũng đủ chứng minh được rằng ở khu vực Nam và Đông Nam Việt Nam, sự kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam vươn ra xa đáng kể tới hơn 200 hải lý. Do đó, Việt Nam có thể yêu sách hợp lý và đáng kể đối với một khu vực đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ra quá đường 200 hải lý. Theo Điều 76 của Công ước Luật biển, Việt Nam có thể nêu ra yêu sách thích đáng ra ngoài chân dốc lục địa 60 hải lý như quy định trong Điều 76 (4), cho tới mức tối đa 350 hải lý hoặc 100 hải lý cách xa đường đẳng sâu 2.500.

Việc xác định vị trí chính xác của chân dốc lục địa trong điều kiện chưa nắm rõ độ sâu và địa mạo của các khu vực ở Biển Đông có thể là một công việc khó khăn phần nào có tính chủ quan. Tuy nhiên, khu vực bãi ngầm Tư Chính có thể đơn giản hơn, vì nhìn thấy ngay một vùng nước tương đối nông (sâu không quá 1.000m) nhô lên trên toàn bộ khu vực này. Không còn nghi ngờ gì, chân dốc lục địa tại bài ngầm Tư Chính nằm chính nơi đó, và một đường 60 hải lý kẻ ra ngoài chân dốc sẽ bao quanh toàn bộ vùng này (và đương nhiên, khu vực Thanh Long) nằm gọn trong thềm lục địa thuộc quyền của Việt Nam theo Điều 76 của Công ước.

Điều này được khẳng định trong một báo cáo của Scott B.Edmonds – Chủ tịch Công ty Đồ bản Maryland và cả trên bản đồ của Công ty Đồ bản Maryland, Hình 3 là một họa đồ của bản đồ này. Theo lời giải thích của ông Edmonds, ý kiến bảo thủ nhất là chân dốc lục địa có thể được xác định ở khu vực đường đẳng sâu 1.000-1.500m và như vậy, sẽ đưa hầu hết khu vực bãi ngầm Tư Chính vào trong thềm lục địa (theo nghĩa hẹp) và dốc lục địa của Việt Nam. Ông Edmonds còn đề xuất một phương pháp khác có thể vận dụng là đặt chân dốc ra xa phía biển, tới tận khu vực lân cận đường đẳng sâu 2.000-3.000m2 – hoặc xa hơn nữa, tới phía Đông của Philippines – nhưng không thể đưa nó tới sát bờ hơn như được thể hiện trên Hình 3.

Như thể hiện trên bản đồ, một đường nằm phía ngoài cách đường này 60 hải lý là thể hiện cách xác định bảo thủ nhất chân dốc lục địa, nó sẽ đặt toàn bộ khu vực bãi ngầm Tư Chính (và Thanh Long) nằm hẳn vào trong thềm lục địa pháp lý của Việt Nam.

Đường cách đều giữa các bờ biển đối diện nhau

Cũng có một sự ủng hộ mạnh mẽ đối với kiến nghị là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của toàn bộ Biển Đông, nên được xem là nằm trong rìa lục địa của các nước bao quanh và chân dốc đích thực của dốc lục địa nằm hoàn toàn phía ngoài biển này, thuộc vùng biển rất sâu ở phía Đông Philippines. Nếu ý kiến này được chấp nhận, và do Biển Đông không có chỗ nào rộng đến 700 hải lý, thì toàn bộ các khu vực của nó sẽ nằm trên các thềm lục địa có quyền được hưởng 350 hải lý của nước này hay nước khác bao quanh và toàn bộ đáy biển sẽ được phân chia cho các nước theo cách hoạch định đường cách đều.

Hình 4 thể hiện các kết quả hoạch định kiểu đó, nó không hạn chế cho riêng các khu vực Thanh Long và Tư Chính mà mở rộng ra toàn bộ Biển Đông, để có thể cho phép tiến hành nghiên cứu theo tỷ lệ, nhằm kiểm nghiệm các kết quả của đường cách đều – đúng như yêu sách của Trung Quốc đã được kiểm nghiệm ở phần trên. Hình 4 được vẽ trên cơ sở các nguyên tắc và phương pháp sau:

(1) Những đường ranh giới giả định, trừ những đường được xác định cụ thể ở phần sau, đều là đường cách đều. Những đường này được vạch ra bằng cách sử dụng tất cả các điểm cơ sở nằm trên đất liền của từng nước. Tất cả các đường cơ sở thẳng do các nước tuyên bố đều bị bỏ qua. Các đảo nhỏ (đảo nhỏ hoặc đảo đá) nằm trong vùng biển thuộc quyền của mỗi nước, nhưng ở vị trí mà nếu được sử dụng làm điểm cơ sở thì sẽ tạo ra kết quả bất hợp lý về tỷ lệ (như nhóm hòn Hải của Việt Nam) đều bị bỏ qua. Các đảo có kích thích lớn, có dân cư và có tầm quan trọng về kinh tế – như đảo Phú Quý và Côn Đảo của Việt Nam và các đảo của Indonesia và phía Tây Bắc đảo Borneo – được cho nửa hiệu lực theo như các vụ án đã được giải quyết. Các đảo nằm sát bờ biển Trung Quốc, bất luận kích thước của chúng như thế nào, đều có hiệu lực toàn phần.

(2) Ranh giới được thiết lập bằng hiệp định giữa Malaysia và Indonesia cần được tôn trọng, vì đó là quy tắc cơ bản của luật quốc tế, theo đó, các nước có thể thông qua đàm phán song phương để hoạch định ranh giới biển giữa họ và sao cho, như họ mong muốn, không phương hại đến quyền của các nước khác.

(3) Tại những khu vực mà yêu sách của Malaysia, như được thể hiện trên Mảnh 1, nằm gần đường cách đều, thì Malaysia sẽ bị bó buộc vào yêu sách của họ trên cơ sở là, họ đã khước từ quyền có vùng biển rộng lớn hơn.

(4) Thực tế, chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang bị tranh chấp. Trung Quốc (gồm cả Đài Loan) và Việt Nam đều đòi chủ quyền đối với toàn bộ các quần đảo; Philippines và Malaysia đòi một phần quần đảo. Như đã được trao đổi chi tiết ở phần trên, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mang những đặc điểm cố hữu là các đảo, các đá rất nhỏ và không quan trọng. Khi áp dụng Công ước Luật biển hay Luật tập quán quốc tế và để bảo đảm cho nguyên tắc công bằng hợp lý, chắc chắn tòa án sẽ khước từ trao cho chúng bất kỳ một hiệu lực nào để có quyền có các vùng biển hay thềm lục địa rộng lớn.

Khẳng định rằng tòa án sẽ giới hạn quyền của mỗi bãi hoàn toàn nổi trong từng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa chỉ được có một dải lãnh hải 12 hải lý. Do đó, xung quanh mỗi bãi được xem như hoàn toàn nổi trong các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ vẽ các vòng tròn có bán kính 12 hải lý. Khi vấn đề chủ quyền đối với các đảo nhỏ này được giải quyết xong, nếu một đảo nào đó được quy thuộc một quốc gia có vùng biển được chia theo các căn cứ khác mà lại bao quanh đảo này, thì vòng tròn của đảo sẽ mất đi. Nếu, bất kỳ một bãi hoàn toàn nổi nào của quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa bị bao bọc toàn bộ hay một phần bởi vùng biển của các quốc gia khác được chia theo các căn cứ khác, thì vòng tròn này sẽ tồn tại (toàn bộ hay một phần) như một ranh giới biển.

Một tòa án với quyền hạn phân định ranh giới thềm lục địa cho toàn bộ Biển Đông sẽ vạch các đường như thế hoặc rất giống các đường thể hiện trên Hình 4, và sẽ coi các đường đó là các ranh giới giả định, tùy thuộc vào việc xác định xem các đường này có tạo ra một mức độ tỷ lệ có thể chấp nhận được hay không và có đạt được “một giải pháp công bằng” hay không. Ta sẽ thấy rõ ngay những ranh giới giả định này hoàn toàn nằm cách xa các khu vực Thanh Long và Tư Chính ở trên thềm lục địa Việt Nam.

Tòa án rất có thể kết luận rằng, chỉ cần kiểm tra bằng mắt các ranh giới giả định trên Hình 4 cũng thấy sự không cần thiết phải kiểm tra tỷ lệ đó bằng số học. Các ranh giới đó “xem ra” là công bằng; chúng cho thấy ngay một sự phân chia công bằng các vùng biển có liên quan. Đây đúng là cái mà mọi người mong đợi vì phần lớn các đường đó là các đường cách đều; và các đường cách đều đó thoạt nhìn (prima facie) là công bằng trong việc hoạch định ranh giới biển giữa các nước đối diện. Nếu chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vẫn còn bị tranh chấp cho đến thời điểm hoạch định thềm lục địa, và nếu việc xét xử của tòa cho rằng, vấn đề hoạch định không có quyền quyết định vấn đề chủ quyền này, thì tính chất chưa rõ ràng về quyền sở hữu các vành đai biển bao quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong Hình 4 có thể là một nhân tố bổ sung giúp tòa ngừng tiến hành việc nghiên cứu cách tính toán tỷ lệ bằng số học.

Tuy nhiên, để đánh giá xem liệu Trung Quốc có thể có bất kỳ yêu sách nào có giá trị đối với các khu vực Thanh Long và Tư Chính, vì mục đích nghiên cứu tính tỷ lệ và sẽ là hợp lý khi giả định Trung Quốc là người sở hữu tất cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và đó là sự giả định thuận lợi nhất có thể làm được cho Trung Quốc. Ngay cả khi người ta đưa ra giả định đó, Trung Quốc cũng thấy được rằng họ không thể có yêu sách khả dĩ nào có giá trị đối với các khu vực Tư Chính và Thanh Long, khi đó quyền của Việt Nam đối với các khu vực đó là rõ ràng nếu toàn bộ Biển Đông được coi là một “thềm lục địa” và là đối tượng cần phải hoạch định ranh giới.

Do đó, tác giả cùng với sự trợ giúp của những người lập bản đồ đã tiến hành nghiên cứu tính tỷ lệ về các ranh giới giả định thể hiện trên Hình 4, sử dụng tương tự cách xác định các vùng biển liên quan và cách đo đạc các đường bờ biển liên quan, như đã thực hiện để nghiên cứu tính tỷ lệ của các ranh giới trên Hình 2. Kết quả của việc nghiên cứu này được thể hiện trong Bảng 2.

Nước Chiều dài bờ biển liên quan (hải lý) Tỷ lệ của toàn bộ bờ biển liên quan Diện tích đáy biển được chia (h12) Tỷ lệ của toàn bộ đáy biển
Trung Quốc 789 29,9 191,819 26,2
Indonesia 35 1,3 28.086 3,8
Malaysia 510 19,4 92.732 12,8
Philippines 667 25,3 221.896 30,3
Việt Nam 635 24,1 196.582 26,9

Ở chừng mực tối thiểu, các kết quả liên quan đến Trung Quốc, Philippines và Việt Nam là phù hợp với mức độ tỷ lệ mà luật pháp quốc tế đòi hỏi. Việc không phù hợp chỉ liên quan đến Malaysia và Indonesia: Malaysia chỉ nhận được khoảng 2/3 đáy biển trong chừng mực tỷ lệ hợp lý mà họ được hưởng, và Indonesia nhận được gấp 3 lần so với tỷ lệ hợp lý đem lại. Tuy vậy, một phần các kết quả này là kết của hiệp định song phương về hoạch định ranh giới biển giữa Indonesia và Malaysia, và phần còn lại là do quyết định của Malaysia tự hạn chế yêu sách của họ trong ranh giới thể hiện ở hình 4. Do đó, tòa án sẽ thấy không cần thiết và không thể xem xét vấn đề này để đưa ra bất kỳ một sự điều chỉnh nào cho các ranh giới giả định để bù cho những đoạn chệch khỏi tính tỷ lệ đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới